Kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27-7-1947 _ 27-7-2017)

Mẹ cũng là di tích

Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Thưởng (còn gọi là Nguyễn Thị Mễ, theo tên của chồng) năm nay tròn 100 tuổi, sống trong căn nhà đơn sơ giản dị, tại thôn Viêm Tây 3, xã Điện Thắng Bắc, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. 
Mẹ được tặng Huân chương Kháng chiến hạng nhất. Chồng mẹ là liệt sĩ Lê Mễ được tặng Huân chương Kháng chiến hạng ba. Năm 1981, gia đình mẹ được tặng Bảng vàng danh dự chống Mỹ cứu nước. Nhà mẹ được xếp hạng di tích cấp tỉnh, hiện bia di tích còn đặt trong vườn nhà.
Mẹ cũng là di tích ảnh 1 Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Thưởng bên di tích trong vườn nhà
1. Mẹ còn minh mẫn và trí nhớ rất tốt. Mẹ kể: “Ngày xưa chiến tranh cán bộ đầy nhà, ra vô thường xuyên. Lén lén, lút lút, khổ nhưng rất vui”.
Năm tháng trôi qua, dù đã trăm tuổi nhưng những bạn tù năm xưa giờ đã khuất tên Đào Thị Thục, Trương Thị Quá vẫn được mẹ nhớ và nhắc: “Hai người bạn đó nói với mẹ, ráng sống thời bình về, trẻ thì cách mạng nuôi, già thì vô viện dưỡng lão”.
Rồi mẹ nhắc về người chồng đã hy sinh, ông bị một viên đạn bắn vào đầu, không có điều kiện y tế để lấy ra. Vậy nên các cơn đau hành hạ ông suốt.
“Khi ông ấy bị bắt tù, địch tra tấn dã man, tôi đem cơm vô thăm, thấy mà xót xa. Ông ấy không thể nói được, chỉ ra dấu cho tôi biết, một người bạn tù hiểu ý nói lại với tôi: xem như không thấy gì, hãy im lặng ra về, ra ngoài mà nói, chúng sẽ bắt lại nhốt thì ai nuôi con. Tôi chỉ biết nuốt nước mắt và thù hận vào trong, lẳng lặng về…”. 
Trong vòng 10 năm mẹ đã đào 13 hầm nuôi cán bộ trong nhà, trong vườn. Mẹ kể, có hầm cạn, có hầm sâu, nhưng hầm lớn nhất cũng chỉ đủ cho 3 người nằm, có 2 lỗ thông gió bằng ngón chân cái để thở. Có những hầm sâu nằm dưới 5 lớp táp-lô, khi địch phát hiện đào tới lớp thứ 4 đã đuối sức, không thể đào tiếp. Còn với những hầm cạn, khi có sự nghi ngờ, mẹ liền cho lấp hầm ngay và đào hầm khác. Chúng tôi thắc mắc, lấp hầm lấy đâu đất mà lấp, hơn nữa có dấu đất mới. Mẹ cười, thứ nhất khi lấp hầm thì đồng thời đào hầm khác, dùng đất hầm này lấp qua hầm kia, sau đó trồng cây lên. Mẹ đã nghiên cứu rất kỹ các loại cây và thấy trồng thơm là hiệu quả nhất. Khó có thể phát hiện thơm trồng mới hay đã trồng lâu năm. Nhiều hầm mẹ đào dưới gốc tre và che phủ một lớp đất và lá tre lên... 
2. Hầm đầu tiên mẹ đào khoảng năm 1958, mẹ nuôi giấu đồng chí Phan Bồn. Trong 13 hầm, còn có một hầm chứa máy đánh chữ, tài liệu, vị trí ngay dưới nền nhà mẹ ở. Nhiều trường hợp, du kích chạy trốn mẹ cũng nhận và cho nấp dưới hầm, khi du kích đi, mẹ lấp ngay để phi tang, tránh trường hợp du kích bị bắt, không chịu nổi tra tấn khai ra, cán bộ ở lại sẽ bị nguy hiểm.
“Tôi luôn có linh tính, có chuyện chẳng lành tôi biết ngay”, mẹ nói.
Mẹ kể đã 2 lần vào tù, lần thứ nhất trước năm 1964, do cán bộ bị bắt không chịu nổi tra tấn khai đã trốn trong hầm nhà mẹ. Bọn chúng kiểm tra nhưng không tìm ra bằng chứng, vì khi cán bộ đi khỏi, mẹ đã lấp hầm phi tang.
“Lúc ấy tôi đang mang thai 1 tháng, chúng nhốt tôi đến khi sắp sinh con... Khoảng giữa 1964, chồng tôi bị bắn, tôi bị bắt sau đó, chúng đánh đập dã man vì chồng làm cộng sản mà không khai báo. Sau điều tra không có chứng cứ gì liên quan, tôi khai chồng đi suốt, con tôi đông, chỉ biết làm rất nhiều việc để nuôi con, ông ấy làm gì tôi không biết nên tôi được thả ra”.
3. Mẹ có tất cả 9 người con. Ngoài chồng ra, 3 người con của mẹ cũng tham gia cách mạng. Cán bộ sống lâu nhất ở nhà mẹ được 2 năm, còn lại họ đi đi về về suốt vì nơi này rất an toàn, có cán bộ chỉ ở 1 đêm rồi đi. Khi được hỏi, mẹ phải nuôi đàn con thơ và rất nhiều cán bộ, một mình mẹ làm sao xoay xở.
Mẹ cười nói: “Khi ấy tôi rất giỏi, tôi buôn bán đủ thứ, từ thuốc tây thuốc bắc đến hàng tạp hóa..., tôi còn ủ mắm nữa cơ. Tám cái lu ủ mắm đã vỡ mất 6, còn 2 cái tôi giữ lại trong nhà để kỷ niệm. Gạo thì cách mạng phân phát nhưng rất ít, mẹ con tôi không ăn để dành nuôi cán bộ, khoai sắn rất nhiều nên không thể đói được. Tôi buôn bán đủ thứ, đến năm 1960 tôi mở quán nước, cũng là ngụy trang làm trạm liên lạc với cách mạng. Được 4 năm thì có dấu hiệu nghi ngờ, tôi đã nghỉ bán”…
Mẹ Thưởng tuy ở tuổi 100 nhưng rất tỉnh táo và thường nhớ về quá khứ. Tháng 4-2017, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã gửi thiệp mừng thọ mẹ 100 tuổi, cán bộ địa phương đã đến thăm mẹ. Địa phương hỏi mẹ có nguyện vọng gì. Mẹ chỉ nói: “Tôi không muốn gì, thế này là vui rồi”. Đau đáu trong lòng mẹ là nỗi lo bị lãng quên. Mẹ dặn dò: “Trong chiến tranh cuộc sống quá khổ rồi, giờ đã hòa bình, mẹ gần đất xa trời, chỉ mong các thế hệ sau sống biết trái phải, phân biệt đúng sai mà làm. Đừng vì đồng tiền làm mất đi bản chất con người…”

