Loay hoay chuyện bồi lấp cửa biển

Hàng loạt luồng lạch cảng cá ở các tỉnh miền Trung bị bồi lấp nghiêm trọng kéo dài khiến cho hàng ngàn ngư dân có cảng mà nơm nớp, không dám vào. Trong khi chưa tìm ra giải pháp căn cơ thì nhiều địa phương vẫn đang “chữa cháy” bằng các giải pháp tình thế, tiêu tốn ngân sách nhưng kết quả thì như… muối bỏ biển.

 Mất tiền tỷ, cửa biển vẫn tắc

Cuối tháng 4-2019, PV Báo SGGP quay trở lại cảng cá Cửa Sót (huyện Lộc Hà, tĩnh Hà Tĩnh) để ghi nhận thực tế tình trạng bồi lấp tại cảng cá này gây khó khăn cho tàu thuyền của ngư dân ra - vào. Thủy triều hạ xuống, luồng lạch chính của cảng cá nổi lên cồn cát rất lớn và kéo dài như sân bóng. Ở điểm sâu nhất còn lại, hàng chục tàu thuyền đang bị mắc cạn, nằm ì chờ thủy triều lên. Hai năm trước, tỉnh Hà Tĩnh giao Sở NN-PTNT triển khai dự án nạo vét, chỉnh trị luồng lạch cảng cá Cửa Sót để cho tàu cá 300CV ra vào, với tổng vốn 41 tỷ đồng. Dự án hoàn thành vào khoảng tháng 6-2018, ngư dân chưa kịp mừng thì vài tháng sau, luồng lạch Cửa Sót nhanh chóng bị bùn cát phủ lấp, càng nghiêm trọng hơn.

Cát bồi lắng tại khu vực cảng cá Cửa Sót, tỉnh Hà Tĩnh   
Ảnh: DƯƠNG QUANG
 Ông Lê Tiến Hải, Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá xã Thạch Kim (có 96 tàu thuyền, với 237 đoàn viên), cho biết: “Nguyên nhân khiến cảng cá Cửa Sót vừa có dự án nạo vét hàng chục tỷ đồng, nhưng sau đó bị cát bồi lắng trở lại là do những đợt sóng biển mạnh, gió mùa đẩy cát từ ngoài biển tràn vào. Còn các cửa sông thì bị chặn lại nên cát cứ thế bồi lấp vào nhanh chóng”.


Tương tự, tại cửa biển Tư Hiền (huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế) cũng đang xuất hiện một cồn cát dài gần 500m, rộng 200m chắn ngang cửa biển khiến ngư dân không có lối về bờ. Ông Nguyễn Tam, Phó chủ tịch UBND xã Vinh Hiền (huyện Phú Lộc), cho biết, tình trạng cửa biển Tư Hiền bị bồi lấp diễn ra nhiều năm và ngày càng nghiêm trọng hơn. Trước đó, tỉnh từng cấp phép cho Công ty 55 tổ chức nạo vét cửa biển Tư Hiền, song doanh nghiệp không nạo vét bên trong mà tiến hành ngoài khơi xa và đem cát đi bán nên ngư dân phản đối. 

Trong khi đó, nhiều năm qua, trên 2.000 ngư dân ở huyện Hoài Nhơn (tỉnh Bình Định) cũng đang kêu trời vì cảng cá Tam Quan bị bồi lấp. Theo ghi nhận của PV Báo SGGP, các tàu cá của ngư dân khổ sở lai dắt nhau vượt lạch cạn ra - vào cảng cá. Cửa cảng cá Tam Quan vẫn đang có một doanh nghiệp (DN) nạo vét và tận thu cát nhiễm mặn. Tuy nhiên, theo phản ánh của người dân, DN tận thu cát thì đúng hơn chứ không giúp được gì cho ngư dân nạo vét luồng vào cảng.

Từ cuối năm 2015, UBND huyện Hoài Nhơn được UBND tỉnh Bình Định giao làm chủ đầu tư, thực hiện dự án nạo vét luồng lạch và tận thu cát bồi lấp tại cửa biển Tam Quan, tổng vốn là 37 tỷ đồng (từ nguồn vốn ngân sách và nguồn xã hội hóa). Đơn vị thi công dự án là Công ty TNHH Tân Lập. Tuy nhiên, đến hiện nay, dự án đã triển khai gần về đích mà cửa biển thì càng bị bồi lấp.

