Liên kết trồng mía

Việc liên kết trồng mía ở một số địa phương thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã và đang mang lại những tín hiệu rất đáng mừng cho bà con nông dân.
Tại tỉnh Hậu Giang xuất hiện nhiều nông dân vươn lên khá giả từ cây mía
Tại tỉnh Hậu Giang xuất hiện nhiều nông dân vươn lên khá giả từ cây mía
Lâu nay, nhiều hộ trồng mía ở ĐBSCL thường gặp khó khăn về đời sống do năng suất thấp và bị rớt giá khi tới vụ thu hoạch. Tuy nhiên, tại tỉnh Hậu Giang xuất hiện nhiều nông dân vươn lên khá giả từ cây mía, bởi sự đột phá của mô hình liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp. 
Ông Võ Hoàng Anh, ngụ xã Hiệp Hưng, huyện Phụng Hiệp (Hậu Giang) cho biết: “Vụ mía 2016-2017, tôi canh tác 1ha, nhờ chăm sóc tốt nên năng suất đạt hơn 140 tấn/ha; đặc biệt là trữ đường trong mía đạt tới 12, vì vậy được nhà máy đường thu mua giá 1.300 đồng/kg. Trừ hết các khoản chi phí còn lời khoảng 75 triệu đồng”. Ông Nguyễn Đình Tương, ngụ ấp Quyết Thắng, xã Hiệp Hưng nhận định: “Gia đình tôi sản xuất 7 công mía, nếu giá từ 1.000 đồng/kg trở lên là có mức lợi nhuận 50 triệu đồng”.
Theo UBND xã Hiệp Hưng, nhiều năm nay mía được xem là cây trồng chủ lực của địa phương. Từ năm 2002 về trước, nông dân Hiệp Hưng trồng mía đạt năng suất thấp, nguyên nhân do trồng mật độ dày, giống kém chất lượng, cây nhỏ, trữ đường thấp, nhiều sâu bệnh…
Năm 2006, Công ty CP Mía đường Cần Thơ (Casuco) thí điểm thành lập Câu lạc bộ trồng mía đạt năng suất 200 tấn mía/ha/năm (gọi tắt là CLB 200 tấn mía). Các kỹ sư của Casuco và ngành nông nghiệp Hậu Giang xuống tận ruộng hướng dẫn nông dân Hiệp Hưng thay đổi tập quán canh tác, từ bỏ giống cũ, chuyển sang trồng giống mới năng suất cao; bón phân cân đối; đồng thời tổ chức nhiều hội thảo truyền đạt kiến thức trồng mía theo mô hình mới hiệu quả, chữ đường cao, cho các thành viên của CLB. Ngay vụ thử nghiệm đầu tiên, nhiều hộ trong CLB đạt năng suất đến 170 tấn/ha, cá biệt có hộ đạt tới 200 tấn/ha.
Ông Nguyễn Hoàng Ngoan, Phó Tổng giám đốc Casuco cho biết: “Khi tư duy sản xuất của nông dân được thay đổi, cộng với sự hỗ trợ tiến bộ khoa học thì hiệu quả nâng lên. Từ thành công của xã Hiệp Hưng, Casuco nhanh chóng mở rộng mô hình CLB 200 tấn mía sang nhiều địa phương khác…”. 
CLB 200 tấn mía đã làm thay đổi nhận thức của nông dân, kích thích họ cùng nhau học hỏi và tranh đua sản xuất. Đây cũng là mô hình trồng mía hiện đại, kết hợp sự liên kết; ở đó Casuco vừa hỗ trợ nông dân về kỹ thuật, giống mới, vừa cung cấp phân bón, đưa nông dân đi tham quan học hỏi kinh nghiệm nhiều nơi; đồng thời bao tiêu toàn bộ sản phẩm khi tới vụ thu hoạch. 
Ông Kiều Công Khanh, ngụ phường Hiệp Thành, thị xã Ngã Bảy (Hậu Giang) tâm sự: “Khi tham gia vào CLB 200 tấn mía, tôi được hỗ trợ nhiều mặt, nắm vững hơn về kỹ thuật sản xuất, nhất là đột phá trong khâu giống tốt để tăng năng suất, chất lượng cây mía. Bên cạnh đó, tôi còn được hỗ trợ chiếc máy xới cải tiến giúp việc trồng mía thuận lợi và nhanh hơn. Theo tính toán của Casuco, năng suất mía bình quân ở tỉnh Hậu Giang và ĐBSCL đạt khoảng 90 - 110 tấn/ha; riêng các thành viên trong CLB 200 tấn mía đạt tới 200 tấn/ha, về lợi nhuận đạt bình quân 80 triệu đồng/ha…
Từ hiệu quả trên, số thành viên CLB 200 tấn mía không ngừng phát triển và nay lên tới 178 thành viên; trong đó hơn 30 thành viên đã xây được nhà khang trang; 25 thành viên đầu tư mua đất mở rộng quy mô sản xuất; hầu hết các thành viên đều có cuộc sống khấm khá hơn trước. Theo ông Nguyễn Hoàng Ngoan, Phó Tổng giám đốc Casuco, CLB 200 tấn mía được xem là điển hình trong liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp, nhằm giúp nông dân trồng mía giỏi, năng suất cao, chất lượng tốt. Đây cũng là điểm sáng của ngành mía đường tỉnh Hậu Giang và vùng ĐBSCL… 

Tin cùng chuyên mục