Mệnh lệnh… giúp người

Năm 2014, ông là một trong hai người đại diện cho Cần Thơ tham dự hội nghị báo cáo điển hình toàn quốc về thương bệnh binh làm kinh tế giỏi; chăm lo cho các đối tượng chính sách, người nhiễm chất độc da cam (CĐDC) và người nghèo. 
Ông là một cựu chiến binh, bị nhiễm CĐDC nhưng đầy nghị lực vượt lên nỗi đau, trở thành tấm gương điển hình mẫu mực trong cuộc sống đời thường sau chiến tranh: làm kinh doanh giỏi, cùng vợ con làm thiện nguyện. Ông là Phạm Đình Hán, Chủ tịch Hội CĐDC và ủy viên ban chấp hành hội Cựu chiến binh phường An Lạc, quận Ninh Kiều, Cần Thơ.
Mệnh lệnh… giúp người ảnh 1 Hai vợ chồng ông Phạm Đình Hán và bà Đỗ Phụng Nga
 Thương người như thể thương thân
Nhà ông Phạm Đình Hán ở đường Điện Biên Phủ, một trong những nơi giao thương sôi động nhất TP Cần Thơ. Người dân địa phương thường gọi đường này là chợ Sắt An Lạc. Thương nhân 2 bên đường chuyên buôn bán các loại đồ dùng bằng sắt, thép. Nhà ông Hán cũng vậy.
Căn nhà một trệt, 3 lầu, chiều ngang khoảng chừng 3m, chứa đủ các loại hàng sắt thép cổ, kim. Hộ khẩu thường trú căn nhà này chỉ có tên vợ chồng ông nhưng có tới cả chục con người cư ngụ: con gái thứ hai Phạm Thị Hồng Liên (34 tuổi); 3 cháu ngoại dưới 10 tuổi (con của chị Liên và em gái thứ 3 đã mất vì CĐDC di truyền từ cha) và 5 người giúp việc. Các cháu giúp việc đều là con cựu chiến binh và người bị nhiễm CĐDC.
Vợ chồng ông thương các cháu như con, ăn uống cùng mâm. Ông cũng trả lương cho các cháu cao hơn so với mức lương bình quân những hộ kinh doanh xung quanh trả cho người lao động, để các cháu có điều kiện giúp đỡ gia đình. Ông Hán luôn tâm niệm đó là một phần trách nhiệm của ông đối với những người bạn cựu chiến binh và người bị nhiễm CĐDC.
Gần đây, ông Hán cùng chị Liên còn tổ chức trao quà hỗ trợ trên 100 nạn nhân bị nhiễm CĐDC phường An Lạc. Quà của cha con ông Hán là gạo, đồ tiêu dùng và tiền mặt. Mỗi phần quà trị giá chỉ vài trăm ngàn đồng nhưng trên tất cả, đó là tấm lòng của con người giàu trắc ẩn, luôn chăm lo cho những người đồng cảnh ngộ.
Ông Hán và chị Liên không nhớ nổi đây là lần trao quà thứ bao nhiêu trong những năm qua. Thông thường, cứ 1 hoặc 2 tháng, ông lại tổ chức một đợt trao quà như vậy. Nhiều nghệ sĩ ở TPHCM khi hay tin cha con ông Hán làm thiện nguyện cũng hăng hái chung tay, chia sẻ với cha con ông. Chị Liên tâm sự rằng cha mẹ chị nhiều khi bận việc kinh doanh, công việc hội đoàn nên không phải lúc nào cũng tham gia đi tặng quà.
“Không góp công sức thì ba mẹ sẽ góp tiền để hỗ trợ cho những người gặp hoàn cảnh khó khăn”, chị Liên nói. 
Bà Đỗ Phụng Nga, vợ ông Hán, vẫn còn nhớ như in Ngày Quốc khánh 2- 9 cách đây 3 năm (2014). Khi đó, bà đang lúi húi bán hàng thì nhận được điện thoại của ông Hán (đang làm công trình xây cầu Chợ Gạo, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang) kêu bà sang Tiền Giang gấp để dự lễ khánh thành 2 căn nhà tình nghĩa do ông làm “chủ xị”.
