Lời xin lỗi chân tình

Đã hai ngày trôi qua nhưng với tôi, lễ trao bằng của thầy trò khoa Quản lý Văn hóa, Nghệ thuật trường Đại học Văn hóa TPHCM vẫn còn đọng lại nhiều ấn tượng khó tả.

Lời xin lỗi chân tình

Vì lễ trao bằng đã không chỉ diễn ra theo “công thức” thông thường: Đại diện lãnh đạo nhà trường phát biểu, sau đó trao và các sinh viên nhận bằng, chụp hình… Lễ trao bằng đợt này đã vượt qua những trình tự thường thấy, trở thành dịp để nhà trường, thầy cô, cùng sinh viên nhìn lại việc dạy và học một cách trung thực nhất để rồi đã có những lời xin lỗi chân tình tuy muộn màng và cả những giọt nước mắt tươi sáng trong một ngày trọng đại của sinh viên.

Có thể nói nền giáo dục đang trong một giai đoạn đặc biệt khi xã hội đang có những dấu hỏi lớn liên quan đến chất lượng sinh viên sau khi tốt nghiệp, khả năng tìm được việc làm khi đã có tấm bằng. Thực trạng đó không dành cho bất cứ ngành nghề nào mà cho tất cả mọi lĩnh vực đào tạo và với ngành văn hóa thì lại càng mang tính chất đặc thù vì thế không dễ dàng tìm ra câu trả lời trong một sớm một chiều.

Tuy nhiên, không thể không làm gì để rồi nhà trường cứ đào tạo, thầy cô giảng viên cứ lên lớp theo những giáo trình đã soạn sẵn và sinh viên ra trường có tìm được việc làm hay không thì nhà trường không cần phải quan tâm nữa. Phải thay đổi việc dạy và học và sự chuyển biến này phải bắt đầu từ nhà trường, từ thầy cô giáo mà trước tiên phải từ ban lãnh đạo của trường. Văn hóa bao giờ cũng có một “sức ỳ” so với kinh tế và các lĩnh vực khác của xã hội vì thế đổi mới tư duy trong đào tạo ngành văn hóa, nghệ thuật cũng có những khó khăn riêng. Góc độ xã hội cũng vậy, nếu đề xuất xây một tòa nhà mới để kinh doanh thì sẽ rất dễ nhận được đồng thuận của xã hội vì lợi nhuận đem đến là rất nhanh, rõ ràng, và con số đó có thể đo đếm được còn xây một nhà hát hay một thiết chế văn hóa mới lại trở thành vấn đề khó khăn và có khi rơi vào bế tắc.

Chính vì thế các trường đại học đào tạo những lĩnh vực khác thì thường nhận được sự quan tâm nhiều hơn của xã hội so các trường văn hóa, nghệ thuật. Nhưng thực tiễn ngày nay người làm công tác văn hóa, nghệ thuật ngày càng có những vai trò quan trọng và đóng góp nhiều hơn trong đời sống xã hội, họ không chỉ đảm nhận những vai trò quan trọng từ các cấp lãnh đạo trung ương, các tỉnh, thành phố, các quận, huyện, các phường, xã đến các thiết chế văn hóa như: Cung văn hóa, trung tâm văn hóa, nhà văn hóa, nhà thiếu nhi, các nhà hát, đoàn nghệ thuật…thuộc lĩnh vực nhà nước mà còn có mặt trong các công ty, tập đoàn, các doanh nghiệp.

