Lúng túng trong thiết kế và quy hoạch kiến trúc đô thị

Các đồ án thiết kế đô thị và quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc đô thị là những công cụ cần thiết để tạo nên bộ mặt đô thị.
Khu dân cư xây dựng có quy hoạch tại quận 2, TPHCM
Khu dân cư xây dựng có quy hoạch tại quận 2, TPHCM
Tuy nhiên, tại TPHCM sau một thời gian thực hiện, hai công tác này vẫn còn nhiều bất cập, gây khó khăn không chỉ cho người dân mà cả chính quyền sở tại và cơ quan quản lý cũng lúng túng. Vì thế, ngày 5-7, Sở Quy hoạch và Kiến trúc (QH-KT) TPHCM đã tổ chức hội nghị sơ kết công tác thiết kế đô thị và quy chế quản lý kiến trúc đô thị, với mục đích lắng nghe ý kiến từ các chuyên gia để cải thiện tính khả thi của các đồ án thiết kế cũng như quy chế quản lý kiến trúc khi đưa vào đời sống.

Đóng quá nhiều “vai”

Mổ xẻ một số bất cập trong quá trình thực hiện thiết kế đô thị, kiến trúc sư (KTS) Đoàn Ngọc Hiệp, Khoa Quy hoạch, Trường Đại học Kiến trúc TPHCM, nhận thấy quy chế quản lý xây dựng được lập để làm công cụ cấp phép xây dựng. Tuy nhiên, Thông tư 19 của Bộ Xây dựng về Quy chế quản lý quy hoạch và thiết kế đô thị có nội dung gần như tương tự với nội dung thiết kế đô thị, thế là gần như các quy chế quản lý này hiện nay lại do chính cơ quan chức năng Nhà nước lập và phê duyệt luôn - để cho nhanh và chính xác pháp lý hơn so với các kiến trúc sư thực hiện. Cuối cùng, chất lượng vẫn quanh quẩn với các khoảng không gian lùi, tầng cao... đủ phục vụ cho công tác cấp phép xây dựng, chứ chưa chú trọng đến các yêu cầu về mặt cảnh quan kiến trúc, cảnh quan đẹp cho đô thị. Bên cạnh đó, khá nhiều cán bộ quản lý quy hoạch xây dựng nghĩ rằng thiết kế đô thị là ở quy hoạch chi tiết hoặc quy hoạch cũng chỉ mang tính định hướng, còn cụ thể để các dự án tự lo, nên họ chỉ chú trọng đến tính pháp lý “đủ” cho xây dựng như giao thông, tầng cao, mật độ xây dựng công trình… Vì thế, cần nâng cao năng lực cán bộ quản lý xây dựng; đặc biệt là cán bộ cho công tác thẩm định đồ án quy hoạch xây dựng, thông qua việc tham gia các lớp tập huấn bồi dưỡng chuyên môn về thiết kế và quản lý đô thị, xem đây là chứng chỉ bắt buộc đối với cán bộ thẩm định và quản lý quy hoạch xây dựng.

Ở góc độ là người trực tiếp thực hiện, ông Vũ Chí Kiên, Phó trưởng phòng Quản lý đô thị quận Thủ Đức, nhận xét đang có sự chồng lấn, chưa rõ ràng giữa đồ án thiết kế đô thị với các đồ án quy hoạch, “Thiết kế đô thị gánh quá nhiều trách nhiệm, bao gồm hình hài của quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 và tính pháp lý của quy hoạch chi tiết 1/500. Rồi mỗi cơ quan quản lý lại có kỳ vọng riêng về thiết kế đô thị để cấp phép xây dựng, để xây dựng đô thị đẹp hơn... và thiết kế đô thị hiện nay chưa thực hiện đúng chức năng của nó. Vì thế, đầu tiên cần phải nhận định lại cho đúng thiết kế đô thị là cái gì?”, ông Kiên nói. Theo ông Lý Thế Dân, Phó trưởng phòng Quản lý quy hoạch khu vực 1 (Sở QH-KT), quy hoạch phân khu chưa thể quy định cụ thể các yếu tố tổ chức không gian như khoảng lùi xây dựng công trình, tổ chức giao thông tiếp cận, lối lên xuống ga metro, mảng xanh vỉa hè… và thiết kế đô thị sẽ cụ thể hóa các yếu tố này.
Chính quyền cần quyết tâm

