Mai một nghệ thuật truyền thống: Đau đầu chuyện “ở - ăn”

Ở đô thị hiện đại như TPHCM nhưng việc tìm được một nhà hát đủ chuẩn như mò kim đáy biển. Không phải TPHCM không có dự án xây dựng các nhà hát hiện đại, chỉ có điều, cứ nghe nói mãi hàng chục năm trời mà vẫn chưa thấy khởi động. Chuyện “ở” chưa giải quyết rốt ráo, thì nói gì đến chuyện “ăn”, nhất là với nghệ sĩ các loại hình nghệ thuật truyền thống, vốn chẳng thể sống với đồng lương và cát xê bọt bèo.
Các nghệ sĩ hát bội nhiệt huyết với từng vai diễn trên sân khấu lưu động. Ảnh: THÚY BÌNH
Các nghệ sĩ hát bội nhiệt huyết với từng vai diễn trên sân khấu lưu động. Ảnh: THÚY BÌNH
Những nhà hát… không nhà
Sau nhiều năm lây lất chờ xây dựng, cơ ngơi rạp Hưng Đạo với kinh phí hơn 132 tỷ đồng đã hoàn thành, thế nhưng cơ ngơi này lại không hề hoàn thiện và không đáp ứng tốt cho nhu cầu chuyên môn của một sàn diễn sân khấu nghệ thuật. Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang đã nhận cơ ngơi với tâm trạng đầy lo lắng, bất an và cả bất bình. Rạp Hưng Đạo mới, có cách thiết kế xây dựng không đúng tiêu chuẩn của một nhà hát, không thể giúp người làm nghề hoạt động, phát huy tốt về chuyên môn, sáng tạo. Với một công trình lỡ dở như thế, khi buộc phải nhận, tập thể nhà hát đành cố gắng làm việc trong phạm vi có thể, nỗ lực tổ chức chương trình biểu diễn sân khấu mang tính nhỏ, gọn, trong phạm vi hạn hẹp theo cơ sở vật chất có sẵn.
Năm 2017, sau khi “chuyển nhà” về rạp Thủ Đô - một trong những rạp hát lâu đời tại TPHCM, cơ sở vật chất đã xuống cấp trầm trọng từ nhiều năm qua, không thể đáp ứng nhu cầu tổ chức biểu diễn phục vụ - Nhà hát Nghệ thuật Hát bội TPHCM đương nhiên phải tiếp tục sự nghiệp… lưu diễn, nay đây mai đó.
Tại nhiều điểm diễn hát bội, người ta thấy sân khấu lưu động đơn giản đến sơ sài, tạm bợ: đèn thiếu sáng, cảnh trí đơn giản đến tối thiểu; âm thanh nhiều lúc cứ trục trặc, rọt rẹt làm ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng buổi diễn và tâm trạng anh em nghệ sĩ; phía trước sân khấu chỉ có vài hàng ghế nhựa dành cho khán giả, khi không đủ ghế ngồi, khán giả phải đứng hoặc ngồi bệt xuống đất để xem chương trình. Thật không hình ảnh nào có thể tả xiết nỗi lòng của nghệ sĩ hát bội TPHCM - sau 43 năm đất nước được thống nhất, vẫn phải tạm bợ để làm nghề.  
Còn những loại hình nghệ thuật truyền thống khác thì ra sao? Qua rất nhiều cuộc họp, dự án Rạp xiếc và Trung tâm biểu diễn đa năng Phú Thọ với tổng mức đầu tư 1.491 tỷ đồng tại quận 11 đến nay vẫn đang nghiên cứu tính khả thi, trình phê duyệt. Các nghệ sĩ Đoàn Xiếc TPHCM long đong, trôi dạt khắp nơi, từ Thảo Cầm Viên, về Đầm Sen, Thanh Đa, Công viên 23-9, sau một thời gian lại dạt về tận Công viên Gia Định. Mà đâu chỉ có nghệ sĩ xiếc, thành phố có 8 đơn vị biểu diễn nghệ thuật, nhưng hầu như chưa đơn vị nào có cơ sở xứng tầm nhà hát, hoặc đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp của nhà nước. Duy nhất đến nay, chỉ có một công trình được xây dựng mới là Nhà hát nghệ thuật Cải lương Trần Hữu Trang, mà như đã nói ở trên, có cũng như không!
Đúng như đạo diễn Triệu Trung Kiên của Nhà hát Cải lương Việt Nam tâm sự: “Không có rạp cũng giống như con người không thể an cư, thì cầu mong gì lạc nghiệp. Có rạp để hát, chúng tôi sẽ làm được nhiều điều”.
