Lỗ hổng kiểm dịch

Thời gian qua, công tác quản lý an toàn thực phẩm (ATTP) trên địa bàn TPHCM đã có chuyển biến tích cực. Tuy vậy, thực phẩm “bẩn”, không nguồn gốc vẫn lọt vào bếp ăn qua nhiều con đường khác nhau. Nguyên nhân là việc quản lý, kiểm soát ATTP của cơ quan chức năng vẫn còn lúng túng, chồng chéo trách nhiệm.

Điển hình mới đây, thông tin “Hơn 600kg thịt nhiễm virus dịch tả heo châu Phi được Ban quản lý ATTP TPHCM cấp phiếu kiểm dịch” được đăng tải trên các phương tiên thông tin đại chúng, khiến người tiêu dùng không khỏi hoang mang! Người đứng đầu Ban quản lý ATTP TPHCM thừa nhận có cấp giấy chứng nhận kiểm dịch lô sản phẩm thịt heo này cho chủ hàng tại Long An.

Trước đó, Sở NN-PTNT tỉnh Long An xét nghiệm lô thịt 1.134kg tại một hộ kinh doanh trên địa bàn, phát hiện lô thịt này bị nhiễm virus dịch tả heo châu Phi. Điều đáng nói, trong số này có 600kg thịt nói trên được chủ hàng khai lấy từ chợ Bình Điền (TPHCM), kèm theo giấy kiểm dịch cho sản phẩm động vật chuyển ra khỏi địa bàn cấp tỉnh được Đội quản lý ATTP chợ đầu mối nông sản thực phẩm Bình Điền (Đội 10) cấp.

Mặc dù Ban quản lý ATTP TPHCM khẳng định, việc cấp giấy chứng nhận kiểm dịch là đúng quy trình nhưng thịt “bệnh” vẫn được đưa ra thị trường, khiến người tiêu dùng không khỏi lo lắng. Nhiều người đặt câu hỏi việc kiểm dịch động vật theo kiểu “được chăng hay chớ” như vậy liệu có đúng quy trình và đảm bảo chất lượng? Trách nhiệm thuộc về Chi cục Chăn nuôi Thú y và Thủy sản tỉnh Long An hay Ban quản lý ATTP TPHCM?...

Tuy rằng, hướng dẫn của Bộ NN-PTNT về xử lý các ổ dịch tả heo châu Phi được ban hành vào cuối tháng 3-2019, yêu cầu tổ chức kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển heo và sản phẩm heo qua địa phương phải bố trí đầy đủ lực lượng thú y, quản lý thị trường, công an và các lực lượng liên quan để tổ chức kiểm soát chặt chẽ 24/24 giờ; heo vận chuyển ra ngoài phải có giấy tờ chứng minh nguồn gốc, xác nhận kiểm dịch của thú y địa phương... nhưng qua vụ việc trên cho thấy, công tác kiểm dịch còn nhiều lỗ hổng.

Được sử dụng thực phẩm sạch, an toàn là yêu cầu chính đáng của người dân và điều đó phải trở thành hiện thực trong tương lai gần. Để đáp ứng điều này, tình trạng “thả nổi” trong quản lý, kiểm soát thực phẩm cần được chấn chỉnh, phải xử lý ngay và nghiêm những đơn vị, cá nhân thiếu trách nhiệm. Con đường từ “dạ dày đến nghĩa địa” ngắn hay dài phần nào phụ thuộc vào năng lực và trách nhiệm của các cơ quan quản lý an toàn thực phẩm.

Tin cùng chuyên mục