May mặc Việt gặp khó với hàng giả, hàng nhái

Cùng với bài toán đẩy mạnh thâm nhập thị trường nội địa, nhiều doanh nghiệp (DN) dệt may Việt Nam đang phải đương đầu trước vấn nạn hàng giả, nhái thương hiệu tràn lan trên thị trường. 
Người tiêu dùng tìm mua hàng tại các địa chỉ uy tín, sẽ là cách tốt nhất đẩy lùi hàng giả
Người tiêu dùng tìm mua hàng tại các địa chỉ uy tín, sẽ là cách tốt nhất đẩy lùi hàng giả

Nhiều thương hiệu lớn bị làm giả

Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) đánh giá, ngành công nghiệp may thời trang Việt Nam đang ngày càng phát triển với hàng trăm thương hiệu may mặc và hầu hết các DN đều ý thức được việc mang thương hiệu, bao bì của mình vào các sản phẩm để chiếm được cảm tình của người tiêu dùng. Cũng bởi ngành may thời trang phát triển, nhu cầu người tiêu dùng tăng cao, mà thị trường đã xuất hiện tình trạng sản phẩm may mặc của các thương hiệu lớn như Việt Tiến, Nhà Bè, May 10… bị làm giả, làm nhái để trục lợi. 

Như chia sẻ từ Tập đoàn Dệt may Việt Nam, việc phát triển thị trường nội địa của DN may đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức, trong đó phải kể đến nạn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng nhập lậu đang bày bán tràn lan trên thị trường. Khi sản phẩm sản xuất ra bị làm giả, làm nhái, sẽ khiến DN làm ăn chân chính bị kìm hãm sản xuất, kinh doanh, yếu sức cạnh tranh và khó bảo vệ thương hiệu, sản phẩm của chính mình. 

Số liệu thống kê của ngành công thương cho thấy, hàng năm, lực lượng quản lý thị trường phát hiện và xử lý hơn 100.000 vụ việc liên quan hàng giả, hàng nhái, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; trong đó, sản phẩm dệt may thời trang chiếm phần lớn. Thực tế trong những năm trở lại đây, trên thị trường có rất nhiều cửa hàng bán quần áo may sẵn dù không phải đại lý chính hãng được ủy quyền nhưng vẫn lợi dụng thương hiệu, treo biển quảng cáo không rõ ràng (như: sơ mi Việt Tiến, May 10…) gây nhầm lẫn cho khách hàng để trà trộn bán các sản phẩm hàng nhái, hàng giả, kém chất lượng. 

Theo các DN sản xuất dệt may, việc hàng giả, hàng nhái tràn lan sẽ dẫn đến 3 nguy cơ. Thứ nhất, liên quan sự phát triển bền vững, lòng tin của người tiêu dùng vào nhãn hiệu sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam. Thứ hai là bào mòn niềm tin, dung túng cho những người sản xuất hàng nhái, hàng giả. Thứ ba là vô hình trung để cho số lượng lớn hàng giả vào thị trường, vi phạm bản quyền mà nhà sản xuất đăng ký ở thị trường trong nước, quốc tế. Đây là vấn đề nguy cơ cực kỳ lớn, nếu không có giải pháp thì khó giữ được sự ổn định trong phát triển bền vững, bởi thương hiệu không chỉ của DN, mà thương hiệu là của quốc gia.

Về vấn đề này, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch VITAS, thừa nhận rằng rất nhiều thương hiệu nổi tiếng của ngành may thời trang trong nước đang bị làm giả, làm nhái. Hàng giả, hàng nhái không chỉ gây ảnh hưởng trực tiếp tới các thương hiệu dệt may trong nước, mà còn làm giảm sức cạnh tranh của DN trên thị trường. Nói về nguyên nhân hàng giả, hàng nhái vẫn có “đất sống”, ông Giang cho hay, người tiêu dùng Việt Nam đang tiếp tay cho hàng giả lan tràn khắp mọi miền đất nước, bởi không xem xét một cách kỹ lưỡng trước khi mua sắm. Bên cạnh đó, một số nhà sản xuất, thương mại vì lợi nhuận mà bất chấp để làm hàng giả dù biết ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của cả ngành. 

Quyết liệt chống hàng giả

Để ngăn chặn việc hàng nhái, hàng giả thương hiệu may Việt, theo ông Vũ Đức Giang, hầu hết DN đã có giải pháp tự bảo vệ mình như: đăng ký bảo hộ kiểu dáng; tổ chức nội bộ kiểm tra cửa hàng, đại lý, cơ sở sản xuất hàng giả, báo cáo cơ quan quản lý, đưa những đối tượng này ra tòa… 

Chẳng hạn, May 10 đang thực hiện một số giải pháp như phát triển các sản phẩm, mẫu mã thời trang liên tục và bảo hộ kiểu dáng của mình; hệ thống nhận diện thương hiệu được đồng bộ từ khâu bao bì, đóng gói, đến khâu phân phối, tiêu dùng. Về mặt kỹ thuật, trong tất cả các sản phẩm đều có một sợi chống hàng giả được dệt cùng nhãn mác sử dụng; có tem chống hàng giả, khi soi kính lúp có thể nhìn được toàn bộ logo, ký hiệu đặc biệt để phân biệt.

Tuy nhiên, theo cảnh báo của ông Vũ Đức Giang, bản thân DN dù thực hiện nhiều giải pháp nhưng chỉ có thể kiểm soát, báo cáo và chờ cơ quan chức năng giải quyết. Chính vì vậy, dù Việt Nam đã có luật, có chính sách ngăn chặn hàng giả nhưng để thực hiện, kiểm soát chính sách này thì cơ quan quản lý nhà nước (hải quan, công an, quản lý thị trường) phải có trách nhiệm hơn để đảm bảo uy tín của thương hiệu; phải thực hiện quyết liệt hơn, có tâm hơn, có tầm hơn, có quan điểm xuyên suốt hơn. Cùng với đó, nhận thức người tiêu dùng cũng phải nâng cao hơn để nói không với hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng. “Luật nên xem xét tìm ra điều khoản chặt chẽ hơn, mạnh mẽ hơn trong chủ trương chống hàng gian, hàng giả, hàng nhái, bảo vệ uy tín của hàng dệt may trên thị trường”, ông Giang nêu ý kiến. 

Hiện ngành dệt may Việt Nam cũng đang từng bước nâng tỷ lệ nội địa hóa cũng như chú trọng phát triển thị trường trong nước. Trong đó, phải kể đến các chương trình “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, hay các chương trình đưa sản phẩm dệt may vào khu công nghiệp. Đồng thời, chủ động được chiến lược phát triển, kêu gọi đầu tư từ các DN dệt trong nước và các DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào phần cung mà Việt Nam đang thiếu hụt.

Mặt khác, đẩy mạnh công tác đào tạo nguồn lực để đáp ứng cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, dây chuyền sản xuất từ sợi, dệt nhuộm, may… nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao và nhanh của ngành thời trang trong nước và quốc tế, giúp ngành tự tin đứng vững trên thị trường.

Tin cùng chuyên mục