Mất cá rô

- Nhiều doanh nghiệp xứ mình làm ăn theo kiểu không giống ai. Nhưng cái đó không phải là độc đáo, mà là độc hại. Tỷ dụ như chuyện đang mùa cao điểm đông khách nghìn nghịt, mà hãng hàng không lại thản nhiên tăng giá vé. Họ biện bạch rằng do chi phí tăng, nước lên thuyền phải lên.

- Tương tự vậy, là các điểm du lịch mùa lễ tết, mùa hè cũng nhất loạt tăng giá. Họ giải thích cho chuyện bất thường này một cách tỉnh bơ: “Một năm chỉ được mấy ngày cao điểm”. Du khách biết là bị “chặt”, nhưng đã bỏ công đi tới đó, chả lẽ lại lập tức quay về. Thói quen tăng giá cứ thế mà lậm qua nhiều năm, giới chức địa phương cũng thua.

- Tựu trung là do tầm nhìn ngắn tủn, ăn xổi ở thì thôi. Người bán hàng hóa dịch vụ muốn thu lời thật nhiều, bất chấp hậu quả. Cái này giông giống như chuyện hái trái mà chặt cả cành, bắt cá mà dùng “xiệc” điện. Ăn mà diệt láng thì nguồn lợi ngày càng teo tóp, rồi đến lúc khó ngặt lại treo niêu.

- Ở các xứ khác, mùa cao điểm du lịch luôn gắn với nhiều chương trình khuyến mãi, giảm giá. Họ thu được lợi nhuận ít hơn trên từng du khách, nhưng kích thích được tăng trưởng. Cái lợi sâu bền hơn là làm tăng giá trị của điểm đến bằng thiện cảm. Mà đã sâu bền thì không tính được bằng tiền.

- Làm ăn chụp giựt có khác gì ráng chụp con săn sắt mà mất con cá rô!

Tin cùng chuyên mục