Luật hóa đối với nợ thuế không có khả năng thu

Mới đây, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét dự thảo nghị quyết của Quốc hội về xử lý nợ tiền thuế, tiền phạt, tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp của người nộp thuế đã phá sản, giải thể, không còn sản xuất kinh doanh cũng như không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước.
Giải quyết hồ sơ tại Cục Thuế TPHCM
Giải quyết hồ sơ tại Cục Thuế TPHCM

Đồng thời, nội dung dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) cũng có đề cập đến thẩm quyền người đứng đầu cơ quan thuế hay chủ tịch UBND cấp tỉnh được quyền xóa nợ thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt. Thế nhưng, các chuyên gia cho rằng, nếu không luật hóa sẽ thành tiền lệ xấu khi để nợ lâu sẽ được xóa.


Số nợ thuế quá lớn

Theo Bộ Tài chính, tỷ trọng tổng nợ trên tổng thu nội địa tuy đã giảm theo từng năm, từ 12,2% năm 2014, đến năm 2017 giảm ở mức 7,6% và tính đến cuối năm 2018 giảm chỉ còn 7%, nhưng vẫn chiếm tỷ trọng quá lớn. Nếu so với tổng số thu từ lĩnh vực thuế khoán (hộ kinh doanh cá thể), mỗi năm chỉ đóng góp 1,5% - 2% trên tổng thu nội địa thì con số nợ đọng thuế đến 7% là quá lớn, gấp 4 lần. Cụ thể, tổng số tiền thuế nợ tính đến ngày đầu năm 2018 là gần 78.500 tỷ đồng, trong đó số tiền thuế nợ không còn khả năng thu hồi do người nộp thuế đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự, liên quan đến trách nhiệm hình sự, đã tự giải thể, phá sản, ngừng, nghỉ và bỏ địa chỉ kinh doanh là gần 31.500 tỷ đồng, chiếm đến 43% tổng số tiền thuế nợ, bằng 3,2% tổng số thu nội địa năm 2017. 

Số nợ thuế được xác định không có khả năng thu hồi dựa trên cơ sở người nộp thuế được pháp luật coi là đã chết, mất tích, mất khả năng hành vi dân sự... Cụ thể có gần 15.000 doanh nghiệp với số tiền nợ đọng gần 1.500 tỷ đồng (trong đó tiền phạt và tiền chậm nộp gần 600 tỷ đồng) đã không còn hoạt động, nhưng không thực hiện thủ tục giải thể doanh nghiệp theo quy định. Có hơn 620.000 người nộp thuế là doanh nghiệp, hộ gia đình và cá nhân bỏ địa chỉ kinh doanh với số tiền nợ đọng gần 22.000 tỷ đồng (trong đó tiền phạt và tiền chậm nộp gần 8.200 tỷ đồng). Số tiền nợ ban đầu không cao nhưng số nợ đọng sẽ tăng lên vì tiền chậm nộp sẽ tính 0,03%/ngày trên số tiền chậm nộp. Khi người nộp thuế không có khả năng nộp thuế gốc, nhưng số tiền chậm nộp trên nguyên tắc vẫn tăng lên từng ngày; do vậy, trong số 31.500 tỷ đồng nợ thuế không có khả năng thu hồi thì đến 10.500 tỷ đồng tiền chậm nộp.

Báo cáo của Chính phủ cho hay có tới hơn 620.000 đối tượng nộp thuế không còn tiếp tục kinh doanh. Hiện nay, quy định về đăng ký kinh doanh quá dễ, chỉ trong 1 ngày có thể được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, dẫn đến bỏ kinh doanh rất tùy tiện. Như vậy, vì doanh nghiệp không chấp hành pháp luật, lợi dụng sự thông thoáng để vi phạm và nhà nước xóa thuế thì sẽ tạo tiền lệ xấu: bảo vệ kẻ gian! Do vậy, Quốc hội cũng nêu vấn đề rằng, nên bổ sung thêm nguyên tắc chỉ xem xét xóa nợ cho những đối tượng chấp hành quy định của pháp luật. 