Tất bật làm thêm để đủ sống
“Lương thấp, cát xê bèo nhèo, giờ sống còn khó, nói chi đến tích lũy về già”, là câu trả lời của rất nhiều nghệ sĩ khi hỏi về thu nhập. Ông Phạm Ngọc Tuấn, Giám đốc Nhà hát Tuồng Việt Nam nói thẳng, các nghệ sĩ của nhà hát tuổi trung bình đều đã cao và nếu không làm thêm nghề tay trái, chả biết làm gì để sống, để sáng sáng tới nhà hát kéo đàn, luyện thanh! Giới làm nghề thường nói vui với nhau rằng, có lẽ cũng nhờ có vậy mà Nhà hát Cải lương Việt Nam là nơi có nhiều nghệ sĩ phải đi làm thêm kiếm sống nhất. Nghệ sĩ Quang Khải, Nhà hát Cải lương Việt Nam, từng chia sẻ, mỗi người mỗi việc, người lập nhóm hát đi diễn sự kiện, người bán hàng qua mạng, rồi có thời điểm các nghệ sĩ ai cũng bảnh bao quần là áo lượt để chạy show với nghề làm MC đám cưới… 
Tại TPHCM, ở sân khấu cải lương, các nghệ sĩ phải chạy thêm show lớn, nhỏ để có thêm thu nhập, tham gia các gameshow truyền hình, hát ở các sân khấu, ở đình chùa miếu, trong các chương trình lưu diễn từ TPHCM, các tỉnh, đến chạy show ở nước ngoài; họ còn tham gia đóng phim điện ảnh, phim truyền hình, hát đám cưới, đám thôi nôi, sinh nhật. Người nào có chút điều kiện thì mở hàng quán kinh doanh thêm để có nguồn thu nhập ổn định, vừa lo cho gia đình vừa nuôi dưỡng niềm đam mê nghề. Khi lớn tuổi, nhiều nghệ sĩ thế hệ lão thành không có điều kiện kinh tế phải vào nhà dưỡng lão nghệ sĩ để được cưu mang, có nơi che nắng mưa, có người chăm sóc, có những nghệ sĩ đồng trang lứa (cũng đơn thân, cô độc lúc về già), cùng chia sẻ, quan tâm, lo lắng cho nhau. Nhiều mảnh đời nghệ sĩ phía sau ánh hào quang sân khấu rất đau thương, không có gia đình, con cái chăm sóc, không có nguồn thu nhập để nuôi sống bản thân.
NSND Lê Tiến Thọ, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, cũng cho rằng, hiện các đơn vị nghệ thuật tuồng phải chạy show biểu diễn trong các lễ hội, nghi thức hành lễ với dàn trống, dâng hương, chứ ít có cơ hội biểu diễn một vở trọn vẹn.
“Nghệ sĩ nặng gánh lo cơm áo, gạo tiền, buộc phải làm nhiều nghề để kiếm thêm thu nhập nên không còn mặn mà đến nghiệp diễn nữa. Nghệ thuật tuồng ngày càng phải đối mặt gần hơn với nguy cơ bị thất truyền”, ông Lê Tiến Thọ trăn trở.
Với các nghệ sĩ hát bội, NSƯT Ngọc Nga cho biết: “Hát bội là nghề khó học, khó làm, thu nhập ít. Phần lớn anh em nghệ sĩ nhiều thế hệ đã và đang bám trụ với nghề, đều làm thêm nghề tay trái để có nguồn thu nhập kinh tế ổn định. Anh em nghệ sĩ tất tả kiếm thêm từ uốn tóc, may gia công, chạy xe ôm, phụ hồ… Không làm thêm thì làm sao đủ sống với mức thu nhập còn quá khiêm tốn. Khi không ổn định được cuộc sống, khó lòng giữ chân, giữ lửa nghề”.
Thường thì trong một năm, từ tháng 3 đến tháng 9, là giai đoạn làm ăn được của thuyền rồng gắn với hoạt động biểu diễn ca Huế trên sông Hương, nhờ vào sự “ăn nên làm ra” của du lịch. Ba tháng cuối năm, thời tiết Huế mưa dầm dề cộng với cái lạnh cắt da thịt, số người có nhu cầu thưởng thức ca Huế ít dần, khiến các nghệ sĩ ca Huế lâm vào tình trạng thừa.
Một nghệ nhân giãi bày: “Nói ra thì đau lòng lắm, bạn bè đến Huế hỏi cái gì rẻ nhất, tôi trả lời: ca Huế”.
Người nghệ sĩ này đã mở đầu câu chuyện như vậy khi chúng tôi hỏi về chất lượng nghệ thuật và tiền công cho nghệ sĩ ca Huế trên sông Hương. Giá mỗi show diễn ca Huế trên thuyền rồng kéo dài 1 giờ là 150.000 đồng/nghệ sĩ, mức cát xê bèo bọt nhưng thậm chí những người đã có vài chục năm đi hát vẫn đành chấp nhận. Mặc dù không thích thú với việc hát những bản tân nhạc, nhưng vì khách yêu cầu, họ vẫn hát. Nhiều người dù chỉ biết vài câu ca Huế, chưa thuộc đủ lề lối và cách lấy hơi cũng xuống thuyền để hát, dẫn đến tình trạng bát nháo. Các nhà nghiên cứu văn hóa cho rằng, đây là nguyên nhân khiến ca Huế ngày càng tầm thường.
Trong khi đó, ông Cao Chí Hải, Phó Giám đốc Sở VH-TT tỉnh Thừa Thiên - Huế thông tin, việc hỗ trợ các nghệ nhân ca Huế nói riêng và các nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú trên địa bàn thực hiện theo Nghị định 109/2015/NĐ-CP chứ không có chế độ ưu đãi thêm của địa phương, vì gặp khó về ngân sách.
Trong vòng xoáy hội nhập, các loại hình nghệ thuật truyền thống chịu chung cảnh phải cạnh tranh với nhiều loại hình giải trí khác, nên thật sự khó khăn để tồn tại. Cộng với việc vẫn chưa có được những đầu tư về lâu dài cho con người và cơ sở vật chất, việc các loại hình nghệ thuật truyền thống đứng trước nguy cơ mai một là có thật.

Tin cùng chuyên mục