Liên kết để phát triển bền vững ĐBSCL

Trong 2 ngày 26 và 27-9, tại Cần Thơ dự kiến sẽ diễn ra Hội nghị chuyển đổi mô hình phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH). 
Hội nghị do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì. Đây được xem là “Hội nghị Diên Hồng” cho khu vực này, nhằm huy động sự hỗ trợ của Chính phủ, các bộ, ngành trung ương, các tổ chức quốc tế... nhằm xác định các nhóm giải pháp chiến lược về phát triển bền vững ĐBSCL với tầm nhìn đến năm 2100. Phóng viên Báo Sài Gòn Giải Phóng đã có cuộc trao đổi với PGS-TS Nguyễn Văn Sánh (ảnh), Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL, xung quanh vấn đề này. Phóng viên Báo Sài Gòn Giải Phóng đã có cuộc trao đổi với PGS-TS Nguyễn Văn Sánh (ảnh), Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL, xung quanh vấn đề này.
Liên kết để phát triển bền vững ĐBSCL ảnh 1
 * Phóng viên: Thưa PGS-TS Nguyễn Văn Sánh, theo nhận định của nhiều chuyên gia, ĐBSCL hiện đang đứng trước nhiều thách thức trong quá trình phát triển. Theo PGS-TS, những thách thức cơ bản hiện nay của phát triển kinh tế nông nghiệp và nông dân ĐBSCL là gì?

*PGS-TS Nguyễn Văn Sánh: ĐBSCL là vùng đất giàu tiềm năng phát triển kinh tế, nơi trú ngụ của khoảng 18 triệu người dân Việt Nam. Vùng đóng góp khoảng 18% GDP toàn quốc, với 90% tổng lượng gạo xuất khẩu, gần 60% kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam và 70% sản lượng trái cây cả nước. Tuy nhiên, như chúng ta đã biết, dưới các tác động của quá trình phát triển nội tại, của BĐKH và các hoạt động của khu vực thượng nguồn, những ưu thế về tự nhiên cho phát triển và đảm bảo cho sinh kế của người dân trước đây và hiện nay của ĐBSCL đã và sẽ thay đổi, làm thay đổi căn bản mô hình sản xuất, tập quán sinh hoạt của người dân trong vùng. Hiện nay, vùng ĐBSCL đang phải đối mặt với những thách thức mang tính sống còn do mô hình phát triển trước đây không còn phù hợp. Về nông nghiệp, các kết quả nghiên cứu gần đây cho thấy sự phát triển của vùng ĐBSCL kém bền vững do nhiều nguyên nhân trong đó thấy rõ nhất là tập quán sản xuất nhỏ lẻ, kỹ thuật thấp, thiếu đầu tư căn cơ và dài hơi. Hàng hóa sản xuất kém chất lượng và chưa bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm; giá thành sản xuất cao và không ổn định dẫn đến khó cạnh tranh trên thị trường. 
Sản xuất nông nghiệp kém bền vững còn thể hiện xuất khẩu tăng, nhưng thu nhập nông dân vẫn thấp và môi trường bị ô nhiễm, dịch bệnh, thiên tai thường xuyên xảy ra. Muốn cạnh tranh, phát triển thị trường cho tốt thì mình phải thực thi nguyên tắc 4 đúng: Đầu tiên là chất lượng phải đồng nhất; thứ 2 là lượng phải đủ; thứ 3 là thời điểm đúng, thị trường cần để có giá; và thứ 4 là giá thành phải cạnh tranh. Vừa qua tôi thấy nhiều nông dân sản xuất nhỏ lẻ, chuỗi giá trị sản phẩm tăng lên nhưng rất rời rạc.

Về nông dân, hiện có 4 cái nhất: Nghèo nhất; điều kiện giáo dục, y tế thấp nhất; hưởng phúc lợi xã hội thấp nhất và tổn thương nhiều nhất. Để vượt qua những thách thức này, Nhà nước cần có những chính sách đúng đắn, lâu dài và ổn định, làm sao cho người nông dân thuận tiện nhất trong việc tiếp cận chính sách đất đai, nguồn vốn, kỹ thuật. Các cơ quan quản lý ứng xử với nông dân nên theo tư duy phục vụ, cùng có lợi. Các doanh nghiệp hãy hợp tác sòng phẳng với nông dân thay vì muốn giành lợi nhuận cho riêng mình; các nhà khoa học cũng cần có những sáng kiến thiết thực nhất giúp nông dân tăng năng suất, chất lượng sản phẩm. Bên cạnh đó, người nông dân cũng cần từ bỏ lối làm ăn cá thể manh mún, tự trang bị kiến thức, chỉ sản xuất ra những thứ thị trường cần, không tách mình khỏi chuỗi giá trị gia tăng của sản phẩm, làm ăn bài bản, theo luật pháp.

° Chuyển đổi mô hình phát triển bền vững là mục tiêu của Hội nghị Chính phủ lần này. Theo PGS-TS, mô hình nào phù hợp và thích ứng với ĐBSCL hiện nay?

° Theo tôi, mô hình phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với BĐKH cần tiếp cận theo lợi thế về tiểu vùng sinh thái ĐBSCL như: tiểu vùng Đồng Tháp Mười; tứ giác Long Xuyên; vùng ven biển Đông; bán đảo Cà Mau và vùng giữa sông Tiền và sông Hậu. Mỗi tiểu vùng có lợi thế tự nhiên; sản phẩm chủ lực và sản phẩm bản địa; tập quán văn hóa khác nhau để vừa khai thác lợi thế, tiềm năng và thích ứng với BĐKH hiệu quả.

