Mặt trận phải thể hiện dũng khí của mình trong việc phản biện các vấn đề xã hội

Ngày 15-3, tại Hà Nội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam đã tổ chức hội nghị góp ý dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội Đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ IX, nhiệm kỳ 2019-2024.
Hội nghị góp ý dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội Đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam
Hội nghị góp ý dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội Đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam

Tại hội nghị, đại biểu tham dự đã tập trung góp ý vào tình hình khối đại đoàn kết toàn dân tộc và kết quả thực hiện chương trình hành động Đại hội VIII; mục tiêu và chương trình hành động Đại hội MTTQ Việt Nam lần thứ IX, nhiệm kỳ 2019-2024.

Góp ý vào dự thảo báo cáo, theo ông Trần Đình Phùng, nguyên Ủy viên Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, báo cáo cần đánh giá sâu hơn về tình hình các tầng lớp nhân dân và tình hình khối đại đoàn kết toàn dân tộc, nhất là sự biến động của các giai cấp, các tầng lớp nhân dân, công nhân, người lao động, những biến đổi của tình hình nông dân, nông thôn trong bối cảnh cuộc công nghiệp 4.0 hiện nay. “Nhất là phải đánh giá được biến động trong cơ cấu các tầng lớp nhân dân, ví dụ cơ cấu nông dân, công nhân, hiện nay đã có rất nhiều đổi khác so với trước. Ở nông thôn thì bộ mặt đã thay đổi, nông dân cũng có nhiều thay đổi. Hay tầng lớp doanh nhân hiện nay rất khác, nhiều vấn đề trong giới chủ như trả lương chưa hợp lý, đối xử với người lao động chưa bình đẳng, chăm sóc nhà ở cho người lao động chưa thỏa đáng… Rồi đội ngũ cán bộ công chức hiện nay cũng có nhiều thay đổi do công việc đã ứng dụng công nghệ thông tin mạnh mẽ, văn bản giấy tờ truyền thống đã nhường chỗ cho văn bản điện tử, vậy tới đây công việc của cán bộ công chức sẽ ra sao, phải đánh giá. Tương tự, đội ngũ trí thức cũng cần được đánh giá lại trong thời đại công nghiệp 4.0”, ông Trần Đình Phùng nêu.

Cùng với đó, cần đánh giá lại công tác tôn giáo, dân tộc. Theo ông Trần Đình Phùng, chưa bao giờ vấn đề tự do tôn giáo được Đảng, Nhà nước quan tâm phát triển như hiện nay, nhưng đồng thời lại nảy sinh những bất cập mà vừa qua xã hội phản ánh như nạn buôn thần bán thánh, dâng sao giải hạn. Trong công tác dân tộc, đồng bào cũng có nhiều tâm tư, đòi hỏi phải được quan tâm, bình đẳng hơn. “Tất cả những vấn đề đó đều phải được đánh giá một cách sâu sắc, từ đó làm rõ vai trò của MTTQ trong đoàn kết toàn dân tộc, đoàn kết tôn giáo, trong đó  liên minh công-nông-trí thức là nòng cốt”, ông Phùng nói. Đồng thời, phải làm rõ vai trò của mặt trận trong cuộc đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống.

Ông Đỗ Duy Thường, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cũng góp ý, phải đánh giá rõ vai trò của mặt trận trong tham gia góp phần xây dựng Đảng, chính quyền vững mạnh, phòng chống tham nhũng. “Chống tham nhũng đã được làm tốt nhưng tham nhũng vặt nhân dân còn rất bức xúc. Kinh tế tăng trưởng nhưng đạo đức xã hội xuống cấp, đó là điều mà nhân dân đang rất bất an”, ông Đỗ Duy Thường nêu ý kiến.

Ông cũng cho rằng, báo cáo của mặt trận phải nêu rõ vai trò giám sát, phản biện của mặt trận. Mặt trận phải thể hiện dũng khí của mình trong việc phản biện các vấn đề xã hội, để làm sao khi đến đâu cũng được nhân dân “chào ông phản biện”. Muốn thế phải có mô hình phản biện hiệu quả. Giám sát cũng cần được đề cao và cần chọn những vấn đề giám sát trọng tâm, được nhân dân quan tâm, giám sát đến nơi đến chốn. “Tóm lại, yêu cầu lớn nhất là Mặt trận phải đổi mới phương thức hoạt động làm sao để ngày càng gần dân hơn, hiệu quả hơn”, ông Đỗ Duy Thường chốt lại.

Mặt trận phải thể hiện dũng khí của mình trong việc phản biện các vấn đề xã hội ảnh 1 Ông Đỗ Duy Thường phát biểu

Ông Nguyễn Tiến Võ, nguyên Ủy viên Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam thì cho rằng, thực tế hiện nay lòng tin của dân phần nào bị giảm sút bởi những sai phạm của một bộ phận cán bộ, do đó báo cáo Mặt trận cũng cần đánh giá điều này.

Các ý kiến cũng cho rằng, báo cáo của đại hộicần chỉ rõ hoạt động Mặt trận phải khắc phục được bệnh hành chính, hình thức. Cán bộ mặt trận ngoài có năng lực phải có bản lĩnh, bởi có bản lĩnh thì mới bảo vệ được quyền lợi của dân, phát huy được quyền làm chủ của dân.

Góp ý vào chương trình hành động nhiệm kỳ 2019-2024, bà Bùi Thị Thanh, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho rằng, cần phải làm rõ cơ chế tiếp nhận thông tin, tạo niềm tin cho nhân dân khi phản ánh đến Mặt trận các cấp. Đây chính là cơ sở giúp Mặt trận ứng phó với những tình huống phát sinh ở địa phương.

Theo kế hoạch, Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ IX, nhiệm kỳ 2019-2024 diễn ra vào tháng 9-2019.

Tin cùng chuyên mục