Mặt trận vào cuộc khi có tố cáo nhạy cảm đối với cán bộ, đảng viên thuộc diện Bộ Chính trị quản lý

Trong trường hợp thông tin phản ánh, tố cáo nhạy cảm, vụ việc phức tạp, có tính chất nghiêm trọng mà cán bộ, đảng viên vi phạm thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý cần có sự phối hợp giải quyết của nhiều bộ ban ngành chức năng thì Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam có thể có văn bản báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư để cho ý kiến chỉ đạo.

Chiều 3-4, tại Hà Nội, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức hội nghị góp ý về quy trình tiếp nhận và xử lý thông tin phản ánh, tố cáo về tham nhũng, lãng phí, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của cán bộ, đảng viên.

Theo đó, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam sẽ thực hiện tiếp nhận, xử lý thông tin phản ánh, tố cáo về tham nhũng, lãng phí, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của cán bộ, đảng viên thông qua các hình thức: tập hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri, nhân dân; tổng hợp từ giám sát của MTTQ; qua hội nghị tiếp xúc, đối thoại với người đứng dầu cấp ủy, chính quyền với mặt trận, nhân dân; thông qua đơn thư phản ánh, khiếu nại tố cáo của người dân gửi đến mặt trận; qua phản ánh của báo chí dư luận; thông tin công khai của các đơn vị, tổ chức...

Biệt phủ của gia đình nguyên Giám đốc Sở TN-MT Yên Bái Phạm Sỹ Quý từng gây xôn xao dư luận
Dự thảo quy trình nêu rõ, trong trường hợp cần thiết, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cử cán bộ trực tiếp xử lý hoặc lập tổ công tác xử lý thông tin  phản ánh, tố cáo. Trên cơ sở xác minh đầy đủ thông tin, nếu nhận thấy vụ việc có đủ căn cứ rõ ràng để xác định hành vi tham nhũng, lãng phí, suy thoái... thì Ban Thường trực Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam có thể ban hành kiến nghị gửi đến cơ quan có trách nhiệm và theo dõi việc giải quyết, trả lời theo quy định của pháp luật. Trong trường hợp nhận thấy các cơ quan có trách nhiệm không giải quyết, giải quyết chậm hoặc giải quyết không đúng quy định đối với các kiến nghị của mặt trận thì Ban thường trực Ủy ban Trung ương  MTTQ có thể xây dựng kế hoạch để giám sát vụ việc.

Đặc biệt, trong trường hợp thông tin phản ánh, tố cáo nhạy cảm, vụ việc phức tạp, có tính chất nghiêm trọng mà cán bộ, đảng viên vi phạm thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý cần có sự phối hợp giải quyết của nhiều bộ ban ngành chức năng thì Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam có thể có văn bản báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư để cho ý kiến chỉ đạo, hoặc đề nghị Thủ tướng chỉ đạo giải quyết và Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát.

Sau khi có kết quả xử lý thông tin tố cáo, tùy tính chất nội dụng vụ việc, Ban Thường trực Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam sẽ công khai kết quả xử lý trên báo chí theo quy định của pháp luật, hoặc gửi băn bản thông báo cho các cơ quan, đơn vị, cá nhân có liên quan, đồng thời thông báo đến cấp ủy, chính quyền địa phương nơi xảy ra vụ việc.

Tin cùng chuyên mục