Không nên trao quyền

Nghị quyết về xóa nợ thuế là cần thiết. Tuy nhiên, cách nào để công bằng và xử lý trách nhiệm người chủ doanh nghiệp, nhằm hạn chế việc nhiều doanh nghiệp cố tình chờ đợi, lợi dụng chính sách xóa thuế để trốn thuế là cần thiết hơn.

Bởi thực tế có việc thuê mướn người chạy xe ôm, người thiếu hiểu biết ở nông thôn đứng tên thành lập doanh nghiệp. Sau khi thực hiện được một số ý đồ như mua bán hóa đơn, kinh doanh giả tạo để chuyển lỗ, trục lợi… xong giải tán, bỏ địa điểm kinh doanh. Nếu cứ chiếu theo thời hạn 10 năm thì được xóa nợ thuế như thế, sẽ tạo điều kiện cho kẻ gian lộng hành. Người đứng tên giùm coi thường pháp luật và làm bậy. Do vậy, khi xóa nợ thuế cần phân biệt từng loại nợ khó đòi để không nhập nhằng với tờ trình hiện nay là xóa nợ đối với trường hợp người nộp thuế là cá nhân, chủ doanh nghiệp tư nhân đã chết, mất tích, doanh nghiệp đã phá sản, hộ gia đình, cá nhân đã bị thu hồi giấy phép và khoản nợ đã quá 10 năm. Nguyên nhân, cá nhân nộp thuế với tư cách cá nhân nhưng họ còn tài sản thì dù họ chết vẫn xử lý trả nợ trên tài sản của họ. Với doanh nghiệp, dù chủ doanh nghiệp có chết thì tư cách pháp nhân của doanh nghiệp vẫn còn, nếu doanh nghiệp còn tài sản thì vẫn thu hồi thuế trên tài sản doanh nghiệp. Đối với doanh nghiệp bỏ trốn, không còn địa chỉ kinh doanh thì cần yêu cầu phía công an truy tìm người đứng tên đại diện trên giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Nếu không truy tìm được thì rõ ràng, việc kê khai tên người đại diện trước pháp luật của doanh nghiệp không có ý nghĩa gì. Và không nên đặt thời hạn nợ thuế trên 10 năm sẽ được xóa thuế, nếu chúng ta không tiến hành các bước thu hồi thuế một cách kiên quyết, đúng pháp luật mà còn để càng lâu càng được xóa nợ thì khác nào khuyến khích doanh nghiệp nợ thuế chây ỳ.

Ngoài ra, các vấn đề về thẩm quyền xóa nợ thuế trong dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) có quy định chủ tịch UBND cấp tỉnh hay Tổng cục trưởng Tổng Cục thuế được xóa nợ thuế số tiền bao nhiêu tỷ đồng thì điều này sẽ phát sinh tiêu cực. Khi doanh nghiệp ra đời với tư cách pháp nhân thì giải thể cũng phải theo Luật Phá sản, giải thể doanh nghiệp. Khi họ tiến hành đúng thủ tục thì số nợ thuế được xử lý theo trình tự pháp luật. Khi đó, dù số nợ 10 tỷ đồng, nhưng khả năng thanh toán lúc tòa giải quyết phá sản chỉ trả được nợ thuế 1 tỷ đồng thì đương nhiên số nợ còn lại không còn hiệu lực theo luật, không cần lãnh đạo nào phải đặt bút ký xóa nợ cả. 

Do vậy, cái cần là quy định thủ tục về giải thể doanh nghiệp nhanh gọn như thủ tục đăng ký kinh doanh. Như vậy, doanh nghiệp nào cố tình không tuân thủ thì phải hạn chế quyền của họ. Bởi với doanh nghiệp chân chính mà chậm nộp thuế 100 triệu đồng đã bị cấm xuất cảnh thì không lý do gì lại xóa thuế để cởi trói cho doanh nghiệp không tuân thủ pháp luật, nợ thuế.
 
Việc xử lý nợ là cần thiết nhưng phải đảm bảo trình tự, thủ tục theo luật, công bằng và minh bạch. Không nên trao quyền cho bất kỳ cá nhân lớn nhỏ nào, mà phải luật hóa, doanh nghiệp nào thực hiện đúng thủ tục, trình tự sẽ được xóa nợ thuế theo luật, để công bằng và tránh được tiêu cực.

Tin cùng chuyên mục