Lữ khách và cung đường mùa xuân

Khởi đầu của năm là mùa xuân mang vẻ đẹp tươi tắn. Khát vọng lớn nhất của con người là hành trình trải nghiệm. Nên, chẳng có gì thú vị bằng những chuyến trải nghiệm đầu năm trên những cung đường mùa xuân. Hầu như các cung đường mùa xuân trên đất Việt mến yêu của chúng ta đều có sức hút lạ kỳ, khó cưỡng bước chân lữ khách, cho dù đã đi qua chốn ấy nhiều lần. 

1. Đặc thù công việc của người làm du lịch và với đam mê viết của nhà văn, tôi thường hay nghĩ về hành trình đã qua và chuẩn bị cho những hành trình mới.

Thường vào độ cuối năm cũ và chào đón năm mới, cá nhân đã sẵn sàng nghĩ đến hành trình khám phá của 365 ngày. Chuyến đi sớm nhất trong năm, khởi đầu mùa xuân. Chuyến đi cuối cùng trong năm, thời điểm chuẩn bị đón mùa xuân. Và như một duyên tình cờ, chuyến đầu tiên và chuyến cuối cùng trong tâm thế của lữ khách, đều diễn ra trên mảnh đất hình chữ S thiêng liêng.

Tất cả lữ khách chung nỗi háo hức lúc khởi hành, giống nhau khoái cảm khi tiếp cận điều mới lạ trong giai đoạn hành trình diễn ra và cùng nuối tiếc thời điểm kết thúc đợt khám phá. Hầu như lữ khách đều muốn kể câu chuyện hành trình như món quà xa xỉ không phải lúc nào cũng được ban phát.

Tại nước ta, có nhiều sản phẩm du lịch địa phương tạo nên thương hiệu, gây dấu ấn đặc biệt cho du khách/lữ khách, tạo ra giá trị cạnh tranh vì sự khác biệt của điểm đến, thương hiệu. Với tôi, có dịp trải qua hầu hết những tuyến điểm của 63 tỉnh, thành phố trên chính quê hương của mình trong vai lữ khách, khi chọn trải nghiệm đi mang tính tương tác, giao cảm giữa con người với trời đất, với văn hóa hữu hình và vô hình, hiện thực và cõi mộng... cũng là khi đối diện với niềm tự hào, sự tự tin về tài sản quý giá của thiên nhiên, văn hóa, giá trị truyền thống của du lịch nước ta. 

Có một điều lạ chưa bao giờ tôi lý giải được: Chưa bao giờ cảm thấy bị nhàm chán, hay đơn điệu khi trải nghiệm lại lần thứ hai, thứ ba… về một điểm đến. Có lẽ, tất cả các chuyến đi như mới lần đầu, tương tự cảm giác vui xuân chờ tết của tuổi thơ. Mỗi chuyến đi khám phá quê hương là một câu chuyện mới với những bí mật. Ít ra, tôi cũng kịp tìm ra cho chính mình một câu chuyện sau hành trình. Tình cảm này, chỉ có thể là người con dành cho quê cha đất mẹ.

Lữ khách và cung đường mùa xuân ảnh 1 Du khách nước ngoài du lịch non nước Tràng An, Ninh Bình. Ảnh: KHẮC HÀO                  
2. Việt Nam có lợi thế 3.260km bờ biển cùng hàng trăm vịnh, đảo lớn nhỏ. Nếu như những tuyến điểm biển như Hạ Long, Đà Nẵng, Nha Trang, Mũi Né, Phú Quốc đã trở thành “anh cả đỏ” mỗi năm thu hút hàng chục triệu du khách trong nước và quốc tế, thì những năm gần đây xuất hiện các thương hiệu mới tạo nên sức hấp dẫn với khách: Ninh Chữ, Quy Nhơn và Phú Yên, nằm dọc khu vực miền Trung. Ba tuyến điểm này, khách vừa có thể chọn tour đơn tuyến chỉ đi một nơi, hoặc có thể chọn tour đa tuyến đi từ hai đến ba nơi, thậm chí nhiều nơi.

Huyện đảo Lý Sơn của tỉnh Quảng Ngãi, đảo Nam Du tỉnh Kiên Giang hay đảo Cồn Cảo tỉnh Quảng Trị đang nổi lên thành nơi lựa chọn của khách trẻ, cũng hứa hẹn tạo nên điểm đến mang lại lại nhiều sản phẩm, dịch vụ đầy đủ hơn loại hình du lịch biển đảo cho khách trong tương lai gần.

Hội An là điểm đến cho chúng ta cảm giác thanh bình của thị tứ phố cổ, phố cũ, như được quay về kỷ niệm, ký ức khó phai trong tâm trí của lữ khách Việt. Nơi đây luôn là lựa chọn cho loại hình du lịch văn hóa. Quê tôi từng có thị tứ cổ Thu Xà (nay là xã Nghĩa Hòa, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi) từng mang dáng dấp như Hội An, nhưng giờ mọi thứ hầu như đã bị xóa nhòa theo thời gian - một điều thật đáng tiếc. Chuyến khởi đầu mùa xuân, tôi thường chọn Hội An, vì có dịp được hưởng trọn không gian vui xuân đón tết ấm cúng và nhiều màu sắc. 

Nhắc đến du lịch văn hóa là thế mạnh của du lịch Việt Nam, và hầu hết các điểm đến nổi tiếng hiện nay hoặc các điểm đến nhiều tiềm năng của nước ta, đều liên quan yếu tố văn hóa, lịch sử. Trong các ứng cử viên sẽ hứa hẹn tạo bất ngờ trên bản đồ du lịch Việt trong những năm tới của chủ đề này sẽ là Thanh Hóa.

