Loay hoay bảo tồn các giá trị văn hóa miền núi

Chỉ trong 2 tháng (7 và 8-2018), liên tiếp 2 sự kiện văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số đã được tổ chức tại Quảng Nam. Câu chuyện làm thế nào bảo tồn các giá trị văn hóa miền núi trên địa bàn tỉnh một lần nữa được khơi gợi với nhiều trăn trở của chính quyền địa phương và các nhà quản lý, nghiên cứu văn hóa dân tộc.
Các giá trị văn hóa truyền thống, làng nghề đồng bào dân tộc thiểu số Quảng Nam còn chậm được gìn giữ, bảo tồn

Phai nhòa bản sắc

Vài năm trước, ở xã Ba (huyện Đông Giang) rộ lên câu chuyện một số gươl làng (nhà sinh hoạt cộng đồng người Cơ Tu) thay mái lá cỏ tranh truyền thống bằng những mái tôn màu xanh, đỏ đã khiến nhiều người lo lắng. Lý giải điều này, nhiều già làng Cơ Tu địa phương cho rằng, do làng không có tiền, rừng cũng không còn lá tranh nên phải lợp tôn vừa rẻ, vừa bền chắc.

Xã Ba có trên 1.000 hộ dân với hơn 5.000 nhân khẩu nhưng đồng bào dân tộc Cơ Tu chỉ chiếm khoảng 30% dân số, chủ yếu sống tập trung tại 3 thôn Tống Cóil, Éo và thôn 5. Trong đó, ngoài thôn 5 có đồng bào Cơ Tu tương đối đông, 2 thôn còn lại đan xen giữa người Kinh và Cơ Tu nên việc bảo tồn gươl tại những thôn này ít được quan tâm. Thỉnh thoảng gươl mới mở cửa để người dân vào sinh hoạt những dịp họp hội của làng. Gươl tại xã Ba dường như đã mất đi những chức năng vốn có, không còn là nơi diễn ra các hoạt động văn hóa tâm linh, gắn kết cộng đồng.

Tương tự, tại huyện Nam Giang, dù người Cơ Tu chiếm hơn 50% dân số, nhưng việc bảo tồn các giá trị văn hóa của đồng bào cũng gặp nhiều khó khăn do quá trình phát triển và lai căng từ đời sống hiện đại. Thậm chí, tại một số xã vùng thấp, trang phục thổ cẩm truyền thống hầu như không còn được đồng bào sử dụng, kể cả trong các ngày hội, trừ những người già.

Với huyện Hiệp Đức, việc gìn giữ các giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số tại 3 xã vùng cao Sông Trà, Phước Trà và Phước Gia càng khó khăn hơn. Đây là địa bàn sinh sống chủ yếu của 2 dân tộc Ca Dong và Mơ Nông với dân số hơn 4.000 người. Cùng với quá trình giao lưu tiếp xúc với người Kinh và các dân tộc di cư tự do khác, bản sắc văn hóa của đồng bào hầu như mất dần. Khác với các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh, người Ca Dong, Mơ Nông không có chữ viết; việc giao tiếp hàng ngày được đồng bào sử dụng thông qua ký tự tiếng Việt. Các nghề thủ công truyền thống như dệt thổ cẩm, đan lát… từ lâu đã vắng bóng. Để có trang phục thổ cẩm và trang sức, người dân phải mua lại từ các dân tộc khác ở các huyện Phước Sơn, Nam Giang, Đông Giang… 

Ông Nguyễn Phước Niên, Trưởng phòng VH-TT huyện Hiệp Đức thừa nhận: “Rất khó giữ gìn bản sắc văn hóa do không có kinh phí. Ví như bây giờ muốn dạy lớp trẻ đánh cồng chiêng thì phải mua chiêng và cần nguồn kinh phí mở lớp. Chưa kể, người dân cũng không còn quan tâm vì thấy không còn phù hợp với cuộc sống hiện đại”.

Chậm chạp đề án bảo tồn

Câu chuyện bảo tồn văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số miền núi Quảng Nam không phải là vấn đề mới mẻ. Thời gian qua đã có nhiều chương trình, kế hoạch của các huyện và tỉnh với sự hỗ trợ, giúp đỡ từ các tổ chức quốc tế đã được triển khai tại một số địa phương bước đầu mang lại hiệu quả. Tuy nhiên, văn hóa các dân tộc thiểu số Quảng Nam vẫn đối diện với nhiều thách thức. Theo nhạc sĩ Dương Trinh, Chi hội trưởng Chi hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số miền núi Quảng Nam, trong thời đại bùng nổ thông tin như hiện nay, các phong tục tập quán, lễ hội, trang phục, âm nhạc… rất dễ bị xâm lấn, mai một.

“Bây giờ người dân thôn làng nào cũng có ti vi, kể cả internet nên ngày nào họ cũng nghe nhìn những chương trình giải trí hiện đại. Nó ảnh hưởng đến đời sống, văn hóa truyền thống là không tránh khỏi. Do đó, nhà nước, chính quyền phải tuyên truyền định hướng người dân, kích thích lòng tự hào về bản sắc của tộc người mình trong giới trẻ, nhất là thông qua các lễ hội truyền thống của đồng bào”, ông Trinh nói.

Hiện tại, Sở VHTT-DL tỉnh Quảng Nam đang xây dựng đề án bảo tồn văn hóa các dân tộc thiểu số miền núi của tỉnh giai đoạn 2019 - 2025, tổng kinh phí hơn 117 tỷ đồng. Đề án sẽ tập trung vào các nội dung như: tổng kiểm kê di sản văn hóa các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh; xây dựng đời sống văn hóa và môi trường văn hóa, gắn kết chặt chẽ những hoạt động xây dựng đời sống văn hóa với phát triển kinh tế - xã hội từng địa phương, từng dân tộc… Các loại hình nghệ thuật biểu diễn truyền thống có nguy cơ bị mai một sẽ được ưu tiên đầu tư phục dựng, gắn kết với chương trình phát triển kinh tế, du lịch cộng đồng, giảm nghèo bền vững. Đặc biệt, xây dựng các chính sách nhằm khuyến khích hoạt động nghiên cứu, sưu tầm, truyền dạy, quảng bá di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh, đưa giáo dục văn hóa truyền thống của các dân tộc vào trường học…

Việc đề án vẫn đang trong quá trình xây dựng, chưa ban hành là quá trễ, chưa kể, với cơ chế hỗ trợ, đầu tư cho công tác bảo tồn văn hóa vẫn chưa sát thực tế. Theo ông Hồ Quang Hường, Phó Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn, bộ cồng chiêng là điều quan trọng để bảo tồn bản sắc văn hóa của người miền núi, tuy nhiên với mức hỗ trợ như đề án là 10 triệu đồng/bộ thì không đủ.

“Huyện vừa đầu tư mua bộ chồng chiêng trị giá 40 triệu đồng/bộ cho các xã, nhưng người dân không chịu đánh, vì chê cồng chiêng không đạt chất lượng”, ông Hồ Quang Hường phản ánh.

Ông Trần Văn Tân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam thừa nhận, mai một văn hóa miền núi Quảng Nam là thực trạng đáng báo động. Đây không chỉ là vấn đề của riêng ngành văn hóa mà còn là mục tiêu chung của những chương trình, dự án, đầu tư ở miền núi để làm thế nào vừa phát triển kinh tế - xã hội vừa giữ gìn bản sắc của địa phương. Do đó, việc bảo tồn các giá trị văn hóa miền núi là cấp thiết, tuy nhiên cũng phải cân nhắc phù hợp với đặc thù từng địa phương. 

Tin cùng chuyên mục