Ma trận kiểm tra chất lượng hàng hóa

Theo đánh giá mới nhất của Ngân hàng Thế giới, chỉ số giao dịch thương mại qua biên giới của Việt Nam chưa được cải thiện nhiều, dù trước đó, năm 2014, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Nghị định 19 về việc cải cách quy định quản lý chuyên ngành. 
Ma trận kiểm tra chất lượng hàng hóa
Tỷ lệ và số lượng lô hàng thuộc diện kiểm tra chuyên ngành vẫn rất lớn và thời gian kiểm tra kéo dài, gây tốn kém hàng triệu USD, thậm chí làm mất cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp.

Quy định chồng chéo

Thống kê từ Tổng cục Đo lường chất lượng cho thấy, về ban hành văn bản quy phạm pháp luật, hướng dẫn thực hiện luật về chất lượng hàng hóa, luật về tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật và các văn bản hướng dẫn, bộ quản lý khoa học ban hành 50 văn bản, các bộ quản lý chất lượng khác ban hành đến 220 văn bản. Về hệ thống tiêu chuẩn, có đến 9.500 bộ tiêu chuẩn Việt Nam, trong đó có 47% tiêu chuẩn Việt Nam đạt mức độ hài hòa tiêu chuẩn quốc tế. Còn với hệ thống quy chuẩn kỹ thuật, có 650 quy chuẩn Việt Nam và 6 quy chuẩn địa phương.

 Phân tích thực trạng thực hiện luật chất lượng sản phẩm hàng hóa, luật tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và các văn bản hướng dẫn của các bộ ngành, địa phương, bà Nguyễn Thị Mai Hương, Phó vụ trưởng Vụ Tiêu chuẩn chất lượng (Tổng cục Đo lường chất lượng), cho biết cơ bản giữa các bộ ngành đã có sự quan tâm và thắt chặt trong công tác quản lý chất lượng sản phẩm. Những quy chuẩn, tiêu chuẩn đặt ra đã có sự tính toán tương thích, hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế. Trong đó, tạo điều kiện cho doanh nghiệp chủ động chịu trách nhiệm chất lượng sản phẩm của mình đối với xã hội, thông qua hệ thống quản lý tiên tiến ISO; cải tiến chất lượng sản phẩm, đa dạng hóa mặt hàng; tạo lòng tin, uy tín thương hiệu, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Còn với người tiêu dùng, được lựa chọn và sử dụng hàng hóa chất lượng, an toàn. 

Tuy nhiên, cùng với những lợi ích mang lại, việc quá nhiều văn bản quy phạm pháp luật do các bộ ngành ban hành; nhiều hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn chất lượng của trung ương và địa phương đưa ra đang khiến doanh nghiệp như lạc vào “ma trận” về chất lượng hàng hóa. Theo các chuyên gia, hiện đang có sự chồng chéo trong quy định quản lý giữa các bộ ngành với nhau và giữa bộ ngành với các đơn vị được chỉ định đánh giá sự phù hợp. Điều này dẫn đến tình trạng doanh nghiệp phải thực hiện đánh giá 2 lần, gây lãng phí xã hội rất lớn. 

Nhiều doanh nghiệp phản ánh, thời gian kiểm định là nổi ám ảnh lớn nhất đối với họ, do thủ tục kiểm tra phải qua quá nhiều bước. Đồng thời, thông thường thời gian kiểm tra theo quy định chỉ trong vòng 7 - 15 ngày nhưng thời gian áp dụng thực tế không phải như vậy. Ông Đinh Công Khương, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Dịch vụ Thép Khương Mai, cho biết: “Tính trung bình chi phí kiểm định 20.000 đồng/tấn thép, nên với tổng lượng hàng hóa nhập khẩu khoảng 3 - 4 triệu tấn/năm thì tổng chi phí kiểm tra, kiểm định chất lượng rất lớn. Trong khi doanh nghiệp nhập hàng về bị giữ ở kho, qua thời gian dài, giá cả thị trường biến động và thay đổi sẽ làm giảm khả năng cạnh tranh và bị lỗ”.

