Mặt trận Tổ quốc phải nhận diện rõ tình hình xã hội hiện nay

Chiều 15-5, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam  tổ chức hội nghị góp ý dự thảo văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ lần thứ IX, nhiệm kỳ 2019 - 2024.
Hội nghị ngày 15-5
Hội nghị ngày 15-5

Phát biểu tại đây, GS-TS Trần Ngọc Đường, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn dân chủ - pháp luật, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho rằng, văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ lần thứ IX cần nhấn mạnh đến tình hình trong nước, đánh giá được tác động của cuộc cách mạng 4.0 đối với tình hình trong nước; tâm tư, tình cảm của các tầng lớp nhân dân... Cùng với đó, vai trò giám sát, phản biện xã hội của mặt trận ngày càng phải  được đề cao. Muốn thế phải đề cao vai trò của các hội đồng tư vấn, sự tham gia của các nhân sĩ, trí thức đối với công tác giám sát, phản biện xã hội của mặt trận.

PGS-TS Ngô Hữu Thảo, Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về tôn giáo, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cũng nêu ý kiến, giám sát, phản biện xã hội không nên chạy theo số lượng, mà cần đi vào chiều sâu, xem kết quả giám sát, phản biện xã hội đó có tác dụng gì với việc tham mưu chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; có tác động gì trong việc thay đổi cục diện. Ông cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, rất cần xây dựng Luật giám sát, phản biện xã hội. Cùng với đó, xác định rõ vai trò của người “thủ lĩnh” trong hoạt động của mặt trận.

GS-TS Nguyễn Đăng Dung (giảng viên khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội), Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn dân chủ - pháp luật, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho rằng, trong tình hình hiện nay, vai trò, vị trí của mặt trận phải khác đi. Cần xác định nhiệm vụ giám sát, phản biện xã hội của mặt trận là trọng tâm trong giai đoạn hiện nay. Những vấn đề lớn của đất nước, mặt trận phải có ý kiến, thậm chí có những ý kiến mạnh mẽ. Nhiều chủ trương, chính sách hiện nay không có sự phản biện rõ ràng, dẫn tới có những lệch lạc, làm chậm sự phát triển của lịch sử. Hay nhiệm vụ hiệp thương bầu cử đại biểu HĐND, đại biểu Quốc hội phải được mặt trận coi trọng, chú ý hơn. Những đại biểu được hiệp thương bầu nhưng sau này bị mất tư cách đại biểu, đó phải là trách nhiệm lớn của mặt trận. “Nhiệm kỳ này, hoạt động mặt trận phải khác đi về chất”, GS-TS Nguyễn Đăng Dung nêu kỳ vọng.

Mặt trận Tổ quốc phải nhận diện rõ tình hình xã hội hiện nay ảnh 1 Các đại biểu trao đổi bên lề hội nghị

Theo PGS-TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về kinh tế, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, nhiều ý kiến đều đánh giá, mấy năm gần đây kinh tế tốt lên, nhưng lòng tin xã hội có vấn đề, đây là điều phải được đánh giá kỹ, vì lẽ ra, khi kinh tế tốt thì lòng tin xã hội cũng phải tăng lên. Hiện nay đang tiềm ẩn những vấn đề của lòng tin xã hội, của mâu thuẫn xã hội, do đó mặt trận phải đánh giá được điều này. Nhiều vấn đề nóng của xã hội như đất đai, tham nhũng, thất thoát tài sản công… "Nhiều vụ việc gây bức xúc trong xã hội, giáo dục, y tế… cũng cần được đánh giá. 20 năm cải cách giáo dục, nhưng chất lượng nguồn nhân lực đang rất hạn chế.. Báo cáo của mặt trận cần thẳng thắn, nhận diện được các vấn đề xã hội, nói được tiếng nói của nhân dân, những vấn đề đang nổi lên trong xã hội hiện nay.. Từ đó, xác định được các chương trình hành động của mặt trận như thế nào để góp phần giải quyết các vấn đề đó", ông Trần Đình Thiên nêu.

Tin cùng chuyên mục