KTS Võ Kim Cương nhấn mạnh về sự quyết tâm quản lý của chính quyền. Theo KTS Võ Kim Cương, việc phát triển đô thị theo chương trình và dự án lớn cùng với quy hoạch là phân vùng và lập các chương trình phát triển, trong đó có kế hoạch huy động đầu tư. Trình tự này tuy công phu nhưng thể hiện quyết tâm của chính quyền. Đối với các dự án cục bộ cần xây dựng chuẩn mực quản lý chung, sau đó quyết định các phương án kiến trúc cụ thể - đây là cách xây dựng quy chế linh hoạt, phù hợp với kinh tế thị trường. Bên cạnh đó, KTS Võ Kim Cương cho rằng, quyết tâm của chính quyền còn thể hiện ở ý chí giữ gìn trật tự xây dựng, bảo đảm việc xây dựng phù hợp với quy hoạch và quy chế quản lý. 
Lấy con người đô thị làm trung tâm Các chuyên gia cho hay, nhiều nước trên thế giới đều đề cao các yếu tố xã hội và hoạt động của con người trong thiết kế đô thị; trong khi đó tại TPHCM, thiết kế đô thị được quan niệm là một công cụ để thiết kế, tổ chức các vật thể đô thị, chứ chưa có sự quan tâm đúng mức đến yếu tố xã hội và hoạt động của con người. Vả lại, khâu lấy ý kiến của cộng đồng dân cư trong quá trình lập thiết kế đô thị cũng còn nhiều hạn chế, gần như chỉ mang tính chất thông báo nên chưa nhận được nhiều ý kiến phản hồi từ cộng đồng dân cư. Vì thế, việc tăng cường khả năng tham gia và tiếp cận đồ án thiết kế đô thị giữa các bên liên quan cần được chú trọng hơn.  Theo đề xuất của ông Lý Thế Dân, thiết kế đô thị nên lấy con người đô thị làm trung tâm. Đối với đồ án thiết kế không gian xung quanh nhà ga của các tuyến metro, muốn xác định yếu tố về chức năng công trình, không gian, hình khối công trình kiến trúc, khoảng lùi xây dựng, màu sắc, bố trí biển quảng cáo… cần hiểu rõ nhu cầu hoạt động của người dân trong khu vực; chẳng hạn như các hoạt động đi lại khi có nhà ga và chưa có nhà ga; hình thức, loại hình kinh doanh; sinh hoạt lúc có nhà ga và chưa có nhà ga; nhu cầu để xe, bãi xe; loại hình phương tiện giao thông, số lượng; giới tính, tuổi tác người dân tại chỗ và người dân đến khu vực này… đối với từng địa điểm và trong từng thời điểm. Một khi lấy con người đô thị và cộng đồng là đối tượng nghiên cứu, tính khả thi của thiết kế đô thị sẽ được tăng lên rất nhiều. Còn TS Nguyễn Ngọc Hiếu, Trường Đại học Việt - Đức, cho rằng các đồ án và quy định đô thị cần ban hành trên cơ sở nghiên cứu đầy đủ về tác động kinh tế - xã hội để tăng tính khả thi. Bởi lẽ, các ràng buộc về chiều đứng can thiệp nhiều đến sự tự do lựa chọn của chủ đầu tư về tài sản và lợi ích, nên cần sự phối hợp của các bên tham gia. “Nếu quy định về thiết kế đô thị không phản ánh đặc điểm khả năng chi trả của chủ sở hữu, không có công cụ và cơ chế tạo sự đồng thuận trong quản lý và năng lực quản lý phát triển đồng bộ thì công cụ này cũng khó có thể thực thi”, TS Nguyễn Ngọc Hiếu nhận xét.
Hỏi đáp quy hoạch 

- Ông Huỳnh Văn Tỏ, xã Tân Nhựt, huyện Bình Chánh, TPHCM: Nhà tôi và hàng trăm hộ dân ở 2 xã Lê Minh Xuân và Tân Nhựt nằm trong khu quy hoạch khu cây xanh cách ly Khu công nghiệp Lê Minh Xuân từ năm 1997 đến nay. Do vướng quy hoạch nên người dân ở đây không được cấp “sổ đỏ”, cũng không được xây dựng mới hay tách thửa cho con cháu ra riêng. Tôi muốn hỏi quy hoạch “treo” này có được xóa bỏ hay không? Nếu không, bao giờ mới thực hiện quy hoạch?

>> Sở QH-KT TPHCM: Khu công nghiệp Lê Minh Xuân có diện tích 100ha, do Công ty Đầu tư xây dựng Bình Chánh làm chủ đầu tư (nay là Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Bình Chánh - BCCI), được Bộ Xây dựng phê duyệt tại Quyết định số 591/1997/QĐ-BXD ngày 15-12-1997 và dự án đã được triển khai đầu tư xây dựng và đi vào hoạt động.

Đối với phần diện tích công viên cây xanh cách ly nằm trong dự án, BCCI có trách nhiệm liên hệ với UBND huyện Bình Chánh, Sở Tài nguyên và Môi trường và Ban quản lý các khu chế xuất và khu công nghiệp TP thực hiện phù hợp theo quy hoạch đã duyệt.

- Ông Nguyễn Trung Nghĩa, phường 8, quận 11, TPHCM: Từ năm 1987, hẻm 1244 đường 3 Tháng 2, phường 8, quận 11, TPHCM được UBND quận 11 quy hoạch thành đường dự phóng Dương Đình Nghệ, lộ giới 15m (từ đường Xóm Đất đến giao lộ đường 3 Tháng 2 - Hàn Hải Nguyên). Nhưng từ đó đến nay, khi được hỏi, UBND quận 11 đều trả lời không biết thời hạn cụ thể thực hiện hoặc xóa bỏ quy hoạch này. Hiện trạng nhà của chúng tôi đã xuống cấp trầm trọng vì không được xây lại hoặc sửa chữa. Nay tôi xin hỏi, khi nào triển khai thực hiện quy hoạch?

>> Sở QH-KT TPHCM: Theo quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị (quy hoạch phân khu) tỷ lệ 1/2.000, Cụm dân cư liên phường 8, 12, 13 (quận 11) đã được Sở Quy hoạch - Kiến trúc TPHCM phê duyệt tại Quyết định số 1104/QHKT-QH ngày 3-4-2003, vị trí khu đất thuộc quy hoạch dự phóng đường Dương Đình Nghệ (lộ giới 15m). Hiện nay, UBND quận 11 đang nghiên cứu điều chỉnh đồ án QHCT xây dựng đô thị tỷ lệ 1/2.000 nêu trên. Trong quá trình lập, thẩm định và trình phê duyệt, Sở Quy hoạch - Kiến trúc sẽ phối hợp UBND quận 11 và các đơn vị liên quan xem xét cụ thể tính khả thi của quy hoạch này.
SƠN LAM

Tin cùng chuyên mục