Màu hoa mùa hiến chương

Có một điểm trường nằm sâu trong bản Si Mới (thuộc xã Trọng Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình), vắt vẻo bên mái núi. Dưới rặng Giăng Màn hẻo lánh có 3 cô giáo cắm bản để từng ngày chuyển chữ cho con em người Khùa, người Mày giữa mây trắng sương giăng.
Cô Hoằng (bìa phải) và cô Hóa với học sinh ở điểm trường Si Mới
Cô Hoằng (bìa phải) và cô Hóa với học sinh ở điểm trường Si Mới

Học tiếng bản địa để dạy tiếng Việt

Điểm trường Si Mới nằm bên cạnh đường ra biên giới tuần tra của bộ đội biên phòng. Hẻo lánh, vắt vẻo và cao chót vót. Con đường vượt qua nhiều ngầm như Ka Định, Cu Pi, Hà Nông, thác La A… Đây là điểm trường trên địa hình cheo leo mà chúng tôi chưa bao giờ gặp qua trong những lần đi tác nghiệp ở vùng cao. Học trò người Mày, người Khùa lớn lên giữa núi rừng thảo dã nên con đường học vấn vô cùng gian nan, khó khăn vì còn phải tìm cái ăn và “con chữ cũng khó đi vào đầu hơn là vào rừng mưu sinh”. Điểm trường có 25 học sinh thuộc Trường PTDT bán trú TH-THCS số 2 Trọng Hóa. Cắm chốt tại điểm trường này có 3 cô giáo Đậu Thị Mai Hóa (50 tuổi), Cao Thị Hoằng (38 tuổi) và Hồ Thị Ta (30 tuổi). 

Cô Mai Hóa người Nghệ An lấy chồng ở vùng ven thành phố Đồng Hới, nơi có cung đường đi về điểm trường Si Mới hơn 400km. Còn cô Cao Thị Hoằng nhà ở thị trấn Đồng Lê, huyện miền núi Tuyên Hóa, đường đi đến trường cũng 200km. Nhà gần nhất là cô giáo người Khùa Hồ Thị Ta, nhưng cũng phải trải qua 60km cả đi lẫn về. Cắm bản lâu nhất là cô Mai Hóa, có đến 10 năm nên cô nhớ từng gương mặt học trò lúc mới lên và nay có đứa đã trưởng thành. Riêng cô Hoằng có 8 năm cắm bản nhưng có thâm niên dạy học  ở nhiều điểm trường vùng cao khác. Cô Hoằng kể: “Năm đầu tiên tôi lên lớp là vào điểm trường vùng Lòm, sâu xa lắm. Muốn dạy học trò biết tiếng Việt, tôi phải tự học tiếng của người Mày, người Khùa trên vùng cao này. Tôi cũng học như đứa trẻ, từng ngày một; học từ phụ huynh, từ học trò, từ già làng, trưởng bản để biết tập tục, biết suy nghĩ diễn tả rồi dịch ra tiếng Việt mới dạy lại cho học trò. Không học tiếng bản địa, có lôi kéo mấy các em cũng khó mà đọc thông viết thạo”. 

Còn cô Hóa nhớ lại: “Cuộc đời giáo viên cắm bản, muốn con chữ đến với học trò thì mình phải tìm đến với quê hương bản quán của trò, hiểu tiếng nói của dân bản thì mới biết học trò của mình suy nghĩ như thế nào để có phương pháp truyền đạt cho học sinh dễ hiểu”. 

Tìm trò giữa rừng xanh

Năm nào cũng vậy, từ tháng 11, nước thượng nguồn sông Gianh cùng mưa lũ dâng cao chia cắt, cô lập lối trở về miền xuôi. Cô giáo Hoằng kể: “Có năm hứa với con sẽ về cùng ăn bữa cơm do chồng và con nấu đúng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11. Lời hứa tính từ đầu tháng, nhưng đến ngày đó thì trời đổ mưa tầm tả, nước lũ dâng tràn đường, điện thoại không gọi được vì mất sóng. Phải mấy ngày sau mới nhắn được tin về nhà nói chồng con thông cảm”. 

Dạy ở điểm trường bên đường ra biên giới đối với cô Hoằng, cô Hóa hay cô Ta đều có chung niềm vui, nỗi buồn như trên, nhưng vượt lên tất cả là tình cô trò, vì học sinh “cơm chưa đủ no, áo không đủ ấm, chân không đủ dép” vẫn hồn nhiên đến cảm động. Cô Hoằng tâm sự: “Mỗi lần khai giảng năm học, giáo viên phải đến điểm trường sớm hơn để đến từng nhà tìm học trò. Bố mẹ lên rẫy trên núi cao, các em cũng theo chân lên đó, rất ít em ở nhà. Tìm học trò giữa nương rẫy hẻo lánh thường phải mất vài ngày hoặc cả tuần, vì rẫy của gia đình này đến gia đình kia cách nhau cả ngày đi đường. Có rẫy nằm ở lưng chừng núi, nhưng cũng có rẫy khuất hẳn bên kia núi, với vô vàn lối mòn trắc trở. Tìm ra được học trò nào là mừng vui khó tả, dù chưa biết phụ huynh có đồng ý cho con em theo chân cô giáo về trường. Có em gặp cô rơm rớm nước mắt vì xa cách mấy tháng nghỉ hè, nhưng cũng có em phải thuyết phục thật lâu mới chịu về bản chuẩn bị lên lớp”. 

