Lo ngại “dội” nguồn cung hoa, rau quả mùa tết

Nguồn cung rau củ quả và hoa tươi phục vụ nhu cầu Tết 2019 khá dồi dào. Đây là ghi nhận của đoàn công tác Sở Công thương TPHCM khi đi khảo sát, kiểm tra nguồn hàng tại các nhà vườn, doanh nghiệp (DN) sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng. 
Hoa tết sẽ đa dạng, phong phú. Ảnh: CAO THĂNG
Hoa tết sẽ đa dạng, phong phú. Ảnh: CAO THĂNG

Nguồn cung nhiều, giá ổn định

Không khí canh tác tại các nhà vườn vùng chuyên canh hoa Đà Lạt như: Thái Phiên, Vạn Thành, Xuân Thành, Hà Đông, Đa Thiện… trong những ngày này hết sức khẩn trương, sôi động. Hàng loạt vườn hoa được thiết kế đẹp mắt, với đủ loài như cúc, hồng, cẩm chướng, cát tường, layơn, lily, đồng tiền, hồng môn, salem, các loại hoa lan… đang đua nhau đâm chồi trổ nụ.

Theo Sở Công thương tỉnh Lâm Đồng, hiện các nhà vườn ở Đà Lạt và vùng trồng hoa lân cận như Đức Trọng, Lạc Dương, Đơn Dương đang xuống giống hơn 2.000ha vụ tết. Trong đó, vùng hoa Đà Lạt trồng diện tích lớn với các loài hoa được thị trường ưa chuộng như hoa cúc (1.100ha), cẩm chướng (200ha), hồng (600ha), đồng tiền (90ha). Tết Nguyên đán tới, lượng hoa đưa ra thị trường sẽ nhiều và ổn định giá nhờ thời tiết thuận lợi, trong đó dự báo hoa lily và hoa layơn sẽ được người dân mua nhiều. “Nhìn chung sản lượng hoa Đà Lạt trồng năm nay tăng không đáng kể so với năm trước, nhưng có mở rộng một số giống mới và thời tiết khá thuận lợi nên sẽ đáp ứng nhu cầu của người dân trong dịp tết sắp tới, với giá cả tương đối ổn định”, Chủ tịch Hiệp hội Hoa Đà Lạt Phan Thành Sang hồ hởi cho biết.  

Tương tự, lượng rau củ quả tại tỉnh Lâm Đồng chuẩn bị cho thị trường tết cũng khá dồi dào với đa phần là chất lượng cao, sạch. Tổng diện tích canh tác rau Lâm Đồng hiện có khoảng 19.479ha. Trong đó, sản xuất rau, quả ứng dụng công nghệ cao đạt hơn 17.000ha, chiếm trên 87%.

Linh hoạt thời gian giao hàng

Sở Công thương tỉnh Lâm Đồng cho biết, toàn tỉnh hiện có 6 DN nước ngoài và 19 DN trong nước chế biến rau với công suất khoảng trên 24.500 tấn thành phẩm. Hầu hết rau củ tại Lâm Đồng trước khi đưa về TPHCM tiêu thụ đều đã qua sơ chế (loại bỏ lá, quả già, bị sâu bệnh, kém chất lượng). Nhìn chung, nguồn cung rau củ quả và hoa từ thị trường tỉnh Lâm Đồng phục vụ tết năm nay khá dồi dào, nhà vườn rất kỳ vọng vào mùa mua sắm tết. Dù vậy, bà con vẫn còn nhớ câu chuyện buồn của thị trường tết năm 2017, nhiều hộ trồng hoa đã bị thiệt hại nặng khi nguồn cung hoa vào các chợ đầu mối bị tắc do xe không thể vào giao hàng đúng lịch hẹn dẫn đến chất lượng kém, bị tiểu thương chê, khiến hàng bị dội chợ. Đối với những nhà vườn trồng hoa giao cho các vựa hoa nhỏ không có giấy phép đăng ký kinh doanh, sau khi đến thu tiền thì tìm không ra chủ vựa…

Trước những bất cập này, nhiều nhà vườn và DN sản xuất kinh doanh tại tỉnh Lâm Đồng kiến nghị TPHCM cần xem xét “xả” thời điểm cấm lưu thông ở những tuyến đường cấm vào giờ cao điểm để hàng hóa có thể vào các chợ, vựa đầu mối đúng giờ; tăng cường kết nối, ký kết hợp đồng tiêu thụ giữa các nhà vườn, DN tại Lâm Đồng và đầu mối tiêu thụ tại khu vực TPHCM nói riêng và các địa bàn khác nói chung để hàng hóa được lưu thông thuận tiện, từ đó đảm bảo nguồn cung và ổn định giá cả.

Nguồn cung rau củ quả và hoa từ tỉnh Lâm Đồng về tiêu thụ tại thị trường TPHCM hiện chiếm đến 45%, đặc biệt trong dịp lễ, tết. Vì vậy, Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM Nguyễn Huỳnh Trang cho biết sẽ kiến nghị UBND TPHCM xem xét tạo điều kiện cho việc vận chuyển hàng hóa giờ cao điểm vào khu vực các chợ đầu mối như đối với những xe chở hàng bình ổn trên địa bàn. Tuy nhiên, bà Trang cũng lưu ý, TPHCM có lưu lượng xe lớn, phức tạp, nên việc điều chỉnh giờ tại các tuyến đường huyết mạch cũng rất khó khăn.

Do đó, bà con nhà vườn, DN cung cấp sản phẩm vào khu vực TPHCM cần tính toán thời điểm giao hàng linh hoạt, thích hợp, để tránh phải “nằm đường” chờ khiến hàng hóa bị giảm chất lượng. Trước mắt, Sở Công thương TPHCM sẽ làm việc với các chợ đầu mối trên địa bàn để chủ động đặt mua sản phẩm trước cho bà con nhà vườn yên tâm. Về lâu dài, sẽ xây dựng kết nối, ký kết hợp đồng giữa nhà vườn, DN cung cấp sản phẩm với bên tiêu thụ để đảm bảo lợi ích giữa các bên, tránh bị động giữa cung và cầu đối với thị trường rau củ quả và hoa tại tỉnh Lâm Đồng nói riêng và các tỉnh có hàng hóa vào TPHCM nói chung.

Chủ tịch Hiệp hội Hoa Đà Lạt Phan Thành Sang cho biết, có khoảng 85% - 90% hoa ở Đà Lạt được tiêu thụ trong nước; trong đó, hoa cung cấp cho thị trường TPHCM, Đông và Tây Nam bộ chiếm khoảng 70% thông qua các vựa trung gian; sản lượng còn lại là các tỉnh miền Trung và Hà Nội. Khoảng 5% hoa tại đây được xuất khẩu sang các thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản, Campuchia, Úc, EU, Đài Loan, Singapore…

Tin cùng chuyên mục