Mai này ai hát sử thi? - Gian nan truyền nghề

Sử thi Tây Nguyên được truyền tụng, lưu giữ đến ngày nay là nhờ những nghệ nhân hát sử thi của các đồng bào dân tộc Tây Nguyên. Hầu hết những nghệ nhân này đã già, trong khi nhiều thanh niên đồng bào các dân tộc Tây Nguyên không còn mặn mà với kho báu này nên sử thi Tây Nguyên đang có nguy cơ thất truyền. 
 Nghệ nhân Y Wang vừa chơi nhạc cụ truyền thống, vừa hát sử thi Đam San. Ảnh: CÔNG HOAN
Nghệ nhân Y Wang vừa chơi nhạc cụ truyền thống, vừa hát sử thi Đam San. Ảnh: CÔNG HOAN
Người nghe rơi rụng dần
Bỏ dở công việc cuốc cỏ cà phê, ông Y Wang Hwing (68 tuổi, buôn Triă, xã Ea Tul, huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk) vào nhà lấy vài nhạc cụ diễn tấu sử thi Êđê và hào hứng hát bằng tiếng Êđê một trong những đoạn hào hùng nhất trong khan Đam San, một sử thi nổi tiếng của Tây Nguyên một cách thuần thục.
Ngoài kể khan, ông Y Wang Hwing cũng diễn tấu thành thạo nhiều nhạc cụ truyền thống. Ông Y Wang Hwing hiện là một trong số ít nghệ nhân kể khan hay nhất ở Đắk Lắk. Ông thuộc gần 10 khan Êđê nhưng hát kể nhuần nhuyễn 4 bài khan là Đam Bhu - Đam Bha, Đam San, Đun Bru và Y Bong Hiu Knuh. Phần lớn các khan được ông tiếp thu từ ông ngoại mình là Y Im, một nghệ nhân kể khan lừng danh ở huyện Cư M’gar trước đây. Ngay từ nhỏ, Y Wang đã theo chân ông ngoại đến các lễ hội, lễ cúng trong buôn làng, hoặc vào dịp “ăn năm uống tháng” đón mừng vụ mùa bội thu… Ở đó, sau lễ cúng là cuộc vui của cộng đồng với những ché rượu cần nghiêng ngả, âm thanh giục giã của tiếng trống, tiếng tù và, cồng chiêng, những điệu hát kưưt, hát ayray thôi thúc…
Thường vào những dịp như thế không thể thiếu kể khan. Khi đêm dần về khuya, lời kể khan của những nghệ nhân mới cất lên, giọng kể rì rầm cuốn hút người nghe thâu đêm suốt sáng. Cứ thế, những trường ca bất tận của núi rừng đêm đêm rót vào tai khiến Y Wang thuộc lòng khi nào không hay. Ông Y Wang nói, ngày trước không ai dạy kể khan cả, người nào thích thì theo chân các nghệ nhân hát kể năm này qua năm khác, rồi hát theo, nhớ theo, thừa hưởng tác phẩm của người đi trước truyền lại. Chính vì đam mê mà lúc trẻ mỗi ngày chàng trai Y Wang đã bỏ ra nhiều giờ để học kể khan, lẩm bẩm lời khan cả khi đi làm rẫy, lên rừng, vào trong giấc ngủ… Trong những lần Y Wang kể khan ở nhà dài của buôn, người nghe ban đầu rất đông nhưng “rơi rụng” dần, chỉ còn những người thực sự yêu thích, muốn ông truyền thụ. 
“Mình mở lớp kể khan đầu tiên tại buôn Triă này hơn 10 năm trước. Ban đầu cùng già làng Ae Bưih dạy vài người trong buôn, mấy năm sau thêm nhiều người ở buôn khác cũng đến học nhưng số người hát kể thành thạo cũng chưa thật  nhiều”, ông Y Wang nói. Có 3 lớp học sử thi với tổng cộng 12 học viên, chủ yếu là thanh niên trong vùng, được ông truyền dạy. Đây cũng được xem là những lớp học hát kể sử thi bài bản và thành công nhất ở các buôn làng Đắk Lắk. Thành tích này đã được Viện Nghiên cứu văn hóa dân gian ghi nhận và tặng giấy khen. Hiện ông Y Wang cũng đang được Sở VH-TT-DL Đắk Lắk mời dạy thí điểm cho 8 thanh niên, cán bộ xã Ea Tul. Lớp học này được tổ chức tại nhà cộng đồng xã Ea Tul cách đây hơn một tháng, mỗi tối lên lớp ông Y Wang được hỗ trợ 100.000 đồng và các học viên được hỗ trợ 50.000 đồng.
