Lối thoát cho hãng phim truyện?!

Sau nhiều năm tranh cãi, kiện cáo - nét đặc trưng của giới văn nghệ sĩ vốn có tiếng là “ăn sóng nói gió”, cuối cùng Thanh tra Chính phủ cũng đặt dấu chấm hết cho tiến trình cổ phần hóa (CPH) Hãng phim truyện Việt Nam (VFS) khi công bố kết luận thanh tra vào ngày 21-9.

Và như thế, cuộc đua đi tìm ánh hào quang một thời đã trở lại vạch xuất phát, đúng như tên gọi của một chương trình truyền hình nổi tiếng “Như chưa hề có cuộc chia ly”. Đáng nói là theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, lẽ ra đợt thanh tra chỉ kéo dài trong 30 ngày và sau đó phải công bố kết luận thanh tra, song thực tế, nó như một bộ phim dài nhiều tập chỉ kết thúc sau hơn 1 năm điều nghiên, cân nhắc, đong đếm, chỉ ra những sai phạm, bất hợp lý để các bên từ cơ quan quản lý (Bộ VH-TT-DL), các nhà làm phim của VFS và đơn vị “thụ hưởng” là Tổng Công ty Vận tải thủy (VIVASO) phải “tâm phục khẩu phục”.

Nhưng dường như cuộc sống lại khác, không thể có sự nhất trí cao độ mỗi khi thanh tra công bố kết luận. Chỉ 1 ngày sau kết luận thanh tra, Chủ tịch VIVASO có phần ấm ức phát biểu “Tôi không quan tâm, kết luận như thế nào là việc của cơ quan chức năng. Tôi là doanh nghiệp, có tiền đi mua khi cổ phần hóa lẽ ra nên được khuyến khích” rồi mệt mỏi buông tay “tôi sẽ rút cổ phần cho xong và về nghỉ hưu. Đỡ mệt”. 

Song như ta thường nói - nói vậy mà không phải vậy: là doanh nghiệp, VIVASO bỏ tiền ra không phải với mục đích “nghệ thuật vị nghệ thuật”, cũng không phải vì yêu môn nghệ thuật thứ 7, mà đích nhắm không gì khác hơn là “đất vàng” hàng ngàn mét vuông ở ven Hồ Tây và đất quận 1 ở TPHCM, trị giá lên tới hàng ngàn tỷ đồng (định giá sơ khoảng 2.000 tỷ đồng). Tháng 4-2016, VFS được cổ phần hóa. Theo phương án khi đó, vốn điều lệ sau CPH của VFS sẽ đạt 50 tỷ đồng, trong đó cổ đông nhà nước nắm giữ 20%, cán bộ, nhân viên nắm 4,5% và 10,5% được đấu giá thông qua phiên IPO. Với việc chi ra hơn 32 tỷ đồng, VIVASO sau đó đã trở thành công ty mẹ chi phối hoạt động của VFS với 65% cổ phần còn lại.

