Mất lòng tin vào sản phẩm nội

10 năm sau scandal bê bối sữa bột công thức chứa độc tố melamine khiến 6 trẻ sơ sinh thiệt mạng và 300.000 em bị sỏi thận, người tiêu dùng Trung Quốc vẫn mất lòng tin vào sản phẩm sữa nội.

Họ chấp nhận bỏ số tiền cao để mua một sản phẩm sữa ngoại thay vì chọn loại sữa nội. Ở thời điểm đó, vụ bê bối còn ảnh hưởng đến nhiều nước nhập sản phẩm sữa nhiễm bẩn từ Trung Quốc. Vụ việc dấy lên làn sóng lo ngại về an toàn thực phẩm và tham nhũng ở Trung Quốc, gây thiệt hại hàng loạt nhãn hiệu thực phẩm do Trung Quốc sản xuất và xuất khẩu.

Nhà chức trách Trung Quốc hiện chỉ cấp phép cho 940 sản phẩm sữa cho trẻ sơ sinh từ 129 nhà máy, giảm từ 2.300 loại sữa công thức trên thị trường trước ngày 1-1-2018. Biện pháp mạnh tay  của Chính phủ Trung Quốc phù hợp với lời kêu gọi nâng cao mức sống người dân mà Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đưa ra năm ngoái. Tuy nhiên, nhiều bậc phụ huynh ở nước này vẫn e dè. Chính tâm lý lo ngại này đã đưa quốc gia tỷ dân trở thành mảnh đất màu mỡ cho các sản phẩm sữa ngoại trong cuộc chiến giành thị phần ở thị trường sữa trị giá 27 tỷ USD này. Kể từ khi vụ scandal nổ ra, nhiều tập đoàn sản xuất sữa đa quốc gia, vốn sở hữu công nghệ hiện đại và các quy chuẩn nghiêm ngặt, đã giành lợi thế trong cuộc cạnh tranh ở Trung Quốc. 

 Hiện Nestle, Danone và Reckitt Benckiser lọt vào nhóm đầu các nhà cung cấp trong thị trường sữa của Trung Quốc. Trước đây, khi dòng sữa ngoại chưa chiếm lĩnh thị trường nội địa, rất nhiều bậc phụ huynh đã chọn cách mua sữa khi đến Đan Mạch, New Zealand. Họ sẵn sàng chuyển sang mua sữa trực tiếp từ những người thân quen ở nước ngoài, hoặc thông qua các kênh giao dịch trực tuyến trên Internet. 


Để gia tăng thị phần, các thương hiệu nước ngoài buộc phải tấn công và chiếm lĩnh thị trường ở những đô thị nhỏ và các vùng nông thôn Trung Quốc, vốn đang bị các thương hiệu sữa địa phương thống trị. Do đó, chiến lược phát triển tiếp theo của cả Tập đoàn Danone và Nestle đều tập trung vào các bậc cha mẹ sinh sống tại những thành phố có thu nhập thấp. Danone đang cải thiện mảng thương mại điện tử nên có khá ít cửa hàng bán lẻ tại các khu vực hẻo lánh của Trung Quốc, trong khi Nestle đang nghiên cứu xem sản phẩm nào có thể nắm bắt tốt nhất nhu cầu tại những khu vực này. 

Buộc phải xoay xở trong cuộc chiến giành thị phần tiêu thụ sữa ngay trong nước, một số hãng sữa Trung Quốc đã thực hiện một loạt bước cải cách, trong đó có việc hợp tác với hãng sữa nước ngoài hay nhập nguyên liệu từ ngoại quốc. Điển hình như hãng sữa Inner Mongolia Yili từng dính bê bối sữa nhiễm melaine. Mengniu đã cho ra mắt sản phẩm sản xuất tại New Zealand với tên gọi mới Milk Deluxe. Hay như Feihe, hãng sữa hiếm hoi chiếm 8,6% thị trường nội địa, chấp nhận chuyển sang tên mới là American Dairy khi thâm nhập thị trường chứng khoán New York. Sau khi chuyển thành công ty tư nhân, Feihe chuyên sản xuất nhãn hàng sữa có nguyên liệu từ Wincosin (Mỹ) và Hokkaido (Nhật Bản).

Với các nhà sản xuất sữa bột nội địa, họ kỳ vọng doanh thu sẽ tăng trong tương lai, nhờ vào các bậc cha mẹ trẻ và có thu nhập thấp, ít bị tác động bởi vụ bê bối melamine. Tuy nhiên, với nhiều người tiêu dùng, hy vọng đó sẽ khó trở thành hiện thực.

Tin cùng chuyên mục