Lo không có hàng triệu tỷ đồng đầu tư cho đặc khu là hơi sớm ​ ​

Trao đổi với báo chí xung quanh dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc (dưới đây gọi tắt là Luật Đặc khu), ông Trần Quốc Phương, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp Kinh tế quốc dân, người phát ngôn Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định, chưa có một đồng vốn nào trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020 được bố trí cho các đặc khu kinh tế dự kiến được thành lập.

PV: Thưa ông, nhiều người băn khoăn về khoản đầu tư công quá lớn cần có để đầu tư vào các đặc khu sẽ được thành lập (nếu Quốc hội thông qua Luật Đặc khu và cho phép triển khai)…

Lo không có hàng triệu tỷ đồng đầu tư cho đặc khu là hơi sớm ​ ​ ảnh 1 Ông Trần Quốc Phương
• ÔNG TRẦN QUỐC PHƯƠNG: Đây không phải chuyên môn của tôi, nhưng theo tôi hiểu thì lực hấp dẫn chính để các nhà đầu tư đầu tư vào đặc khu là hành lang pháp lý chứ không phải là khoản đầu tư công sẽ được rót vào đây. Ở thời điểm này, nếu nói là 100% không có đầu tư công thì quá sớm, nhưng nói hoàn toàn dùng vốn đầu tư công thì tôi nói ngay là không phải. Để kêu gọi được các nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư chiến lược, vào các đặc khu này, thì tất nhiên cơ sở hạ tầng của đặc khu phải tốt. Đường sá để tiếp cận đặc khu thì dùng vốn đầu tư công là đúng rồi; hoặc là hợp tác công tư. Nhưng mà đường trong đặc khu thì chưa chắc, có thể nhà đầu tư họ làm. Các thiết chế hạ tầng trong đặc khu đó cũng có thể là các nhà đầu tư làm, phục vụ cho cộng đồng các nhà đầu tư trong khu; cả điện, nước và dịch vụ khác phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống trong đặc khu này, tư nhân đầu tư hết và họ bán dịch vụ.

Phải nói thêm rằng, ở các đặc khu hoàn toàn không dùng vốn đầu tư công thì đến nay cũng chưa nói được. Ví dụ khi đặc khu phát triển, có dân cư, cần bệnh viện, số lượng dân ở quy mô lớn mà tư nhân không làm thì vẫn có thể ngân sách phải đầu tư xây dựng bệnh viện.

• Bộ Tài chính ước là cần có 1,5 triệu tỷ đồng để đầu tư cho 3 đặc khu, tất nhiên là có vốn xã hội, nhưng vẫn phải có “vốn mồi”?

• Có một điều khẳng định là kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020 chưa có một đồng vốn nào dành cho đặc khu.

• Thế nếu Luật được Quốc hội thông qua thì tiền đâu để triển khai, thưa ông?

• Chưa thể bàn đến chuyện giao vốn được, vì muốn giao vốn thì phải có đối tượng để bố trí vốn đầu tư công. Trong 3 đặc khu này sẽ có công trình, dự án nào thuộc loại sẽ dùng vốn đầu tư công hay không, đến nay chúng ta còn chưa biết. Chưa có công trình, mục tiêu, nhiệm vụ gì cả thì sao nói đến dùng vốn đầu tư công được! Cần phân biệt rõ thế này: có vốn đầu tư để làm công trình gì đó, ví dụ cho huyện đảo Phú Quốc, thì vẫn có, nhưng không liên quan gì đến đầu tư cho “đặc khu Phú Quốc”, mà chỉ nằm trong kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của địa phương thôi, sau này nếu làm đặc khu, thay đổi cấp quản lý thì khác.

• Ông có thể nói gì về kế hoạch vốn cụ thể cho 3 khu vực sẽ làm đặc khu?

• Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ quản lý kế hoạch đầu tư công cho cấp tỉnh thôi, ví dụ trường hợp Phú Quốc là tỉnh Kiên Giang… Nhưng tôi có thể nói là kế hoạch đó vẫn thực hiện bình thường, tức là chưa tính gì đến đặc khu cả.

* Vậy là chưa có tiền để đầu tư công từ nay đến năm 2020 ở các đặc khu?

• Nếu Quốc hội cho chủ trương thực hiện nhiệm vụ gì đó cần đầu tư công thì có thể lấy ở trong khoản vốn dự phòng ngân sách.

• Nếu cần nhiều hơn khoản đó thì sao?

• Thì chưa có.

Xin cảm ông!

Tin cùng chuyên mục