Dạy miễn phí để giữ hồn sử thi
Khi chúng tôi tìm đến thôn Jút 1, xã Ia Dêr (huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai) để tìm nghe các nghệ nhân hát sử thi, ông Puih Bing (Trưởng thôn Jút 1) lắc đầu: “Anh đến đây 10 năm trước thì còn nghe được, chứ bây giờ còn ai biết hát sử thi nữa đâu”. Theo ông Bing, thôn ông xa xưa người biết hát sử thi đếm mãi không hết. “Mình nhớ hồi còn nghệ nhân, cứ mùa lễ hội, họ kể cho dân buôn bản nghe, ai cũng say mê, thích thú. Bây giờ người dân không nghe được sử thi, thấy thiếu thiếu cái gì. Tôi cũng muốn có người đến làng dạy cho lớp trẻ kể khan để nét văn hóa này có người tiếp nối”, ông Bing tâm sự.
Theo giới thiệu của ông Bing, chúng tôi tìm đến thôn Brel (xã Ia Dêr) vì ở đó may mắn có người kể khan nổi tiếng còn sống là nghệ nhân Ksor Sép. Có mặt tại nhà ông Ksor Sép (60 tuổi), ông hỏi: “Muốn học à?”.  Khi biết khách đến không phải để học, ông Ksor Sép thở dài: “Thế mà cứ tưởng đến học chứ…”.  Ông Sép trăn trở việc ông đã có tuổi, sợ khi mất thì hát kể sử thi sẽ mất theo. Lo sợ thất truyền nên ông muốn được truyền dạy cho lớp trẻ nhưng chưa thấy ai đến học.“Bây giờ ai có nhu cầu học cứ đến nhà mình. Mình sẽ dạy miễn phí. Mình muốn truyền lại cho lớp trẻ để họ thay mình giữ hồn sử thi”, già Sép nói.
Già A Lưu (74 tuổi, làng Kon Klor 2, xã Đắk Rơ Wa, TP Kon Tum) cũng đầy nỗi niềm như già Sép. Già nói, bao năm qua, có rất nhiều cháu bé trong làng, nhất là học sinh cấp 1, cấp 2 đã đến nhà học hát kể sử thi. “Thấy các cháu đến học, mình cũng mừng. Có bữa bỏ công việc để mà dạy. Ấy thế mà…”. Già đang nói đến việc… phải có kẹo các cháu mới chịu học và học cũng không đam mê, thích thú. “Mình đang tập trung dạy sử thi cho 2 đứa cháu ngoại. Hiện chúng học chưa được nhiều. Chỉ mong chúng thành thạo để sau này thay mình tiếp tục giữ gìn sử thi của tiên tổ”, ông nói.  
Sử thi mất dần đất sống
Nghệ nhân Y Wang nói, nhờ khổ luyện mà những học trò sử thi ở buôn làng của ông đã “thành danh” với nhiều giải cao tại các liên hoan cồng chiêng, dân ca, diễn xướng sử thi của huyện và tỉnh tổ chức. Học hát kể khan còn tùy cách truyền cảm hứng của người dạy và tiếp nhận của người học, cũng như phải được tiếp sức từ không gian diễn xướng truyền thống. Chẳng hạn, trong những buổi lễ bỏ mả, lễ cúng cơm mới, cúng bến nước, khi tụ tập đông đủ dân làng, hát kể khan có thể kéo dài mấy ngày đêm liền, qua đó người học cũng tham gia hứng thú và nhanh chóng thành công.
Nghệ nhân ở buôn Triă này cảm nhận “đất sống” cho sử thi Tây Nguyên không còn nhiều do cung cách làm ăn mới với cây cà phê, cao su đã làm thay đổi nếp sinh hoạt truyền thống của buôn làng, vốn gắn với tập quán canh tác lúa rẫy. Cùng với đó là sự mất dần của nhiều bến nước, nhà dài, khu rừng thiêng, nơi xưa kia thường diễn ra lễ hội, lễ cúng của các buôn làng và là không gian diễn xướng sử thi đầy sức cuốn hút… 
Trong dân ca của người Êđê có câu: “Thiếu tiếng khan, tiếng khưt, tiếng chiêng/ Như cuộc sống thiếu cơm, thiếu muối”. Nhưng theo thời gian, không gian diễn xướng của loại hình này đã thay đổi, nghệ nhân kể khan còn lại cũng ngày một ít ỏi, trong khi đó khó tìm kiếm được lớp người kế tục. Ông Y Kô Niê, Phó Trưởng phòng nghiệp vụ văn hóa - Sở VH-TT-DL Đắk Lắk, cho biết: Hiện toàn tỉnh chỉ còn 8 nghệ nhân ở các huyện Cư M’gar, Krông Búk và Krông Pắk vẫn còn hát được sử thi Êđê. “Nguyên nhân khiến sử thi đang bị mai một và có nguy cơ biến mất khỏi đời sống văn hóa của đồng bào Êđê là do sự thay đổi mạnh mẽ trong đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội làm mất đi không gian diễn xướng truyền thống của sử thi. Nhiều lễ hội dần mất đi, buôn làng đã có nhiều thay đổi, nhà dài bằng gỗ nay đã thay bằng những căn nhà xây, những cánh rừng đã rời xa, những loài cây, loài thú được nhắc đến trong sử thi nay cũng không còn khiến người nghe cũng không hiểu…”, ông Y Kô ngậm ngùi chia sẻ.

Tin cùng chuyên mục