Mạnh mẽ hơn trong giải quyết bạo lực học đường

Liên tiếp trong thời gian qua đã xảy ra những vụ mang tính chất bạo lực học đường như: thầy giáo có hành vi không đúng mực với học sinh nữ ở Bắc Giang; thầy giáo tán tỉnh nữ sinh ở Thái Bình; nhóm nam sinh hiếp nữ sinh ở Quảng Trị; 5 nữ sinh lột đồ, đánh đập một bạn cùng lớp ở Hưng Yên; vụ việc cô giáo ở Bình Thuận... 
Bà Ngô Thị Minh
Bà Ngô Thị Minh

Những sự việc này khiến nhiều người lo ngại về môi trường giáo dục, đòi  hỏi phải đẩy mạnh các giải  pháp để xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng chống bạo lực học đường. Phóng viên Báo SGGP có cuộc trao đổi với bà Ngô Thị Minh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội về vấn đề này.

°Phóng viên: Thưa bà, trước những vụ việc xảy ra ở môi trường giáo dục, nhất là bạo lực học đường trò đánh trò với tính chất nguy hiểm như vừa qua ở Hưng Yên, bà có ý kiến gì?

°Bà NGÔ THỊ MINH: Dù đứng ở góc độ nào tôi cũng thấy lo lắng và mong muốn các cơ quan chức năng phải vào cuộc nhanh chóng, có thái độ, có quan điểm và phương pháp ngăn chặn kịp thời, tạo môi trường giáo dục thực sự lành mạnh, lấy lại lòng tin của nhân dân. Phải tìm ra nguyên nhân mấu chốt để có được giải pháp phù hợp nhằm đem lại những kết quả tốt nhất.

Tôi rất chia sẻ những lo lắng hiện nay về vấn đề bạo lực học đường. Muốn có môi trường giáo dục tốt thì không thể không quan tâm đến việc xây dựng hình ảnh người thầy, cả trên bục giảng lẫn ngoài xã hội. Khi người thầy ngoài xã hội có những hành vi khác với hình ảnh đẹp ở trường lớp cũng khiến các em bị sụp đổ. Do đó cơ quan quản lý phải có quy định những tiêu chuẩn về nghề nghiệp, bộ quy tắc ứng xử về đạo đức... để xây dựng người thầy chuẩn về nghề nghiệp, ứng xử đạo đức cả trong và ngoài trường học. Không thể để thầy cô giáo có những hành vi ứng xử thiếu chuẩn mực với học sinh. Những việc làm này không chỉ khiến các em học sinh mà cả xã hội đều rất mất lòng tin.

Tôi cũng hiểu, cơ quan quản lý giáo dục các cấp, các địa phương, nhà trường không ai mong muốn điều này, vì thế cần cần nhìn nhận rõ thực trạng để có giải pháp đúng. Môi trường giáo dục đã và đang xảy ra nhiều sự việc đau lòng như vậy là do các hợp phần trong môi trường ấy đều có vấn đề, Trước hết là trường học chưa đạt chuẩn theo quy định hiện hành. Ví dụ chúng ta quy định về trường đạt chuẩn quốc gia, quy định về sĩ số học sinh, quỹ đất, ngân sách cho giáo dục… nhưng thực tế đều chưa được bảo đảm, thực hiện đồng bộ. Hay chúng ta cứ nói giáo dục phổ thông chưa coi trọng việc giáo dục đạo đức mà nặng về truyền thụ kiến thức, nhưng phụ cấp ưu đãi nghề cho giáo viên chủ nhiệm vẫn chỉ ở mức 4 tiết một tuần là rất hạn chế dù luật đã quy định. Hiện nay phụ cấp ưu đãi nghề vẫn nghiêng về giáo viên đứng lớp, chưa thỏa đáng với giáo viên chủ nhiệm, vì họ rất vất vả. Nếu làm giáo viên chủ nhiệm theo đúng nghĩa thì họ phải biết được diễn biến tâm tư, tình cảm của các em học sinh và các em đang cần gì ở người thầy, đặc biệt là khi các em có những vướng mắc cần được tháo gỡ... tức là sẽ hạn chế được các vụ việc như vừa qua. Rồi gia đình, nếu quan tâm, giáo dục con cái kỹ lưỡng, ông bà, bố mẹ đều làm gương cho con cái thì chắc chắn học sinh sẽ không có những hành động vi phạm đạo đức học sinh.

Xảy ra những chuyện đáng tiếc đó vừa có trách nhiệm của Nhà nước, vừa có trách nhiệm của cơ quan quản lý giáo dục, của nhà trường, của thầy cô và của gia đình học sinh. Các nhân tố này phải được đầu tư, vực lên một cách đồng bộ thì môi trường giáo dục mới cải thiện như chúng ta mong muốn.