“Ông ấy giấu tôi, đầu tư gần 80 triệu đồng cất nhà tặng hai bà mẹ Việt Nam anh hùng ở huyện Chợ Gạo. Tôi chỉ hơi bất ngờ đôi chút bởi hồi nào tới giờ, ông ấy đã cất cả chục căn như vậy rồi. Vợ chồng tôi làm thiện nguyện đồng lòng lắm. Mình cũng đã từng có lúc khó khăn nên rất thương người nghèo, nhất là gia đình chính sách - những người đã từng chở che, nuôi ông ấy những năm chống Mỹ”, bà Nga chia sẻ.
Đi lên từ tay trắng
Ông Hán sinh năm 1952, quê TP Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. Tháng 5-1970, ông Hán nhập ngũ và được bổ sung vào đơn vị pháo binh, tham gia chiến đấu ở chiến trường Tây Nguyên. Mùa hè năm 1972, thời điểm chiến trường Tây Nguyên diễn ra rất ác liệt, nhiều cánh rừng bị địch ném bom, bắn pháo và rải CĐDC. Trong một lần theo đơn vị tác chiến, xe chở ông Hán cùng 5 chiến sĩ pháo binh đang vượt qua ngã ba Đông Dương  thì bị hỏng. Mọi người phải tạm dừng hành trình để sửa xe. Xa đơn vị cả tuần, thiếu cơm ăn, nước uống, ông Hán cùng đồng đội phải hái rau rừng ăn thay và vô tình uống phải nước ở vùng đất bị nhiễm CĐDC…
Năm 1982, ông Hán cưới vợ. Năm 1986, ông ra quân với tỷ lệ mất sức trên 70% vì bị nhiễm CĐDC. Ông về địa phương tham gia công tác hội đoàn ở phường An Lạc, là ủy viên ban chấp hành hội cựu chiến binh; chủ tịch hội nạn nhân CĐDC. Không có vốn làm ăn, ông Hán phải ở nhờ cha mẹ vợ. Nhưng không cam chịu số phận, ông Hán đóng cho vợ một tủ cá nhân để bán thuốc lá lẻ kèm cóc, ổi, mía ghim, rồi đồ lạc xoong, sắt thép vụn và dần dà thành doanh nghiệp như bây giờ. Chỉ riêng mấy cửa hàng chuyên kinh doanh sắt thép ở chợ sắt An Lạc, mỗi năm, doanh nghiệp Phụng Nga của ông Phạm Đình Hán đóng góp cho ngân sách địa phương hàng trăm triệu đồng. Đó là chưa kể những khoản đóng góp không nhỏ khác từ doanh nghiệp xây dựng của ông.
Chủ tịch UBND phường An Lạc Mai Thành Khôi (37 tuổi) là một người khiêm tốn, năng động, trưởng thành từ phong trào nên rất biết cách huy động những người xung quanh mình để gây dựng phong trào, trân trọng những người như ông Hán. Ngoài việc động viên các bậc cha chú như ông Hán làm tốt công tác hội đoàn, ông Mai Thành Khôi còn tranh thủ sự giúp đỡ về mặt vật chất của những người như ông Hán để lo cho những đối tượng chính sách, người nghèo trong phường… Chủ tịch UBND phường An Lạc cho biết ngoài việc làm thiện nguyện của gia đình, mỗi năm, ông Hán còn đóng góp cho quỹ người nghèo của phường từ 25-30 triệu đồng.
Cuộc chiến tranh chống Mỹ đã trui rèn nên một thương nhân Phạm Đình Hán, một tấm gương không ngại khó khăn, gian khổ, không đầu hàng bệnh tật để vươn lên. Nhưng trên tất cả, điều đọng lại trong lòng mỗi người dân phường An Lạc là cựu chiến binh Phạm Đình Hán với một tấm lòng nhân ái, bao dung, luôn xem giúp người là mệnh lệnh.

Tin cùng chuyên mục