3. Nhắc đến loại hình du lịch tâm linh, Côn Đảo đã và đang chiếm vị thế hàng đầu. Tất nhiên, khách thập phương tìm đến Côn Đảo còn vì điểm đến biển đảo xinh đẹp này khá thanh bình so với những tuyến điểm du lịch biển khác. Sẽ là thiếu sót nếu trong hành trình du lịch tâm linh không nhắc đến Quảng Trị, vùng đất từng là tuyến lửa. Chúng tôi vẫn còn giữ mãi xúc cảm không thể nào quên khi trải nghiệm tour tâm linh thăm viếng tại Nghĩa trang Trường Sơn, thắp hương vào buổi tối tại Nghĩa trang Đường 9, đặc biệt dâng hương và theo con thuyền nhỏ ra dòng sông Thạch Hãn thả vòng hoa, hoa đăng trên sông. Hàng trăm người yên lặng tuyệt đối trong thời khắc huyền ảo tâm linh, thiêng liêng.

Du lịch miền núi hiện nay vẫn nghiêng về 2 tuyến điểm có thế mạnh độ cao, khí hậu và văn hóa bản địa, cùng hệ thống cơ sở hạ tầng du lịch được đầu tư bài bản, khá chuyên nghiệp: Đà Lạt ở phía Nam và Sapa ở phía Bắc. Vùng Tây Bắc và Đông Bắc luôn mang đến cho lữ khách cảm giác tuyệt vời trong chuyến trải nghiệm. Đặc biệt mùa xuân mang se lạnh của đất trời và bức tranh hoa nở trời xanh mây trắng bồng bềnh khắp nơi ở Mai Châu, Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu, Điện Biên, Thái Nguyên, Tuyên Quang… Mùa thu lúa bậc thang chín vàng nơi Mù Căng Chải (Yên Bái), Hoàng Su Phì (Hà Giang). Du lịch miền núi đang ở thời kỳ phát triển, hứa hẹn sẽ mang đến nhiều bất ngờ với vẻ đẹp dần bừng nở của Ba Bể (Bắc Kạn), Gia Lai, Kon Tum, Đắk Nông…

Du lịch sông nước như nét duyên và khó quên của những thiếu nữ miền Tây, tạo thêm thực đơn hành trình của du lịch nước ta. Có ý kiến cho rằng, vẻ đẹp du lịch của miền Tây na ná nhau, không tạo nên sự khác biệt. Tuy nhiên, từng có dịp đi qua những tuyến điểm sông nước miệt vườn, văn hóa lịch sử của miền Tây, tôi kịp nhận ra, từng nơi đều có sự khác biệt tạo ra điểm nhấn và chủ yếu giống nhau ở văn hóa con người vùng đất phương Nam hào sảng, mến khách. Vĩnh Long, đang là cô gái trẻ đẹp xinh xắn và không kém phần bí ẩn đang tạo nên dấu chấm đỏ trong bản đồ du lịch.

4. Khám phá hang động thuộc loại hình du lịch mạo hiểm, đã và sẽ thêm sự quyến dụ trong “Cung đường mùa xuân du lịch Việt”. Nhắc đến hang động, phải kể đến đặc sản nổi trội du lịch Quảng Bình với Phong Nha - Kẻ Bàng, Thiên Đường, Sơn Đoòng… Nhiều tỉnh khác cũng có hang động, như Ngườm Ngao (Cao Bằng), Lùng Khúy (Hà Giang), Hua Mạ (Bắc Kạn). Nếu có dịp ghé qua Lai Châu, chắc chắn chúng ta sẽ công nhận Pu Sam Cáp chính là “Miền Bắc đệ nhất động”, với các hang động chồng lên nhau, dãy núi đá vôi từ kỷ nguyên kiến tạo, dạng địa hình Kast, nhũ đá kỳ ảo. Tuy đưa vào phát hiện từ năm 2006, nhưng hiện nay nơi đây vẫn còn quá ít khách biết đến, thật đáng tiếc.

Homestay đang trở thành trào lưu trải nghiệm mới, khởi nguồn chuyên phục vụ khách quốc tế. Những năm gần đây, homestay là niềm hấp lực của khách trong nước, nhất là giới trẻ. Loại hình này gắn liền hòa nhập, khám phá văn hóa bản địa. Nếu trước đây chỉ là các buôn làng đồng bào vùng núi cao, thì hiện nay không gian trải rộng ra đến các vùng đồng bằng, biển đảo, thậm chí ngay cả thành phố lớn. Sin Súi Hồ của bà con đồng bào Mông tại xã Sin Súi Hồ, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu; Pù Luông huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa; hoặc các địa phương tại Vĩnh Long, Đồng Tháp góp phần mang lại thêm màu sắc homestay.

Du lịch vùng biên ải tại các địa phương vừa có vành đai biên giới như Cao Bằng, Hà Giang, Lào Cai, Móng Cái (Quảng Ninh)… đang mời gọi du khách có thêm cảm xúc trên hành trình khám phá nhan sắc và sự bí ẩn của du lịch nước nhà. Sau nhiều đêm nằm ngủ tại Khu du lịch Sài Gòn - Bản Giốc, tỉnh Cao Bằng; khách sạn Majestic Móng Cái, thành phố Móng Cái, Lạng Sơn; hay nhiều khách sạn, nhà nghỉ khác nằm dọc các vùng biên; đặc biệt, sau một đêm ngủ sáng ra tham gia chào cờ, hát Quốc ca đầu ngày nơi vùng đất biên giới thiêng liêng, đã tạo thêm giá trị tinh thần vào hành trình trải nghiệm của lữ khách: không ở đâu bằng quê hương mình!

Tin cùng chuyên mục