Lo ngại tai nạn đuối nước

Chỉ trong 3 ngày dịp nghỉ lễ Giỗ Tổ Hùng Vương, tại một số địa phương như Gia Lai, Thanh Hóa, Hòa Bình đã liên tiếp xảy các vụ tai nạn đuối nước làm nhiều trẻ thiệt mạng. Các vụ đuối nước tập thể xảy ra gần đây cho thấy, những lời cảnh tỉnh về tình trạng học sinh bị đuối nước đã không được nhiều bậc phụ huynh quan tâm, cảnh giác. 
Dạy bơi cho học sinh tại trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, quận 1, TPHCM
Dạy bơi cho học sinh tại trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, quận 1, TPHCM

Những vụ tai nạn đuối nước xảy ra chủ yếu ở lứa tuổi học sinh đã để lại nỗi đau xót khôn cùng cho người thân và gây rúng động xã hội. 

Theo đánh giá của Bộ Y tế và Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, đuối nước là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong do tai nạn thương tích ở trẻ em và người chưa thành niên tại Việt Nam. Mỗi năm cả nước có trên 2.000 trẻ em tử vong do đuối nước. Trung bình mỗi ngày có khoảng 5 em bị tử vong do đuối nước, cao gấp 10 lần so với các nước phát triển. Tử vong do đuối nước ở trẻ em chủ yếu tập trung tại các vùng nông thôn và những nơi có nhiều sông hồ.

Có nhiều nguyên nhân làm tình trạng đuối nước ở trẻ em ngày càng gia tăng. Trong đó có những nguyên nhân khách quan như môi trường sống ở nhiều nơi không bảo đảm an toàn, hay nguyên nhân chủ quan là nhiều em quá ham chơi, trốn cha mẹ, người lớn tự ý đi bơi ở những khu vực ao hồ, sông suối... Tuy nhiên, dù có đổ lỗi cho nguyên nhân, hoàn cảnh nào đi chăng nữa thì người lớn vẫn cần phải chịu trách nhiệm chính. 

Trước nhiều vụ đuối nước thương tâm, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đã phải có công văn gửi các sở GD-ĐT, các trường đại học, cao đẳng sư phạm, trung cấp sư phạm về việc tăng cường các giải pháp phòng chống tai nạn đuối nước học sinh, sinh viên (HS-SV) dịp hè 2019. Theo đó, để khắc phục, phòng chống, hạn chế các vụ tai nạn đuối nước đáng tiếc, đảm bảo an toàn tính mạng đối với HS-SV, đặc biệt là trong thời gian nghỉ hè năm 2019, Bộ GD-ĐT yêu cầu các sở GD-ĐT chỉ đạo nhà trường, cơ sở giáo dục phổ thông cần chỉ đạo giáo viên tiếp tục duy trì việc hàng ngày dành 3-5 phút các tiết học cuối trước khi học sinh tan trường để nhắc nhở, khuyến cáo các em trên đường từ nhà tới trường, từ trường về nhà, thời gian được nghỉ học, nghỉ hè tuyệt đối không được chơi, đùa nghịch gần ao hồ, kênh rạch, sông suối, hồ công trình; khuyến khích các trường tăng cường tổ chức dạy bơi cho học sinh; tổ chức hướng dẫn học sinh tham gia học kỹ năng phòng chống tai nạn đuối nước trong thời gian nghỉ hè... Các trường đại học, cao đẳng cũng cần hướng dẫn sinh viên khi tham gia các hoạt động thực tế, dã ngoại phải tránh những nơi có nguy cơ xảy ra tai nạn đuối nước; phối hợp với các cấp chính quyền địa phương kiểm tra, giám sát, phát hiện các điểm có nguy cơ cao xảy ra tai nạn đuối nước và tổ chức cảnh báo kịp thời. Bộ cũng yêu cầu giám đốc các sở GD-ĐT và các trường đại học, cao đẳng thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện cũng như có biện pháp xử lý nghiêm đối với các đơn vị không thực hiện nghiêm công tác phòng chống tai nạn đuối nước đối với HS-SV.

Song để giảm bớt những vụ tai nạn nước đuối nước ở trẻ em, đòi hỏi cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa mỗi gia đình với nhà trường, chính quyền địa phương và các tổ chức xã hội, đoàn thể nhằm xây dựng một môi trường sống an toàn. Đồng thời cần trang bị cho các em những kiến thức, hiểu biết về những mối nguy hiểm khi vui chơi tại các khu vực ao hồ, sông suối cũng như trang bị các kỹ năng về bơi lội an toàn. Đặc biệt, các phụ huynh phải nâng cao trách nhiệm quản lý, không để con em mình tự do tắm ao hồ, kênh rạch, sông suối... mà không có sự trông nom của người lớn.

Tin cùng chuyên mục