Lùm xùm bản quyền vở diễn thực cảnh “khủng”

Những ngày qua, dư luận không khỏi xôn xao bởi những thông tin liên quan tới bản quyền của vở diễn thực cảnh “khủng” có giá cả triệu đô, lần đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam. 
Trong khi Công ty Tuần Châu Hà Nội đã nộp đơn khởi kiện Công ty CP Đầu tư Tổng hợp Truyền thông DS ra Tòa án Nhân dân TP Hà Nội yêu cầu phải giao quyền chủ sở hữu tác giả đối với vở diễn Ngày xưa, thì đạo diễn Việt Tú, người được cho là tác giả của vở này cũng đã có đơn khiếu kiện tác phẩm của anh bị “đạo” ý tưởng.
Lùm xùm bản quyền vở diễn thực cảnh “khủng” ảnh 1 Những lùm xùm về bản quyền quanh vở diễn thực cảnh Thuở ấy xứ Đoài vẫn chưa có hồi kết
 Vở diễn trăm tỷ và 10 đêm diễn...
Vào tháng 6-2017, đạo diễn Việt Tú đã công bố vở diễn thực cảnh đầu tiên tại Việt Nam mang tên Thuở ấy xứ Đoài (hay còn gọi Ngày xưa) tại Sài Sơn - Chùa Thầy. Đây là vở diễn lấy thực cảnh thiên nhiên làm sân khấu biểu diễn, với diễn viên chính là 140 người nông dân Sài Sơn.
Chia sẻ về vở diễn, khi ấy đạo diễn Việt Tú nói: “Ý tưởng đầu tiên đến với tôi chính nhờ vùng đất đặc biệt này, nơi đây được coi là quê tổ của nghề rối nước. Cảm hứng đến với show diễn của tôi cũng bắt nguồn từ chính nghệ thuật truyền thống này. Song phải nhiều ngày sau đó, khi được gặp và trò chuyện với nghệ sĩ Chu Lượng, “chiếc chìa khóa” đưa tới những mắt xích cho câu chuyện mới được tìm thấy. Đó chính là việc mượn hồn rối nước để kể câu chuyện về cuộc sống con người, mượn những người nông dân để kể lại câu chuyện lịch sử về vùng đất tổ của nghề rối nước, thông qua vở diễn thực cảnh lần đầu tiên tại Việt Nam...”.
Cũng theo đạo diễn Việt Tú, từ khi có ý tưởng tới lúc vở diễn thành hình hài, chúng tôi và hơn 140 nghệ sĩ xuất thân từ chính những nông dân bản xứ đã phải lao động không ngừng nghỉ suốt 12 tháng.
Tiếc thay, vở diễn “ngốn” hàng trăm tỷ đồng lại bị đóng sau chưa đầy 10 buổi công diễn. Lý do được đưa ra là vở diễn chưa chạm được vào cảm xúc của khán giả và không chỉ dừng lại đó, cuối năm 2017, một vở có tên gọi Tinh hoa Bắc Bộ cũng được giới thiệu ra mắt tại chính địa điểm này, cũng được giới thiệu là vở diễn thực cảnh đầu tiên, cũng sử dụng người dân địa phương, nhưng đạo diễn lại là một người khác.
Ngay sau đó, cả hai bên đều xuất hiện trên truyền thông và đưa ra những quan điểm để cho rằng chính mình mới là chủ sở hữu đích thực của vở diễn… Sự việc được đẩy lên tới đỉnh điểm khi cả hai phía đều đâm đơn ra tòa để bảo vệ quyền sở hữu tác phẩm thực cảnh tiền tỷ ấy.
Dai dẳng cuộc chiến bản quyền 
Ngày 4-12-2017, Công ty Tuần Châu Hà Nội chính thức khởi kiện Công ty DS do đạo diễn Nguyễn Việt Tú làm giám đốc ra Tòa án Nhân dân TP Hà Nội. Theo đó, phía Công ty Tuần Châu Hà Nội đã yêu cầu Công ty DS chuyển giao quyền chủ sở hữu quyền tác giả đối với “Kịch bản vở diễn thực cảnh Ngày xưa và bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng. Theo Công ty Tuần Châu Hà Nội, ý tưởng “biểu diễn thực cảnh” là của Chủ tịch Tập đoàn Tuần Châu Đào Hồng Tuyển, họ là chủ sở hữu của tác phẩm sân khấu và đây là hoạt động sáng tác tác phẩm sân khấu theo yêu cầu của chủ đầu tư. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, Công ty DS tiến hành công bố sản phẩm mà chưa xin ý kiến của chủ đầu tư, tự ý đăng ký bảo hộ quyền tác giả đối với kịch bản vở diễn Ngày xưa.
Cũng theo nguyên đơn thì công ty DS đã cố ý không hoàn thành hoặc cố ý trì hoãn hoàn thành nghĩa vụ công việc, không nghiệm thu bàn giao sản phẩm theo hợp đồng cho đối tác. Sau đó, Công ty Tuần Châu Hà Nội đã phải ký kết hợp đồng với người khác để xây dựng chương trình biểu diễn khác mang tên Tinh hoa Bắc Bộ để thay thế cho vở diễn Ngày xưa.
Đầu tháng 3, khi thông tin này được tung ra, ngay lập tức Công ty DS của đạo diễn Việt Tú cũng có phản hồi, trong đó nhấn mạnh xuất phát từ một số bất đồng quan điểm giữa hai bên, ngay từ khi hợp đồng liên quan tới vở diễn thực cảnh Ngày xưa còn hiệu lực, Công ty Tuần Châu Hà Nội đã thuê một đơn vị khác dàn dựng một vở diễn phái sinh dưới tên Tinh hoa Bắc Bộ. Vở diễn này lặp lại hoàn toàn ý tưởng và cách thể hiện, đồng thời kế thừa và sử dụng lại toàn bộ hạ tầng kiến trúc và mỹ thuật đã được thiết kế, xây dựng và sử dụng cho vở diễn thực cảnh Ngày xưa.
Chia sẻ với báo chí, đạo diễn Việt Tú cho biết, Cục Bản quyền tác giả cấp giấy chứng nhận tác giả vở diễn Ngày xưa là của anh và chủ sở hữu là Công ty DS.
Theo đạo diễn này thì chương trình Tinh hoa Bắc Bộ đã đạo lại vở diễn Ngày xưa của anh. Cùng đó phía Công ty DS cũng đã nộp đơn kiện Công ty Tuần Châu Hà Nội ra tòa, yêu cầu tòa buộc Công ty Tuần Châu Hà Nội chấm dứt ngay mọi hành vi xâm phạm quyền tác giả đối với kịch bản vở diễn thực cảnh Ngày xưa. Đạo diễn Việt Tú cũng cho rằng, khó có thể kết luận một vở diễn thành hay bại qua 10 buổi diễn.
“Đánh giá một sản phẩm triệu đô cần có cả một công ty làm hồ sơ nghiên cứu thị trường chứ không nói khơi khơi được…”, anh nói.
Trên thực tế, việc không thống nhất giữa quan điểm nghệ thuật của đạo diễn và quan điểm của chủ đầu tư cũng không phải là mới. Tuy nhiên, với vở diễn được đầu tư khoản tiền lớn lên tới cả trăm tỷ đồng ở trong nước thì có lẽ đây là lần đầu tiên. Hiện cả hai đơn kiện đều đang được Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội thụ lý, kết quả chưa phân định, nhưng đây cũng là một bài học lớn cho những người hoạt động và kinh doanh nghệ thuật trong thời kỳ hội nhập.

Tin cùng chuyên mục