Lỗ hổng YouTube Kids

Thử thách Momo đã bị tháo gỡ khỏi YouTube Kids nhưng những ngày qua, câu chuyện về Momo, về những clip hướng dẫn trẻ nhỏ làm hại đến bản thân mình vẫn là đề tài mà dư luận, đặc biệt là các bậc phụ huynh quan tâm.

Thời điểm YouTube hứng nhiều chỉ trích về clip độc hại, nhiều bậc cha mẹ mừng ra mặt khi Google cho ra đời ứng dụng YouTube Kids - một ứng dụng được quảng cáo là tự động lọc và loại bỏ các video có nội dung người lớn hoặc nhạy cảm, chỉ cho phép xem những video phù hợp cho trẻ em trên YouTube, hỗ trợ phụ huynh một số tính năng như quản lý giờ xem của trẻ. 

Không thể phủ nhận nội dung phong phú và đa dạng của YouTube Kids, nhưng ứng dụng này vẫn tồn tại những lỗ hổng về chức năng lọc video khiến hy vọng của phụ huynh trong việc bảo vệ con trẻ khỏi bạo lực và những điều nhảm nhí gần như sụp đổ.

Không phải đến bây giờ nhân vật kinh dị và xấu xí Momo mới xuất hiện, nhiều phụ huynh đã từng thấy Momo, thậm chí có người còn sử dụng hình ảnh của nhân vật này để ép con ăn ngoan, ngủ sớm… Chỉ đến khi có người lên tiếng về những thử thách nguy hại của Momo thì dư luận trong và ngoài nước mới cuống cuồng, dù rằng thử thách Momo thực ra chỉ là một trò lừa xuất phát từ ứng dụng WhatsApp. Cũng từ “cơn sốt” Momo, nhiều phụ huynh đã chỉ ra những nội dung tiêu cực, như dạy trẻ cách rạch tay, rạch mặt được cài vào các video clip dành cho trẻ em như một cách ngẫu nhiên. Những nội dung này chỉ vài ba giây nhưng lại tạo tính tò mò rất lớn đối với trẻ. Trước đó, những clip thử thách Cá voi xanh đã làm “xanh mặt” nhiều phụ huynh; rồi hàng loạt video khiêu dâm trá hình núp sau các nhân vật hoạt hình người nhện và công chúa Elsa; những clip nhái chú heo Peppa Pig với những cú rạch mặt, rạch đầu… là ví dụ nhan nhản trên YouTube và YouTube Kids.

Nếu phân tích kỹ, YouTube Kids ra đời gần 4 năm nay và chính thức có mặt ở Việt Nam gần 1 năm. Với hàng chục triệu tài khoản theo dõi, mỗi clip có hàng ngàn, thậm chí là hàng triệu lượt xem nhưng không mấy ai để ý và thấy được những lỗ hổng của YouTube Kids. 

Đã đến lúc các bậc phụ huynh cần tự bảo vệ con mình khỏi những tác động tiêu cực từ mạng xã hội và thế giới xung quanh. Nên kiểm duyệt bằng cách cùng xem với con để chắc rằng nội dung của clip ấy là phù hợp. Hạn chế con sử dụng mạng xã hội thay bằng những trò chơi khác, bổ ích cũng là vấn đề đặt ra không chỉ với bậc phụ huynh mà còn với những tổ chức đoàn thể có trách nhiệm với trẻ.

Tin cùng chuyên mục