Nợ doanh nghiệp

Theo Nghị định 19 của Chính phủ yêu cầu cải cách các quy định về quản lý chuyên ngành, các cơ quan chức năng liên quan phải giảm tỷ lệ lô hàng nhập khẩu bị kiểm tra chuyên ngành tại giai đoạn thông quan từ 30% - 35% xuống còn 15%. Thế nhưng, sau gần 2 năm triển khai, thống kê của hải quan cho thấy, tỷ lệ lô hàng nhập khẩu bị kiểm tra chuyên ngành tại giai đoạn thông quan vẫn tồn tại 30%. Đây là “món nợ” cần phải trả sớm cho doanh nghiệp để đẩy nhanh tăng trưởng kinh tế hiện nay. 

TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương, khẳng định chỉ cần cắt giảm 1 ngày thông quan, Chính phủ đã có thể tiết kiệm 800 triệu USD/năm cho các doanh nghiệp. Giảm 1% chi phí logistic, giúp doanh nghiệp tiết kiệm 4 tỷ USD/năm. Nếu so với hiệu quả kinh tế từ việc khai thác tài nguyên thiên nhiên thì hiệu quả kinh tế đạt được từ việc cải cách thủ tục hành chính trên sẽ cao hơn rất nhiều. Quan trọng hơn, tạo cơ hội cho doanh nghiệp phát triển nhanh, bền vững. 

Để tháo gỡ rào cản cản trở sự phát triển của doanh nghiệp, về quy định quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa, nhất thiết phải đơn giản hóa thủ tục tiếp nhận, công bố hợp quy đối với hàng hóa xuất khẩu. Trong đó, các cơ quan chức năng không thực hiện yêu cầu tiếp nhận công bố hợp quy đối với hàng hóa chưa có quy chuẩn quốc gia. Các tổ chức đánh giá sự phù hợp trong nước cần được hướng dẫn, chủ động thừa nhận kết quả đánh giá sự phù hợp của tổ chức nước ngoài đối với sản phẩm; hàng hóa có tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật cao hơn Việt Nam… 

Đặc biệt, với danh mục sản phẩm, hàng hóa nhóm 2 - hàng hóa hạn chế nhập khẩu, còn thiếu cụ thể và quá rộng, đã tạo điều kiện tồn tại tình trạng xin - cho giữa doanh nghiệp với các cơ quan chức năng. Một số lĩnh vực hàng hóa chưa có quy định xử lý, hoạt động chỉ định tổ chức đánh giá sự phù hợp của các bộ ngành còn bất nhất. Điều này khiến những tổ chức đánh giá chất lượng sản phẩm không thể đáp ứng năng lực, trang thiết bị theo yêu cầu của từng bộ, gây lãng phí rất lớn cho hoạt động đầu tư. 

Cùng với những cải cách trên, các cơ quan chức năng liên quan cần thay đổi căn bản phương thức quản lý, kiểm tra chuyên ngành. Ông Phạm Thanh Bình, chuyên gia dự án USAID GIG, cho rằng nhất thiết phải áp dụng phương pháp quản lý rủi ro. Doanh nghiệp sẽ bị đánh giá mức độ tuân thủ pháp luật để được áp dụng mức độ quản lý phù hợp; chuyển sang tăng cường hậu kiểm hơn tiền kiểm. Quy trình quản lý, kiểm tra chuyên ngành, danh mục hàng hóa phải kiểm tra và chi phí kiểm tra cần được minh bạch hóa. Đặc biệt, phải tính đến yếu tố chủ động công nhận chất lượng của những nhãn hiệu, nhà sản xuất nổi tiếng, hàng hóa được sản xuất tại các nước, khu vực có tiêu chuẩn chất lượng cao, tiên tiến… 

Tin cùng chuyên mục