Lý áo dài và thông điệp về trẻ tự kỷ

Một phim ngắn về đề tài trẻ tự kỷ có tên Lý áo dài vừa được công chiếu rộng rãi trên mạng xã hội. Không chỉ là phim truyền thông về chứng tự kỷ mà còn là một trong chuỗi hoạt động của dự án “Cùng con đi khắp thế gian”, một dự án giáo dục - du lịch dành cho các gia đình có trẻ tự kỷ. 
Đừng bao giờ từ bỏ
Tại buổi ra mắt báo chí và cộng đồng các gia đình có con tự kỷ ở TPHCM vào tháng 5 vừa qua, hơn 30 phút phim tựa như bàn tay mềm xoa dịu những tâm hồn ít nhất từng một lần muốn gục ngã.
Lý áo dài là câu chuyện của một chàng trai mắc chứng tự kỷ. Tuổi thơ cậu là những giọt nước mắt cơ cực của mẹ, là sự vất vả mưu sinh của cha, nhưng tuyệt nhiên không hề vắng tình cảm ấm áp từ gia đình. Người cha mất đã để lại cú sốc quá lớn khiến người mẹ suy sụp và mất trí.
Mạch phim là chuỗi hình ảnh đan cài của tuổi thơ Lý được mẹ vỗ về, nâng niu từng chút một; có những điều rất đơn giản mà mẹ Lý phải dạy đi dạy lại rất nhiều lần; xen lẫn những hồi ức theo dòng nhật ký Lý tìm được của cha và hình ảnh người mẹ lúc nhớ, lúc quên của hiện tại.
Lý áo dài và thông điệp về trẻ tự kỷ ảnh 1 Cảnh trong phim Lý áo dài
Chiếc áo dài kỷ vật đã giúp mẹ Lý xoa dịu được vết thương tinh thần. Khi xưa mẹ chăm Lý - một cậu bé tự kỷ - đầy những gian truân nhưng mẹ chưa một lần bỏ cuộc, nay khi mẹ bệnh, Lý cũng có những lúc lúng túng tuyệt vọng. Nhân vật Trúc - cô bạn thân cùng lớp với Lý là người chủ động tìm hiểu câu chuyện gia đình Lý, động viên giúp đỡ Lý vượt qua khó khăn. 
Người đẹp cộng đồng - Hoa khôi Báo Phụ nữ Việt Nam 2017 Nguyễn Thanh Trúc đảm nhận vai Trúc trong bộ phim, chia sẻ: “Nhân vật Trúc đại diện cho xã hội. Người tự kỷ cần có sự quan tâm, chia sẻ và giúp đỡ từ xã hội để có thể hòa nhập với cộng đồng”. Phim được thực hiện bởi ê kíp December Dream và được chiếu rộng rãi trên kênh YouTube của dự án “Cùng con đi khắp thế gian” từ ngày 1-6. 
Chị Trương Ngọc Minh Đăng, Chủ nhiệm dự án “Cùng con đi khắp thế gian”, cho biết: “Trong 30 phút ngắn ngủi là rất nhiều hình ảnh và thông điệp mà ê kíp muốn nhắn gửi. Những cảnh như người mẹ phải dạy Lý phân biệt hình tròn và hình tam giác, xuất hiện rất nhiều lần; hay cảnh Lý lúc nhỏ bị bạn bè trêu chọc; đoạn người mẹ nghẹn ngào giải thích với hàng xóm rằng: “Con tôi không điên”, đều là những chi tiết có thật, chúng tôi hy vọng phim không chỉ góp một tiếng nói giúp cộng đồng hiểu hơn về trẻ tự kỷ mà còn như một lời động viên đến những phụ huynh đang có con gặp bất kỳ khiếm khuyết nào, rằng con bạn là những thiên thần, cho dù có mất thời gian và tâm sức hơn những đứa trẻ khác gấp 10, 100 lần thì xin các anh chị đừng bỏ cuộc. Rồi các anh chị sẽ được đền đáp xứng đáng thôi, hãy tin vào con”.
Hãy cùng con đi khắp thế gian
Hành trình của những trẻ tự kỷ để được đến trường, được đối xử bình đẳng và được nhận thức đúng đắn đã từng ghi nhận những nỗ lực lẻ loi của những bậc phụ huynh không một ngày ngơi nghỉ.
Đã có rất nhiều trường học chuyên biệt, những hội nhóm, câu lạc bộ, hội thảo chuyên đề hay những cuốn sách được viết nên từ chính những cha mẹ có con tự kỷ, và “Cùng con đi khắp thế gian” cũng không ngoại lệ.
Dự án được ra đời từ chính những trải nghiệm thật của Minh Đăng khi chị cùng con vượt qua thời kỳ khó khăn nhất. Cậu bé Trần Đông Phong nay đã vào lớp 2, cùng với những cậu bé khác ở một trường tiểu học bình thường. Khi nhận được chẩn đoán từ bác sĩ, chị Minh Đăng đã tìm tòi đủ mọi tài liệu, thử nhiều phương thức nhưng chung quy lại vẫn là sự nhẫn nại - một điều mà chị cho rằng những người mẹ có những đứa trẻ đặc biệt này đều phải tự rèn luyện.
Khi nhận được lời khuyên từ chuyên gia, chị đã đưa con đi du lịch khắp Việt Nam và 8 quốc gia khác trong vòng 2 năm. Trong khắp hành trình ấy, chị đã nhận thấy những tác động tích cực từ những trải nghiệm, tiếp xúc đa văn hóa đến sự phát triển của con.
Không phải ai cũng có đủ điều kiện để thực hiện hành trình đó như Minh Đăng. Đó là lý do dự án được ra đời nhằm mang đến các sứ mệnh: phát triển kỹ năng, trau dồi kiến thức và trải nghiệm thực tế cho trẻ; tạo cơ hội để phụ huynh, mà ở đây cụ thể là người mẹ, tiếp cận những phương pháp giáo dục đặc biệt; mang đến cơ hội phát triển bản thân, tự chủ tài chính cho người phụ nữ thông qua dự án song hành “Phụ nữ khởi nghiệp” của các nhà tài trợ; quảng bá du lịch Việt Nam, đặc biệt là chiếc áo dài và hình ảnh người phụ nữ kiên cường, nghị lực. Đó là lý do Lý áo dài dành nhiều khung hình cho chiếc áo dài truyền thống Việt Nam.
“Cùng con đi khắp thế gian” sẽ có hai phiên bản ở Việt Nam và thế giới. Các cặp mẹ con sẽ cùng đi qua những địa điểm du lịch của Việt Nam, sau đó là ra thế giới, khám phá và giao lưu văn hóa ở các vùng đất mới. Với sự hỗ trợ của chương trình, người chơi sẽ đóng vai trò là người giới thiệu chuyến hành trình của mình đến với khán giả trên kênh truyền thông mạng xã hội dưới dạng phim ngắn. Ở phiên bản thế giới, người mẹ sẽ được khoác lên mình chiếc áo dài truyền thống do chương trình tài trợ, sải bước trên những hành trình trải nghiệm cùng con. Chương trình hiện đang ở những bước tuyển chọn người chơi, tập huấn chuỗi kỹ năng cần thiết và thiết kế chuyến đi. Chị Minh Đăng chia sẻ: “Tôi muốn tiếp thêm điều kiện để các bà mẹ đủ sức mạnh đồng hành cùng con chiến đấu khỏi mặc cảm tự ti và khơi dậy những ước mơ con trẻ”.

Tin cùng chuyên mục