Để đáp ứng cho nhu cầu đó của xã hội trong thời gian hiện tại và trong tương lai trường Đại học văn hóa TPHCM với vai trò là đơn vị đào tạo có qui mô lớn nhất phía Nam về lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật và gia đình trực thuộc Bộ Văn hóa, Thể Thao và Du lịch đã có những thay đổi trong tư duy lãnh đạo, cả trong thực tiễn dạy và học. Có lẽ chính vì thế mà trong lễ trao bằng, TS Nguyễn Thế Dũng, hiệu trưởng nhà trường ngoài những lời chúc mừng và căn dặn các tân cử nhân đã phát biểu một cách chân tình rằng: “Trong thời gian học tại trường nếu có việc gì nhà trường chưa làm được thì cũng mong phụ huynh và các em bỏ qua cho, nhà trường sẽ hoàn thành các việc dang dở này cho các lớp tiếp theo”. Rõ ràng rằng có những lời hứa mà nhà trường chưa làm được cho các em, đôi khi việc này ngoài khả năng giải quyết hay không thể giải quyết trong một sớm một chiều như: cơ sở vật chất hiện đại, đủ chuẩn chẳng hạn. Một lời xin lỗi chân tình của người đứng đầu nhà trường từ thực tiễn như thế còn hơn những lời ca ngợi hoa mỹ dành cho các em, điều đó thể hiện quyết tâm phát triển của nhà trường trong thời gian sắp tới.

Vì thế buổi lễ trao bằng đã đong đầy tình thương khi mà chính các em tân cử nhân, trước khi rời xa mái trường đã tâm sự rất thật rằng “Giờ đây, đứng tại nơi đây, chúng em thật sự cảm thấy mình có lỗi, vì rất nhiều lần chúng em đã chểnh mảng, xem nhẹ việc học, rất nhiều lần chúng em bỏ quên những dự định tương lai để vùi vào những cuộc vui trước mắt, và rất nhiều lần, chúng em đã chứng kiến thầy cô bằng trách nhiệm và tình cảm của mình để cố gắng cho chúng em hiểu, không chỉ là bài giảng, mà còn cho chúng em hiểu được rằng: tương lai quan trọng như thế nào. Cho nên, lời đầu tiên chúng em muốn thay mặt tất cả các bạn, gởi đến thầy cô lời xin lỗi dù biết có muộn màng”.

Thầy xin lỗi vì chưa chu toàn cho sinh viên của mình, sinh viên xin lỗi vì đôi khi còn thờ ơ với tương lai của chính mình, những lời xin lỗi trách nhiệm và văn minh. Có lẽ vì thế mà nghi thức tri ân thầy cô của những tân cử nhân đã đem lại rất nhiều những xúc cảm khó tả, nhiều đôi mắt đỏ hoe, những gương mặt cười lẫn giọt nước mắt của chính các tân sinh viên, các thầy cô và cả với các bậc phu huynh hay khách mời tham dự. Những giọt nước mắt hạnh phúc của thầy cô vì chính các sinh viên của mình đã nhận thấy được thấy được con đường đi đến đích thành công ở phía trước mặt dù còn lắm chông gai. Các em khóc vì mình đã từng được đào tạo trong một môi trường mà thầy cô không chỉ trang bị tri thức mà còn thắm tình thầy trò, đậm chất văn hóa. Các bậc cha mẹ rơi nước mắt vì những đứa con của mình nay đã trưởng thành và rằng công sức mình chăm lo bao năm đã không hoài phí. Với tôi đây là những giọt nước mắt tươi sáng.

Ngày nay, lễ trao bằng tốt nghiệp thường trở thành dịp để các trường học nói chung và trường đại học nói riêng biến thành cơ hội để quảng bá, quảng cáo cho thương hiệu của các trường với mục đích thu hút người học, vì thế đã có nhiều tiết mục dư thừa, các nhân vật không cần thiết cũng được mời đến dự lễ trao bằng trong lễ tốt nghiệp. Nhưng có lẽ cách tốt nhất để quảng bá cho thương hiệu của mỗi ngôi trường đó chính là chất lượng đào tạo, là những cảm nhận của chính sinh viên tại các ngôi trường ấy chứ thương hiệu không đến từ một ngôi sao nào khác. Đôi khi thương hiệu của nhà trường lại được xây dựng từ những lời xin lỗi chân tình và những giọt nước mắt tươi sáng.

Tin cùng chuyên mục