Luật mới, có gì mới?

Vừa qua, Quốc hội ban hành nhiều luật mới, các doanh nghiệp, cơ quan nhà nước quan tâm những quy định ấy tác động đến doanh nghiệp như thế nào. Chúng tôi giới thiệu một số điểm mới của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công. Đây là những điểm mới liên quan trực tiếp đến hoạt động của các tổ chức nhà nước, doanh nghiệp.
 Nuôi cá cảnh kinh doanh tại một hộ ở huyện Bình Chánh (TPHCM). Ảnh: CAO THĂNG
Nuôi cá cảnh kinh doanh tại một hộ ở huyện Bình Chánh (TPHCM). Ảnh: CAO THĂNG
Nhiều hỗ trợ chuyển đổi lên doanh nghiệp 
Từ đầu năm 2018, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chính thức có hiệu lực. Trong đó, quy định đáng quan tâm là các doanh nghiệp nhỏ và vừa được chuyển đổi từ hộ kinh doanh sẽ nhận được nhiều sự hỗ trợ. Cụ thể, được hỗ trợ tư vấn, hướng dẫn miễn phí về hồ sơ, thủ tục thành lập doanh nghiệp và được miễn, giảm nhiều loại thuế, phí…
Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa quy định doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi từ hộ kinh doanh phải đáp ứng các điều kiện: Trước khi thành lập doanh nghiệp, hộ kinh doanh đã đăng ký và hoạt động theo quy định của pháp luật; hộ kinh doanh có hoạt động sản xuất, kinh doanh liên tục ít nhất 1 năm, tính đến ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu thì mới xác định là hộ kinh doanh chuyển đổi lên doanh nghiệp. Đồng thời, doanh nghiệp mới chuyển đổi phải đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định tại Khoản 1 Điều 16 của luật thì mới được hỗ trợ, Cụ thể, doanh nghiệp sẽ được hỗ trợ tư vấn, hướng dẫn miễn phí về hồ sơ, thủ tục thành lập doanh nghiệp; miễn lệ phí đăng ký doanh nghiệp và phí cung cấp thông tin doanh nghiệp lần đầu; miễn phí thẩm định, phí, lệ phí cấp phép kinh doanh lần đầu đối với ngành, nghề kinh doanh có điều kiện; miễn lệ phí môn bài trong thời hạn 3 năm; tư vấn, hướng dẫn miễn phí về các thủ tục hành chính thuế và chế độ kế toán trong thời hạn 3 năm; miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp có thời hạn theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp; miễn, giảm tiền sử dụng đất có thời hạn theo quy định của pháp luật về đất đai.
Ngoài ra, luật cũng quy định, doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi từ hộ kinh doanh kế thừa toàn bộ quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp của hộ kinh doanh theo quy định của pháp luật. Trường hợp công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc công ty cổ phần được thành lập trên cơ sở chuyển đổi từ hộ kinh doanh, chủ hộ kinh doanh phải chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với các khoản nợ chưa thanh toán của hộ kinh doanh, trừ trường hợp có thỏa thuận khác theo quy định của pháp luật. Và hộ kinh doanh chấm dứt hoạt động kể từ thời điểm doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi từ hộ kinh doanh được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
8 trường hợp thu hồi tài sản công
Luật Quản lý, sử dụng tài sản công cũng sẽ chính thức có hiệu lực từ đầu năm 2018, thay thế Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước năm 2008. Trong đó, điểm mới của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công là quy định cụ thể các trường hợp bị thu hồi tài sản tại cơ quan nhà nước. Cụ thể, có 8 trường hợp bị thu hồi tài sản công ở cơ quan nhà nước gồm:
Một, trụ sở làm việc không sử dụng liên tục quá 12 tháng. Hai, được nhà nước giao trụ sở mới hoặc đầu tư xây dựng trụ sở khác để thay thế. Ba, tài sản được sử dụng không đúng đối tượng, vượt tiêu chuẩn, định mức; sử dụng sai mục đích, cho mượn. Bốn, chuyển nhượng, bán, tặng cho, góp vốn, sử dụng tài sản để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự không đúng quy định; sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết không đúng quy định. Năm, tài sản được giao, được đầu tư xây dựng, mua sắm nhưng không còn nhu cầu sử dụng hoặc việc sử dụng, khai thác không hiệu quả hoặc giảm nhu cầu sử dụng do thay đổi tổ chức bộ máy, thay đổi chức năng, nhiệm vụ. Sáu, phải thay thế do yêu cầu đổi mới kỹ thuật, công nghệ theo quyết định của cơ quan, người có thẩm quyền. Bảy, cơ quan nhà nước được giao quản lý, sử dụng tự nguyện trả lại tài sản cho nhà nước. Tám, các trường hợp khác theo quy định của pháp luật.
Theo Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, cơ quan nhà nước có tài sản bị thu hồi có trách nhiệm bàn giao tài sản theo đúng quyết định thu hồi. Nghiêm cấm việc tháo dỡ, thay đổi các bộ phận của tài sản đã có quyết định thu hồi. Cơ quan được giao thực hiện nhiệm vụ quản lý tài sản công có trách nhiệm tổ chức tiếp nhận tài sản thu hồi; đồng thời, lập phương án xử lý, khai thác tài sản thu hồi trình cơ quan, người có thẩm quyền phê duyệt; tổ chức thực hiện xử lý, khai thác tài sản theo phương án được cơ quan, người có thẩm quyền phê duyệt. Tài sản công bị thu hồi sẽ được xử lý theo các hình thức: giao cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý, sử dụng theo quy định; điều chuyển; bán, thanh lý; tiêu hủy theo quy định hoặc hình thức xử lý khác theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ 

Tin cùng chuyên mục