Lợi ích từ thị trường bán buôn điện cạnh tranh

Theo đúng lộ trình, từ ngày 1-1-2019, thị trường phát điện cạnh tranh đã chính thức chuyển sang giai đoạn thị trường bán buôn điện cạnh tranh (VWEM). Đây được xem là bước chuyển đổi căn bản, thay đổi mô hình tổ chức sản xuất, kinh doanh điện. Đồng thời, đem đến cơ hội tốt giữa bên mua và bán, cũng như người sử dụng điện. 
Vận hành trạm biến áp bảo đảm cung ứng điện cho người dân. Ảnh: CAO THĂNG
Vận hành trạm biến áp bảo đảm cung ứng điện cho người dân. Ảnh: CAO THĂNG

Rút ngắn thời gian giao dịch

Phó Giám đốc Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia (A0) Nguyễn Đức Ninh cho biết, đơn vị đã sẵn sàng các bước chuyển đổi sang giai đoạn VWEM theo đúng lộ trình được phê duyệt. Để nâng cao hiệu quả vận hành hệ thống VWEM, A0 tính toán phân bổ sản lượng cho các tổng công ty điện lực khu vực và địa phương, mô phỏng thị trường điện bán buôn đảm bảo công bằng, minh bạch với các bên tham gia, lập kế hoạch vận hành thị trường điện, đảm bảo 100% phương thức đạt mục tiêu tối ưu hóa chi phí mua điện. Đồng thời, lập kế hoạch vận hành và điều độ huy động nguồn điện với khung thời gian tối thiểu 30 phút để giảm sai lệch giữa kế hoạch vận hành và thực tế huy động của các nhà máy điện. A0 cũng tính toán, đánh giá tác động về doanh thu của các đơn vị phát điện, chi phí mua điện của các đơn vị trên thị trường bán buôn. Đánh giá độ nhạy của các yếu tố như phụ tải, thủy văn, giá thị trường điện, ảnh hưởng và độ nhạy của giá thị trường điện, giá hợp đồng… đến doanh thu của các đơn vị và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), từ đó đề ra các chiến lược vận hành phù hợp. Song song đó, A0 tính toán điều tiết các hồ thủy điện, đánh giá và đưa ra các mực nước giới hạn phù hợp, đảm bảo các ràng buộc về yêu cầu cấp nước cho sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp, cũng như huy động các hồ thủy điện tối ưu. Tính toán nhu cầu công suất cho các dịch vụ phụ phù hợp, phân bổ lượng công suất yêu cầu cho các đơn vị theo đúng quy định, đồng thời đảm bảo tối ưu chi phí mua các dịch vụ phụ.

A0 tiếp tục thực hiện xây dựng cơ sở hạ tầng cho VWEM 2019 để dự kiến rút ngắn chu kỳ giao dịch xuống 30 phút, đồng thời phối hợp với Ban Quản lý dự án Đầu tư Xây dựng và công nghệ (EVNCTI) trong xây dựng cơ sở hạ tầng cho thị trường bán buôn dài hạn theo chỉ đạo của EVN. Đồng thời, tự động hóa các bước trong lập phương thức, cơ sở dữ liệu hóa phương thức ngày - tuần - tháng - năm, giảm các công việc cần sự can thiệp của con người trong quá trình tính toán, từ đó sẵn sàng chuyển độ phân giải trong tính toán lập lịch huy động từ 1 giờ xuống còn 30 phút, với sự tham gia hỗ trợ đắc lực của hệ thống SCADA/EMS. Ngoài ra, A0 cũng tiếp tục quản lý vận hành hệ thống SCADA/EMS và hệ thống công nghệ thông tin phục vụ thị trường điện, hệ thống tin học văn phòng đáp ứng 100% công tác chỉ huy vận hành hệ thống điện, điều hành giao dịch thị trường điện Việt Nam; thường xuyên tính toán các chế độ vận hành hệ thống điện, chế độ huy động nguồn. 

Bước đệm 

Theo Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam Trần Viết Ngãi, việc đưa VWEM vào vận hành sẽ đem lại lợi ích cho người sử dụng điện, vì có nhiều đơn vị bán điện thì sẽ có sự cạnh tranh lẫn nhau, dẫn tới giá điện sát thực tế. Việc này cũng mang lại lợi ích cho các đơn vị cung cấp điện trong việc chủ động vận hành, rút ngắn thời gian bảo trì, sửa chữa, cắt giảm chi phí để nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, việc chuyển đổi này cũng sẽ tác động lớn đến các mặt hoạt động chung của ngành điện nên cần có những bước đi thận trọng, phù hợp với điều kiện thực tế.

Bởi trên thực tế, để tiến tới thực hiện VWEM theo đúng lộ trình đề ra, các cơ quan chức năng từ Chính phủ, các bộ ngành liên quan đến các tập đoàn trong ngành năng lượng đã triển khai nhiều chương trình quan trọng trong các mặt về cơ chế, chính sách, quản lý kỹ thuật, công nghệ như tái cấu trúc ngành điện. Về mặt kỹ thuật, công nghệ, dưới sự chỉ đạo của Bộ Công thương, chương trình nâng cao hiệu quả vận hành hệ thống điện đã được triển khai với tỷ lệ kết nối hệ thống kiểm tra giám sát và thu thập dữ liệu (SCADA) từ các nhà máy điện, trạm biến áp (trung bình đạt trên 90% và đủ tín hiệu vận hành trên 80%). Việc đo đếm từ xa giữa các nhà máy điện có công suất trên 10MW, trạm biến áp 500, 220, 110kV và điểm đo ranh giới giữa các tổng công ty điện lực cơ bản đã hoàn thành. Tính đến cuối năm 2018, có 90 nhà máy điện với tổng công suất trên 23.000MW, chiếm hơn 52% tổng công suất nguồn điện trực tiếp tham gia thị trường điện với tổng sản lượng điện giao dịch của thị trường đạt 48,4% điện sản xuất toàn quốc. Hiện nay, 5 tổng công ty điện lực trong cả nước đang quản lý trên 25 triệu công tơ bán điện cho khách hàng, trong đó số lượng công tơ điện tử gần 9 triệu cái với hơn 6,7 triệu công tơ điện tử đo đếm thu thập dữ liệu từ xa. 

Tuy nhiên, để bảo đảm VWEM vận hành có hiệu quả, trong thời gian tới cần tiếp tục hoàn thiện xây dựng hệ thống kết nối SCADA để hệ thống này làm việc đủ tín hiệu, tăng cường hệ thống thu thập dữ liệu từ xa, hoàn thiện hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ hiệu quả cho VWEM. Ngoài ra, cũng cần lưu ý đến công tác vận hành lưới điện thông minh với sự xuất hiện của các nguồn năng lượng tái tạo như gió, mặt trời. “Theo nhìn nhận của chúng tôi, nếu VWEM được triển khai có hiệu quả sẽ có tác dụng rất lớn, bổ ích đến hoạt động của giai đoạn thị trường bán lẻ điện cạnh tranh, giai đoạn cuối cùng của lộ trình thị trường điện cạnh tranh”, ông Trần Viết Ngãi nhận định. 

Tin cùng chuyên mục