Trao đổi với PV Báo SGGP, ông Nguyễn Chí Công, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Nhơn, cho biết: “Nếu không hút cát bớt đi thì cửa biển sẽ bồi lấp nghiêm trọng hơn, tàu cá của ngư dân sẽ không ra vào được nữa. Tuy nhiên, trước giờ hút gần 300.000m³ cát rồi nhưng không hiệu quả nên chúng tôi đang làm tờ trình xin ý kiến của tỉnh để chấm dứt dự án này, dừng việc tận thu cát của Công ty Tân Lập lại, không cho chở đi nữa… Vừa rồi có dự án khoảng 15 tỷ đồng để nạo vét khu bồi lắng bên trong. Chúng tôi sẽ trích 1 - 2 tỷ đồng để tiếp tục nạo vét luồng phía ngoài cảng để giữ cửa biển cho ngư dân, chứ không cho DN hút cát chở đi nữa”. 

Giải pháp nào? 


Ông Nguyễn Minh Khải, Giám đốc BQL cảng cá Tam Quan, cho biết: “Trong giai đoạn từ mùa đông năm 2018 tới nay, cửa cảng Tam Quan bị bồi lấp nghiêm trọng, các tàu cá công suất lớn không có nơi về phải đi các tỉnh khác để neo đậu, bán hải sản khiến cho địa phương bị thất thu. Các ngành nghề dịch vụ, hậu cần nghề biển khác tại địa phương cũng làm ăn kém hiệu quả. Bây giờ, cần phải có giải pháp căn cơ hơn chứ cứ để doanh nghiệp nạo vét, tận thu cát như thế thì không ổn lắm”. 

Nói về giải pháp cho luồng vào cảng cá Tam Quan, ông Nguyễn Chí Công, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Nhơn, cho rằng: “Không để cho doanh nghiệp mang cát đi bán hoặc tận thu cát nữa vì nếu mang cát đi thì cửa biển sẽ bị sạt lở, bồi lấp hơn. Mới đây, kè chắn sóng Tam Quan (gần 80 tỷ đồng) nằm bên cửa cảng cá Tam Quan cũng bị xô sạt cũng do một phần hút cát mang chở đi nơi khác. Sắp tới, chúng tôi kiến nghị với UBND tỉnh thuê đơn vị khảo sát, nghiên cứu để có giải pháp căn cơ hơn”. 

Ông Nguyễn Văn Lợi, Chủ tịch UBND xã Vinh Hiền, cho rằng: “Việc nạo vét, giải quyết dứt điểm tại cửa vào cảng cá Tư Hiền là việc làm không hề đơn giản và cần đòi hỏi các cấp, ngành đầu tư kinh phí lớn, hỗ trợ thiết thực cho các chuyên gia, nhà khoa học tổ chức nghiên cứu, tìm giải pháp. Theo Chi cục Thủy lợi tỉnh Thừa Thiên - Huế, dự kiến kinh phí nạo vét, khơi thông luồng lạch cửa biển Tư Hiền tốn khoảng 250 tỷ đồng”. 

Trong khi đó, ông Bùi Tuấn Sơn, Giám đốc BQL các cảng cá tỉnh Hà Tĩnh, cho biết: “Ban quản lý đã làm nhiều hồ sơ trình cơ quan chức năng xin triển khai xã hội hóa nạo vét bồi lắng tại cảng cá nhưng đến nay vẫn chưa có ai trả lời”.

 Ngày 30-4, UBND tỉnh Phú Yên đã có văn bản yêu cầu UBND huyện Tuy An (tỉnh Phú Yên) chỉ đạo kiểm điểm, rút kinh nghiệm đối với Chủ tịch UBND thị trấn Chí Thạnh và Chủ tịch UBND xã An Dân, để xảy ra tình trạng khai thác cát trái phép trên địa bàn do mình quản lý, chưa có biện pháp ngăn chặn triệt để. 
Trước đó, khi có thông tin phản ánh của báo chí về tình trạng khai thác cát trái phép tại khu vực sông Cái (đoạn gần cầu Ngân Sơn, thuộc xã An Dân và thị trấn Chí Thạnh, huyện Tuy An), UBND tỉnh Phú Yên đã chỉ đạo cho Sở TN-MT vào cuộc kiểm tra hiện trường. Qua kiểm tra, Sở TN-MT phát hiện có dấu hiệu khai thác cát trên sông Cái, tại xã An Dân và thị trấn Chí Thạnh, đồng thời phát hiện 2 điểm tập kết cát trái phép. UBND tỉnh Phú Yên chỉ đạo các địa phương cần phải xử lý dứt điểm tình trạng khai thác, tập kết cát trái phép tại 2 địa bàn xã An Dân và thị trấn Chí Thạnh.
NGỌC OAI

Tin cùng chuyên mục