Di tích Cơ sở cách mạng nhà mẹ Nguyễn Thị Mễ

Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, thôn Viêm Tây 3, xã Điện Thắng Bắc là địa phương giàu truyền thống cách mạng. Trong đó gia đình mẹ Nguyễn Thị Mễ là gia đình cách mạng tiêu biểu ở địa phương. Mẹ có chồng, con là liệt sĩ, được nhà nước phong tặng danh hiệu Mẹ Việt Nam anh hùng. Khu vườn nhà mẹ rộng khoảng 1.000m², có một hệ thống gồm 13 hầm bí mật, các đồng chí lãnh đạo của Tỉnh ủy Quảng Đà, Huyện ủy Điện Bàn như Phạm Ký, Phan Bồn, Ngô Dinh... đã chọn nơi này để hoạt động, tổ chức các đợt chống càn khi địch hành quân. Mặc dù có cả một hệ thống hầm bí mật nhưng được sự che chở, cảnh giới kịp thời, hiệu quả từ gia đình mẹ Nguyễn Thị Mễ, nên cuộc kháng chiến chống Mỹ nơi đây chưa một lần bị địch phát hiện, luôn an toàn tuyệt đối, tạo điều kiện cho nhiều đồng chí cán bộ lãnh đạo các cấp hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, góp phần vào thành công cuộc kháng chiến chống Mỹ, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Với công lao đó, Di tích Cơ sở cách mạng nhà mẹ Nguyễn Thị Mễ được UBND tỉnh Quảng Nam công nhận là Di tích lịch sử cấp tỉnh theo Quyết định số 440/QĐ-UB vào năm 2015.

Tin cùng chuyên mục