Lừa đảo tiền qua mạng ngày càng tinh vi

Trong thời đại tin học bùng nổ, các loại tội phạm về tiền tệ gần đây trở nên phức tạp, đa dạng với nhiều thủ đoạn tinh vi hơn. Dù Bộ Công an đã xử lý rất nhiều vụ lừa đảo qua mạng, nhưng trước thực trạng hàng loạt tội phạm mới phát sinh trong lĩnh vực tiền tệ, người dân và doanh nghiệp cần phải biết để hạn chế rủi ro…
Lừa đảo tiền qua mạng ngày càng tinh vi

Từ thẻ giả, lừa đảo…

Việc trộm cắp thông tin thẻ tín dụng, làm giả thẻ thanh toán dịch vụ, rút tiền qua máy ATM hoặc mua hàng qua mạng… diễn ra ngày càng nhiều, điều đó khiến giới doanh nghiệp e ngại khi ứng dụng thanh toán không dùng tiền mặt vì sợ rủi ro. Không những thế, ngày nay còn có cả tội phạm nước ngoài vào Việt Nam qua đường du lịch, thực hiện giao dịch bằng thẻ nội địa (do ngân hàng nước ngoài phát hành) để thanh toán qua máy POS (máy thanh toán không dây), không thông qua hệ thống ngân hàng và trung gian thanh toán Việt Nam để thanh toán mua hàng.

Hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng, đặc biệt là trên các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo, Viber, Whatsapp, email… cũng diễn ra thường xuyên. Bằng cách nhắn tin trúng thưởng, tội phạm đã hình thành một số tụ điểm sử dụng công nghệ cao để lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng hình thức nhắn tin thông báo trúng thưởng qua mạng xã hội, rồi yêu cầu người trúng thưởng trả cước phí để nhận thưởng, nhưng khi nộp phí xong thì biết bị lừa; đến các hoạt động giả danh người nước ngoài làm quen, tặng quà rồi giả nhân viên hải quan gọi điện yêu cầu nạn nhân chuyển tiền làm các thủ tục thông quan để chiếm đoạt tiền. 

Những năm gần đây còn phát sinh tình trạng một số đối tượng sử dụng dịch vụ cuộc gọi thoại qua Internet (VoIP) giả danh các cơ quan pháp luật (công an, nhân viên công ty cung cấp dịch vụ) để đe dọa, đòi nợ cước viễn thông khống, rồi yêu cầu người dân chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng cho chúng. Vừa qua Cục Cảnh sát hình sự đã phá chuyên án nhóm đối tượng có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua dịch vụ gọi thoại VoIP. Qua đó, khởi tố 8 bị can, bắt giữ 7 đối tượng (trong đó có 3 đối tượng người Đài Loan, Trung Quốc). 

Ngoài ra, các hoạt động đánh bạc, cá độ bóng đá trên Internet diễn ra rất phức tạp, số tiền đánh bạc lên đến hàng ngàn tỷ đồng. Các đối tượng nhà cái ở nước ngoài thường móc nối với các đối tượng trong nước (mở đại lý) xây dựng đường dây lớn, tổ chức cho cả người Việt Nam và người nước ngoài đánh bạc. Việc này đang là vấn đề nóng về tội phạm hình sự vì khó truy tìm được nguồn gốc người tổ chức do họ ở nước ngoài.

... đến các kiểu “đánh vào lòng tham” 

Tội phạm cũng lấn sâu vào hoạt động bán hàng đa cấp để chiếm đoạt tài sản bằng cách lập website để tổ chức huy động vốn trả lãi suất cao nhằm chiếm đoạt tài sản hoặc mượn danh từ thiện để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tội phạm đã từng tạo ra nhiều sàn giao dịch các loại tiền điện tử hoạt động theo mô hình đa cấp như Onecoin, Bitcoin, ILcoin, Gemcoin... để thu hút các nhà đầu tư nhằm chiếm đoạt tài sản hoặc kinh doanh tiền điện tử trái phép để rửa tiền, ship hàng, trả tiền cá độ bóng đá...

Điển hình là vụ Nguyễn Hữu Tiến và đồng phạm thành lập website Otcmax.vn kêu gọi đầu tư dự án với lợi nhuận lên đến 1,8%/ngày và đầu tư tiền ảo VNCoins lợi nhuận 2,5%/ngày và đã chiếm đoạt hơn 200 tỷ đồng của 6.000 người. Hay vụ Hợp tác xã Sky Mining, dùng thủ đoạn quảng cáo kêu gọi nhà đầu tư mua máy đào tiền ảo, hứa hẹn sau 12 tháng sẽ trả lại vốn và lãi đến 300%, đã chiếm đoạt trên 300 tỷ đồng của các nhà đầu tư. Các đối tượng thành lập nhiều công ty, giả mạo các dự án của công ty nước ngoài huy động vốn trả lãi suất và hoa hồng theo mô hình đa cấp với lãi suất cao, đánh vào lòng tham của nhiều người để chiếm đoạt tài sản của người tham gia.

Về việc này, Bộ Công an đã nhiều lần cảnh báo các phương thức, thủ đoạn của tội phạm, cảnh báo mọi người phải cảnh giác trước các hoạt động thanh toán thẻ, phòng ngừa lừa đảo liên quan đến tiền ảo, thẻ cào viễn thông.

Về công tác đấu tranh phòng chống tội phạm công nghệ cao, thời gian qua, Bộ Công an đã xử lý nhiều vụ. Cụ thể, năm 2016, lực lượng công an đã phát hiện, khởi tố 217 vụ (với gần 500 bị can); năm 2017, khởi tố 197 vụ (với khoảng 360 bị can). Riêng những tháng đầu năm 2018, công an đã khởi tố điều tra 117 vụ (với gần 200 bị can) sử dụng công nghệ cao để lừa đảo. Trong đó có nhiều vụ điển hình như vụ Công ty CNC tổ chức đánh bạc, đánh bạc trực tuyến trên mạng Internet bằng hình thức game bài, với gần 43 triệu tài khoản tham gia đánh bạc, 25 đại lý cấp 1 và gần 5.900 đại lý cấp 2 hoạt động trên phạm vi toàn quốc để giao dịch mua bán Rik (tiền ảo), với tổng số tiền thu lợi bất chính trên 9.850 tỷ đồng. Công an đã thu giữ trên 1.760 tỷ đồng, khởi tố 105 bị can… 

Tin cùng chuyên mục