Luật Thi hành án hình sự bị đề nghị lùi thời gian thông qua dự thảo Luật

Việc Chính phủ để đến thời điểm trình Ủy ban thường vụ quốc hội mới có đề xuất thay đổi phạm vi, tên gọi của dự án Luật cho thấy sự bị động trong việc chuẩn bị dự án Luật và chưa đánh giá được hết những yêu cầu của việc sửa đổi toàn diện dự án Luật.
Lãnh đạo Quốc hội chủ trì phiên họp
Lãnh đạo Quốc hội chủ trì phiên họp

Chiều 13-9, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm thừa ủy quyền Chính phủ trình dự án Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi) tại phiên họp của Ủy ban thường vụ quốc hội.

Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, theo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018 của Quốc hội, dự án Luật có phạm vi sửa đổi và tên gọi là Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án hình sự (THAHS). Tuy nhiên, do sửa đổi, bổ sung nhiều nội dung nên Chính phủ đề nghị Quốc hội cho thay đổi phạm vi sửa đổi và tên gọi của dự án Luật thành Luật THAHS (sửa đổi).

Thực tế, dự thảo Luật đã sửa đổi rất nhiều nội dung, trong đó có nhiều chính sách lớn, cơ bản của Luật hiện hành. Cụ thể, sửa đổi 92/182 điều; bổ sung 52 điều và thay đổi cơ bản về kết cấu của Luật (bổ sung 01 chương, 07 mục, bãi bỏ 01 mục, 04 điều).

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga, đa số ý kiến Ủy ban Tư pháp (UBTP) tán thành với đề nghị của Chính phủ về việc mở rộng phạm vi sửa đổi và đổi tên gọi của dự án Luật thành Luật THAHS (sửa đổi).

“Tuy nhiên, việc thay đổi phạm vi sửa đổi và tên gọi của dự án Luật như đề nghị của Chính phủ sẽ đặt ra yêu cầu phải bổ sung, hoàn thiện thêm nhiều vấn đề như: tổng kết thực tiễn thi hành toàn diện, đầy đủ hơn; đánh giá kỹ tác động nhiều chính sách mới (như việc thi hành các hình phạt, biện pháp tư pháp đối với pháp nhân thương mại (PNTM), về cụ thể hóa quy định quyền, nghĩa vụ của phạm nhân theo Hiến pháp)… Việc Chính phủ để đến thời điểm trình Ủy ban thường vụ quốc hội mới có đề xuất thay đổi phạm vi, tên gọi của dự án Luật cho thấy sự bị động trong việc chuẩn bị dự án Luật và chưa đánh giá được hết những yêu cầu của việc sửa đổi toàn diện dự án Luật”, đại diện cơ quan thẩm tra nhấn mạnh.

UBTP đề nghị, trường hợp Quốc hội chấp nhận đề nghị của Chính phủ về thay đổi tên gọi, phạm vi sửa đổi của dự án Luật thì cũng cần quyết định lùi thời gian thông qua dự thảo Luật so với thời gian đã được quyết định trong Chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh. Trong thời gian Luật THAHS chưa được sửa đổi thì những vấn đề vướng mắc trong việc THAHS liên quan đến các đạo luật về tư pháp mới được ban hành, trước mắt cần giao cho các cơ quan tư pháp phối hợp hướng dẫn thực hiện. Vì vậy, đa số ý kiến UBTP đề nghị Ủy ban thường vụ quốc hội báo cáo Quốc hội cho phép xem xét, thông qua dự án Luật tại 3 kỳ họp.

Theo đó, tại Kỳ họp thứ 6 (tháng 10-2018), Quốc hội cho ý kiến về những vấn đề lớn của dự án Luật, sau đó Chính phủ sẽ phối hợp với cơ quan chủ trì thẩm tra và các cơ quan hữu quan tiếp thu, chỉnh lý trình Quốc hội cho ý kiến lần thứ 2 tại Kỳ họp thứ 7 (tháng 5-2019), xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 8 (tháng 10-2019) theo trình tự, thủ tục quy định tại Điều 76 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Tuy đề xuất lùi thời hạn xem xét dự án Luật, song một số vấn đề cụ thể cũng đã được cơ quan thẩm tra nêu rõ quan điểm.

Đơn cử, theo dự thảo Luật, nhiệm vụ THAHS đối với pháp nhân thương mại (PNTM) được giao cho 2 hệ thống cơ quan: Cơ quan THAHS (Cơ quan THAHS Công an cấp tỉnh, Cơ quan THAHS cấp quân khu) và Cơ quan được giao một số nhiệm vụ thi hành án hình sự đối với PNTM.

UBTP cho rằng, thi hành các hình phạt, biện pháp tư pháp đối với PNTM là vấn đề mới, phức tạp, chưa có tiền lệ. Vì vậy, việc xây dựng mô hình tổ chức cơ quan THAHS đối với PNTM cần được cân nhắc thận trọng, tham khảo kinh nghiệm quốc tế, bảo đảm tính khả thi. Nêu rõ nhiều lý do, bà Lê Thị Nga cho biết, đa số ý kiến UBTP đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, tham khảo quy định của pháp luật trong nước và kinh nghiệm quốc tế để đề xuất mô hình phù hợp theo hướng, cơ quan THAHS chuyên trách phải chịu trách nhiệm chính trong tổ chức THAHS đối với PNTM và áp dụng biện pháp cưỡng chế.

Tin cùng chuyên mục