Mang con triện gửi tiết kiệm

Chuyện thực mà kể cho bạn bè ở Việt Nam nghe, mọi người cứ tưởng tôi đùa. Ở Đài Loan, nhà tôi có bốn người đồng nghĩa sở hữu 7 đến 8 con triện (con dấu): một con triện sở hữu nhà, vợ và chồng tài khoản riêng mở tại hai ngân hàng tổng cộng bốn triện, hai đứa con cũng hai triện riêng - sổ tiết kiệm riêng...

Con triện sở hữu nhà đất và con triện sở hữu tài khoản ngân hàng phải làm riêng. Ai rủng rỉnh gửi tiền ba ngân hàng sẽ cầm ba triện. Mỗi người một bọc triện. Trẻ con cần triện riêng để còn nhận trợ cấp học hành. Tiền này chuyển thẳng tài khoản ngân hàng riêng của trẻ.

Thời gian đầu, tôi thấy hơi bất tiện với dấu mộc con triện. Cầm nặng tay, nhỡ mất còn nguy hiểm hơn bị móc túi thẻ tín dụng (thẻ còn có mật khẩu). Lại không hề có một tổ chức chính quyền nào đứng ra sản xuất, phát hành con dấu. Người dân tự đi làm con dấu thay cho chữ ký. Lúc mới sang, chồng tôi bảo ra cửa hàng làm luôn con triện cho tiện. Tôi ngớ người. Cứ vào cửa hàng làm triện nào đặt vài cái một lúc cũng được. Loại rẻ khoảng 35.000 đồng, chỉ con triện gỗ và phải chấm mực ngoài. Loại đắt hơn có sẵn bầu và cần mực bên trong vỏ gỗ.

Không rõ người thợ khắc mộc có kỹ năng riêng thế nào, nhưng chỉ cái mộc đăng ký mở tài khoản ở ngân hàng đó mới giao dịch được, vào sổ là khớp như in. Làm con dấu khác, cũng khắc tên mình, ra ngân hàng vẫn không rút được tiền. Một trăm con dấu bề ngoài như nhau, in ra không con nào giống nhau. Mỗi người một tên, trong mỗi tên lại có dấu khóa riêng. Triện không cho vào ví được. Mỗi lần ra ngân hàng phải bọc một túi vải như bọc vàng. Có lúc, cầm ba cái triện nên tôi nhầm, dùng triện làm cho một tài khoản khác “cộp” nhầm. Ngân hàng nhận ra ngay. Mất con triện dĩ nhiên phải báo ngân hàng, làm lại con dấu khác mới tiếp tục giao dịch được.

Chuyện con triện và tài khoản ngân hàng, giấy tờ sở hữu nhà đất của người Đài xem ra có vẻ rườm rà, nhưng lễ tết cỗ bàn lại khá hiện đại, gọn nhẹ. Đám cưới không mời nhiều, chỉ chú trọng gia đình, 10 - 15 mâm đã coi là đông khách. Nhà nào chủ doanh nghiệp lớn mới thấy cưới con tổ chức đến 60 - 70 mâm. Đương nhiên, cỗ bàn ngày tết cổ truyền cũng vậy. Trước đêm Giao thừa, nhà cửa phải sạch sẽ, lớp kính trên cửa sổ cần lau cho bóng loáng để treo lên các chữ Phúc - Lộc - Thọ hoặc Thượng lộ bình an. Mùng 1 về chúc tết cha mẹ chồng, Mùng 2 thăm cha mẹ đẻ còn Mùng 3 chúc tết thầy cô và lễ chùa. Chỉ có bữa ăn đoàn tụ đêm Giao thừa vừa rồi tôi mới phải chuẩn bị kỹ: bắt buộc có nồi lẩu (lửa tượng trưng cho sức khỏe dồi dào), mấy món cá - tôm - thịt và bánh củ cải trắng nấu bột gạo. Tôi không phải quá căng thẳng chuyện chuẩn bị cỗ tết, không tốn chi phí lễ lạt bừa bộn. Đi chúc tết mang theo một giỏ trái cây hoặc hộp bánh là đủ. Muốn ở lại nhà nào ăn cơm phải báo trước. Cơm đãi khách ngày tết thường gọi nhà hàng mang đồ đến hoặc mời nhau ra quán dùng chung một bữa bình dân. Ăn gọi là cho no bụng chứ không cầu kỳ cỗ bàn. Quan trọng là một ngày nghỉ, ngồi chơi thư giãn trò chuyện cùng nhau.

Tiền mừng tuổi tôi cũng không chuẩn bị nhiều, lì xì con cháu trong nhà là chính. Lãnh tiền thưởng cuối năm về, sau ba ngày tết vợ chồng tôi thường để dư được một khoản. Đầu năm nay lại mang con triện đến ngân hàng gửi thêm vào sổ tiết kiệm cho con. 

Tin cùng chuyên mục