Một năm sau CPH, trái với sự hồ hởi “thời phục hưng” cho hãng phim, bầu không khí ảm đạm, không lối thoát vẫn bao trùm số 4 Thụy Khê. Bộ phận làm nội dung như đạo diễn, biên kịch, quay phim ít quan tâm đến đồng lương cơ bản 3-4 triệu đồng/tháng vì họ còn có công việc “tay ngoài dài hơn tay trong” để sống và sáng tạo, còn lại các nhân viên tạp vụ sống trong điều kiện phải nói là quá thê thảm khi đồng lương lúc có, lúc không và nguy cơ bị sa thải treo lơ lửng. Và dễ hiểu khi sự nghi kỵ đã làm bùng phát sự chống đối ra mặt giữa chủ đầu tư và các anh em văn nghệ sĩ.
Để hiểu rõ hơn, chúng ta vẫn phải quay lại cái gốc của vấn đề là cái “sổ đỏ” - quyền sử dụng bất động sản. Ở đây, các đời lãnh đạo của VFS trong nhiều chục năm đã thờ ơ với chuyện hợp pháp hóa miếng đất làm nên kỳ tích cho hãng phim với hàng chục bộ phim sau này trở thành kinh điển cho điện ảnh nước nhà. Và thật sự ngỡ ngàng khi biết rằng, đến nay, VFS vẫn chưa được thành phố Hà Nội cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tính đến thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp 30-9-2014, VFS lỗ lũy kế 40 tỷ đồng và nợ 5,7 tỷ đồng tiền thuê đất. Khi mua VFS, nhà đầu tư cũng biết rằng “điểm sáng” ở vị trí đắc địa sẽ có thể thặng dư một khoản chênh lệch địa tô lớn nếu doanh nghiệp được cấp sổ đỏ. Trên thực tế, không ít đại gia Việt đã mua được các doanh nghiệp sở hữu đất vàng với giá rẻ bất ngờ do không tính giá trị đất hoặc lợi thế thuê đất trong quá trình CPH. Có thể kể thương vụ CPH khách sạn Phú Gia, INTIMEX, bánh tôm Hồ Tây… Nhưng may mắn đã không ở bên VFS.

Tất nhiên còn vấn đề định giá thương hiệu bằng 0 khi CPH gây bức xúc cho các nhà làm phim, nhưng phải nói rằng dù được định giá lớn hơn với nhiều số 0 đằng sau, VFS vẫn không thể sống chỉ nhờ quá khứ hay như ta nói “ăn mày dĩ vãng”, không thể chỉ trông chờ vào 1 - 2 bộ phim do nhà nước đặt hàng. Phải có phương án phát triển trên thế mạnh là các dòng phim cách mạng và nghệ thuật. Ở đây có thể dẫn trường hợp khá tương đồng là sự vực dậy của hãng phim Mosfilm, từng một thời lớn nhất Nga và châu Âu. Vào năm 1989, Mosfilm ở trên bờ vực phá sản vì không còn trợ cấp từ ngân sách như thời Liên Xô trước đây.
Không ai có thể ngờ “Có một ngày như thế” (tên một bộ phim nổi tiếng của hãng phim Mosfilm) xảy đến với hãng phim sản xuất mỗi năm 100 bộ phim truyện. Và cực chẳng đã, người ta đã lập phương án CPH, hay nói chính xác hơn là tư nhân hóa bằng cách bán cho một oligarch (nhà tài phiệt) với giá 160 triệu USD. Nhưng tập thể hơn 1.200 nghệ sĩ Mosfilm đã nói “không” với tiến trình CPH để vẫn trở thành 1 hãng phim thuộc sở hữu nhà nước. Ban giám đốc mới của hãng đã mạnh dạn vay khoảng 200 triệu USD để hiện đại hóa cơ sở hạ tầng và sau vài năm đã trả hết nợ.
Đến nay, Mosfilm không những tự sống được (ngân sách nhà nước không bỏ ra một xu nào) mà mỗi năm còn nộp thuế khoảng 1 tỷ rúp. Họ sống được và sống khỏe nhờ phương án rõ ràng là làm dịch vụ sản xuất phim truyện và phim truyền hình. Tất cả đều được tận dụng tối đa, kể cả kho phim với 1.720 phim truyện nổi tiếng từ thời Liên bang Xô Viết (VFS có 300 bộ phim) được cho thuê chiếu lại trên các kênh truyền hình với giá mỗi phút khoảng 500 USD. Song cũng cần nhấn mạnh, Mosfilm tồn tại và phát triển cũng là nhờ “sổ đỏ” với khối bất động sản rộng 100ha được cho thuê làm văn phòng, làm bảo tàng tham quan…

Tương lai VFS vẫn còn khá mịt mù, còn đầy lo âu. Theo nhiều nguồn tin, chủ sở hữu mới của hãng có thể là VOV, vốn sở hữu hệ thống phát thanh và truyền hình khá mạnh… Và mọi chuyện vẫn còn ở phía trước…

Tin cùng chuyên mục