°Theo bà, trách nhiệm của cơ quan quản lý giáo dục các cấp, của nhà trường, của thầy cô trong việc hạn chế bạo lực học đường cần được tăng cường ra sao?

°Cần thấy rõ rằng, nếu có sự lệch chuẩn của giáo viên, của cán bộ quản lý giáo dục, thậm chí của cả người có cương vị cao hơn thì sẽ ảnh hưởng lớn đến thế hệ trẻ, trong đó có học sinh. Cụ thể như thầy cô lệch chuẩn có những ứng xử không phù hợp sẽ khiến học sinh sụp đổ, vì thường thì các em coi người thầy như hình mẫu. Thời gian qua, có những thầy cô có những hành vi lệch chuẩn, điều đó gây tác động nguy hiểm đến học sinh, do đó bộ quy tắc ứng xử của thầy cô phải được Bộ GD-ĐT nhanh chóng ban hành.

Tiếp đến, phải đề cao trách nhiệm của các nhà quản lý giáo dục. Đề cao tính nêu gương của cán bộ. Ở mỗi cơ quan, thủ trưởng, người phụ trách phải làm gương, còn ở lớp thì thầy cô giáo phải làm gương. Vụ gian lận trong thi cử vừa qua chính là biểu hiện của lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm chi phối. Cái mất mát rất lớn là mất lòng tin của xã hội, của học sinh.

°Vậy đâu là những việc phải làm ngay để hạn chế tình trạng bạo lực học đường trong thời gian tới?

°Có rất nhiều việc phải làm. Đầu tiên là sửa đổi hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và việc thực thi những vấn đề mà chúng ta vừa trao đổi. Phải xử lý nghiêm những vi phạm. Để xảy ra những vụ bạo hành vừa qua, những giáo viên có trách nhiệm liên đới phải chịu các hình thức xử lý phù hợp và cần được công khai. Nhưng bên cạnh đó, chính sách nhà giáo cũng cần được hoàn thiện hơn. Lương các nhà giáo phải được xếp cao hơn trong bảng lương công nhân viên chức Nhà nước. Đây là vấn đề lớn, chúng ta phải giải quyết được vấn đề này mới có thể đặt ra các vấn đề khác. Những nhà giáo không đáp ứng được sự thay đổi, phải nhường chỗ cho những giáo viên trẻ có năng lực hơn. Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần nâng cao kiến thức cho phụ huynh, để họ thấu hiểu học sinh và cả giáo viên.

Tôi cho rằng các bộ, ngành, địa phương cần phải đẩy mạnh phối hợp với nhau để giải quyết vấn đề. Bộ LĐTB-XH và Bộ GD-ĐT cần tích cực hơn nữa trong việc triển khai công tác tham vấn, tư vấn tâm lý cho học sinh để nắm bắt tâm lý học sinh, tâm lý giáo viên và những vấn đề xảy ra trong trường học nhằm kịp thời xử lý, giải quyết. Các bộ, ngành cần tiếp tục rà soát, xây dựng, sửa đổi, bổ sung các chính sách bảo đảm quyền trẻ em phù hợp với quy định của Luật Trẻ em; tăng cường thực hiện các chính sách đã ban hành; phối hợp hiệu quả trong xử lý các vụ việc vi phạm quyền trẻ em, bảo đảm kịp thời, nghiêm minh, hỗ trợ tốt nhất cho trẻ em. Bên cạnh đó, cần phân công cơ quan, đơn vị đầu mối chịu trách nhiệm tiếp nhận, giải quyết, thông tin khi xảy ra vụ việc vi phạm quyền trẻ em.

Vừa qua, Chính phủ đã giao Bộ LĐTB-XH chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Công an, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Trung ương Đoàn thanh niên, Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam hướng dẫn việc thành lập và hoạt động nhóm chuyên trách bảo vệ trẻ em cấp xã do Chủ tịch UBND cấp xã đứng đầu; hình thành mạng lưới những người tham gia công tác bảo vệ trẻ em. Chính phủ cũng đã yêu cầu kiểm tra liên ngành ở một số bộ, ngành, địa phương về việc triển khai thực hiện quyền trẻ em, nhất là phòng, chống bạo lực; xâm hại tình dục trẻ em; phòng, chống đuối nước và an toàn thực phẩm cho trẻ em. Bộ Công an, Viện kiểm sát Nhân dân tối cao, Tòa án Nhân dân tối cao cần khẩn trương đẩy mạnh việc tập huấn phương pháp nghiệp vụ điều tra, truy tố, xét xử thân thiện với trẻ em và người chưa thành niên... Tôi rằng những chỉ đạo này của Chính phủ cần được làm sớm trong thời gian tới. 

Tin cùng chuyên mục