Lợi ích nhân đôi với điện mặt trời nối lưới

TPHCM nằm trong khu vực có bức xạ mặt trời mạnh, dao động 4,3 - 6,6kWh/m2/ngày. Số giờ nắng trung bình 6,8 giờ/ngày (thấp nhất là 5,4 giờ/ngày vào tháng 4, cao nhất đạt 8,8 giờ/ngày vào tháng 3), liên tục trong suốt năm, không bị gián đoạn như ở Bắc bộ. 

Cường độ bức xạ mặt trời trung bình của TPHCM cũng khá cao (1.581kWh/m2/năm), tương ứng 4,3kWh/m2/ngày nên tiềm năng phát triển và ứng dụng năng lượng mặt trời để phát điện rất lớn.

Lợi ích nhân đôi với điện mặt trời nối lưới ảnh 1 Công nhân EVNHCMC bảo trì hệ thống pin năng lượng mặt trời lắp đặt tại tòa nhà GreenPower 

Ưu điểm của điện mặt trời là nguồn năng lượng tái tạo, vĩnh cửu, không lo cạn kiệt. Nguồn điện từ mặt trời giúp tiết kiệm chi phí tiền điện do không phải sử dụng điện lưới; không chi phí vận hành, chi phí bảo trì thấp. Đồng thời, thân thiện với môi trường vì trong quá trình vận hành không gây ra tiếng ồn, khói bụi.. Ngoài ra, người dân, doanh nghiệp, cơ quan lắp đặt hệ thống điện mặt trời nối lưới còn có thể bán phần điện không sử dụng hết cho ngành điện.

Theo ông Nguyễn Quốc Việt, Giám đốc kinh doanh Công ty cổ phần VES, khách hàng chỉ cần đầu tư một lần là có thể sử dụng dài hạn. Ban đầu, khách hàng bỏ ra một số tiền để lắp đặt hệ thống pin năng lượng mặt trời có đấu nối vào lưới điện quốc gia và trong khoảng 4 - 5 năm là thu hồi được vốn đầu tư. Thời gian tiếp theo, khách hàng sử dụng điện miễn phí và nếu còn dư có thể bán lại cho ngành điện… Anh Nguyễn Hoàng Linh (ngụ tại quận 7, TPHCM) cho biết, hệ thống điện năng lượng mặt trời gia đình anh vừa mới lắp đặt có tổng chi phí 400 triệu đồng. Hệ thống này giúp tiết giảm hơn 80% tiền điện (khoảng 6 - 8 triệu đồng/tháng) và vẫn còn dư để bán lại cho ngành điện TPHCM.

Tính bình quân, cứ 6 - 8m2 trần phẳng mới hấp thụ đủ ánh nắng mặt trời để sinh ra 1kWp. Chi phí đầu tư điện mặt trời bình quân 22 - 25 triệu đồng/kWp. Nếu một hộ dân có nhu cầu sử dụng điện khoảng 500kWh/tháng (hơn 1 triệu đồng/tháng) thì cần đầu tư hệ thống pin năng lượng mặt trời khoảng 4kWp, trị giá 88 - 100 triệu đồng và diện tích trần phẳng tối thiểu là 32m2.

Theo ông Phạm Quốc Bảo, Phó Tổng giám đốc, Tổng công ty Điện lực TPHCM (EVNHCMC), do đặc điểm thời tiết cũng như nhu cầu tiêu thụ của người dân, TPHCM là địa phương dẫn đầu cả nước về tiêu thụ điện. Do đó, EVNHCMC đang vận động người dân lắp đặt và sử dụng hệ thống điện mặt trời nối lưới. Việc sử dụng điện mặt trời không chỉ giúp tiết kiệm chi phí tiền điện, mà người dân còn góp phần thực hiện chủ trương sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả của Chính phủ.

Theo Quyết định số 11/QĐ-TTg ngày 11-4-2017 của Thủ tướng Chính phủ, về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam và Thông tư số 16/2017/TT-BCT của Bộ Công thương, quy định giá bán điện mặt trời bán lại cho ngành điện là 2.086 đồng/kWh (tương đương 9,35UScents/kWh). Đến nay, đã có 532 khách hàng tự đầu tư hệ thống điện mặt trời áp mái nối với lưới điện của EVNHCMC với tổng công suất lắp đặt 5.707kWp. Riêng EVNHCMC cũng đã lắp đặt hệ thống điện mặt trời nối lưới tại 16 trụ sở các đơn vị thành viên. Trong thời gian tới, EVNHCMC tiếp tục lắp đặt hệ thống điện mặt trời nối lưới tại trụ sở các đơn vị trực thuộc còn lại và tại nhà điều hành các trạm biến áp 220/110kV.

Để hỗ trợ khách hàng, EVNHCMC đã chủ động triển khai kiểm tra thử nghiệm các yêu cầu kỹ thuật hệ thống điện mặt trời nối lưới theo quy định tại Thông tư số 39/2015/TT-BCT và lắp đặt điện kế 2 chiều miễn phí cho khách hàng có nhu cầu nối lưới. Hàng tháng, các công ty điện lực khu vực sẽ tổ chức ghi nhận chỉ số điện năng tiêu thụ và chỉ số điện mặt trời phát lên lưới cho các khách hàng đã được lắp đặt điện kế 2 chiều. Hiện nay, EVNHCMC đang kiến nghị Bộ Công thương và Bộ Tài chính sớm tháo gỡ vướng mắc trong việc quyết toán tiền điện đối với phần điện dư phát lên lưới điện, làm cơ sở để triển khai ký kết hợp đồng mua bán điện mặt trời với khách hàng.

EVNHCMC cũng kiến nghị UBND TPHCM có văn bản khuyến khích Ban quản lý các khu chế xuất và khu công nghiệp TPHCM, Ban quản lý Khu công nghệ cao; các cơ quan hành chính sự nghiệp, đơn vị thụ hưởng ngân sách nhà nước, trường học, bệnh viện… chủ động xây dựng kế hoạch trang bị lắp đặt hệ thống điện mặt trời nối lưới tại đơn vị.

Tin cùng chuyên mục