Cũng vì con chữ đối với học trò không dễ tiếp thu như “bắt cá dưới suối hoặc đặt bẫy thú trên rừng” nên đôi lúc lớp vắng vài học trò, cô Hoằng phải nhờ mấy em cùng lớp thạo đường đi tìm. Có hôm tìm mãi từ sáng đến trời gần sập tối, học trò mới về báo bạn không chịu về học mà “đi đường cũ rồi”. Hỏi ra mới hiểu, “đường cũ” là đường vào rừng, thật sâu trong rừng. Thế là cô giáo phải lên đường đi tìm và thuyết phục trò trở lại điểm trường biên giới giữa mưa gió tím lạnh, rừng xanh.

Những “đóa hoa” trưởng thành

Với cô giáo Hoằng, kỷ niệm ngày hiến chương nhà giáo hồi còn dạy ở điểm trường Lòm là câu chuyện khó phai. Năm đó vừa lên nhận nhiệm vụ, cô có kể cho học trò nghe về những ngày lễ và Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11. Em Hồ Khiêm muốn cô giáo vơi bớt nỗi buồn nơi xa xứ, đã ra bìa rừng hái chùm cây có hoa vàng rất đẹp. Cô Hoằng đón nhận với niềm vui bất ngờ. Tối về, Hồ Khiêm kể với bố mẹ việc tặng hoa cô giáo. Phụ huynh hỏi hoa gì, Khiêm thật sự không biết hoa gì, chỉ tả lại màu lá, cánh hoa. Nghe xong, bố mẹ Hồ Khiêm lật đật trong đêm chạy lên phòng nội trú đầy ắp gió lạnh của cô Hoằng gõ cửa xin lại bó hoa đang cắm bên trang giáo án và giải thích: “Ấy là hoa lá ngón. Cháu không biết nên mới hái tặng cô, ngại cô biết thì nghĩ ngợi này kia, còn không biết và vô tình nếm phải thì chết”. Nghe xong, cô Hoằng phân vân nhưng cũng trấn an phụ huynh không sao cả, đấy là tấm lòng của học trò. 

Năm học sau, cũng vào dịp 20-11, Hồ Khiêm không biết tặng cô hoa gì, cứ nghĩ mãi “hoa đẹp thì lại có độc, mà núi cao này đâu có hoa hồng”. Tháng 11 mưa gió bão bùng, chẳng có loài hoa nào nở rộ. Ngồi trong lớp học, phóng tầm mắt nhìn qua ngọn đồi bên kia con suối, Hồ Khiêm thấy cả một rừng lau. Tan giờ học, Khiêm và bạn cùng lớp dẫn cô ra đứng giữa sân trường, chỉ tay qua rừng lau bát ngát trắng phau, rồi đồng thanh nói: “Cả lớp chúng em xin tặng cô cả rừng lau bên ấy”. Cô Hoằng chỉ biết xúc động, nhìn lũ học trò bản địa thật đáng yêu và dễ thương.

Ông Phạm Văn Bắc, Phó Chủ tịch UBND xã Trọng Hóa, tâm sự: “Nhân ngày 20-11 trên vùng cao biên giới này, học trò không biết tặng hoa tươi như học sinh miền xuôi. Phụ huynh cũng không biết mua hoa để gửi đến cô thầy, nhưng tình cảm thì luôn bền chặt suốt bao năm qua. Các thế hệ trước cô Hóa, cô Hằng đã về hưu, nay những đồng nghiệp của họ đang tiếp bước. Với sự tận tâm ấy đã để lại cho dân bản những “đóa hoa” trưởng thành. Đó là Hồ Tuấn, Hồ Thu, Hồ Đào, Hồ Canh, Hồ Nôn, Hồ Xôm, Hồ Thị Toàn, Hồ Thị Ta, Hồ Thị Vân, Hồ Thị Thao đã trở thành 10 giáo viên và trở về bản làng truyền chữ cho các thế hệ sau”. 

Cô Hóa, cô Hoằng, cô Ta ở điểm trường Si Mới còn kể cho tôi nghe về những học sinh hiếu học. Có em muốn làm giáo viên, có em muốn đi bộ đội bảo vệ biên cương, có em nguyện vọng làm bác sĩ để chữa bệnh cho gia đình và dân bản. Điểm trường của các cô có 2 phòng học nhỏ, 25 học sinh từ lớp 1 đến lớp 5 có rất nhiều ước mơ xuống miền xuôi học tiếp đến lúc trưởng thành. 

Giờ chia tay cũng đến, tôi đứng lên hỏi: “Mấy ngày này có ai đến chúc mừng, tặng hoa các cô chưa?”. Cô Mai Hóa khẽ lắc đầu rồi chợt bật lên câu nói: “Đây, cả 25 đứa học trò này chính là 25 đóa hoa đủ màu sắc, tặng chúng tôi dịp Hiến chương nhà giáo năm nay ở điểm trường này…”.

Tin cùng chuyên mục