Ví dụ, một trong những mô hình “tiên phong” hiện nay là đề án liên kết “tiểu vùng Đồng Tháp Mười”. Trên cơ sở có nhiều điểm tương đồng về sản xuất nông nghiệp, điều kiện tự nhiên... giữa 3 tỉnh Đồng Tháp, Long An và Tiền Giang, 3 tỉnh này đã triển khai liên kết nhằm xây dựng và phát triển tiểu vùng Đồng Tháp Mười trở thành vùng trọng điểm quốc gia về sản xuất nông nghiệp; đồng thời thống nhất về quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, quản lý tài nguyên bền vững trong bối cảnh ứng phó BĐKH và hội nhập. Đề án liên kết “tiểu vùng Đồng Tháp Mười” được triển khai cuối năm 2016 và đang được đánh giá là một trong những mô hình liên kết phát huy hiệu quả rất tốt. 
Cách làm này đã được lãnh đạo 3 tỉnh Đồng Tháp, Long An và Tiền Giang đồng thuận về cách nhìn không gian; giá trị cốt lõi của tiểu vùng và thế mạnh từng địa phương để liên kết lập kế hoạch phát triển vùng Đồng Tháp Mười bền vững hơn thay vì từng tỉnh lập kế hoạch (đã xuất hiện những bất cập về phát triển không bền vững trong ứng phó BĐKH và hội nhập kinh tế. Qua cách nhìn và đồng thuận của 3 địa phương, Trường Đại học Cần Thơ đã hỗ trợ tiểu vùng lập đề án phát triển bền vững với 5 chương trình liên kết cụ thể. 

Ngoài tiếp cận tiểu vùng, theo tôi, các phương án, giải pháp phát triển ĐBSCL trong thời gian tới phải khả thi, dễ vận dụng, có tính chất kết nối toàn vùng và liên vùng, tránh riêng rẽ, bị động; có biện pháp, giải pháp trước mắt và lâu dài nhằm bảo đảm cuộc sống của người dân vùng ĐBSCL ổn định, phát triển.  
 
° Liên kết vùng được xem là giải pháp căn cơ cho ĐBSCL. Thời gian vừa qua, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý ở ĐBSCL đã có nhiều tâm huyết và sức lực hoàn thành chương trình này. Tuy nhiên, việc triển khai liên kết vùng trong thực tế chưa như mong muốn. Theo PGS-TS, cần phải làm gì để liên kết vùng trở thành hiện thực?

 ° Liên kết vùng và tham gia của “4 nhà” (nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và nhà nông) vẫn là giải pháp then chốt nhất để phát triển ĐBSCL một cách bền vững. Đây cũng là hướng đi mang tính “chiến lược kép” của Nhà nước ta vì liên kết và đầu tư hiệu quả vào vùng ĐBSCL vừa bảo đảm an ninh lương thực và đẩy mạnh xuất khẩu nông, thủy sản hàng hóa, tạo việc làm, tăng thu nhập, giảm nghèo tiến tới làm giàu cho nông dân, tạo thế và lực để đủ sức cạnh tranh hàng hóa nông nghiệp và thủy sản khi hội nhập sâu. Liên kết vùng và tham gia “4 nhà” là cách để tháo gỡ các yếu kém và bất cập về phát triển ĐBSCL thời gian qua. Liên kết tốt sẽ thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học thành công và chuyển giao công nghệ tiên tiến hiệu quả hơn, tạo tiền đề cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn ĐBSCL. Xa hơn nữa đó cũng là cách để chung tay tham gia ứng phó với BĐKH đang tác động đến ĐBSCL.

Nhằm khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của vùng ĐBSCL và của từng địa phương để huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững; trọng tâm là phát triển nông nghiệp, sản xuất lúa gạo, trái cây và thủy sản với quy mô lớn theo chuỗi giá trị. Cách nay gần 10 năm, các nhà khoa học, viện, trường và Ban chỉ đạo Tây Nam bộ đề xuất ý tưởng: Xây dựng đề án liên kết vùng phát triển sản xuất bền vững cho 3 mặt hàng này. Sau đó, đến tháng 4-2016, Chính phủ đã Ban hành Quy chế thí điểm liên kết phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBSCL giai đoạn 2016 - 2020 (Quyết định 593/QĐ-TTg). Quy chế đang được triển khai trong thực tế nhưng còn chậm. Rào cản lớn nhất khiến việc liên kết vùng ở ĐBSCL thời gian qua chưa đi vào thực tế là do các tỉnh, thành trong vùng vẫn có tư duy quá chú trọng vào lợi ích riêng của địa phương. Yêu cầu bức thiết của sự liên kết phải xuất phát từ lợi ích chung của các bên tham gia, chính vì vậy, vấn đề lợi ích của từng địa phương cần được phân chia hợp lý thì mới tạo được sự liên kết bền vững. Rõ ràng chỉ có mô hình liên kết vùng mới tạo điều kiện giúp nông dân phát triển mạnh các sản phẩm chủ lực của vùng như: lúa gạo, trái cây và thủy sản, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường đồng thời cũng giúp người dân tăng thu nhập góp phần cùng cả nước xây dựng nông thôn mới, thích ứng được với những thách thức của BĐKH đã và đang diễn ra ngày càng khốc liệt.

° Xin cảm ơn PGS-TS về cuộc trao đổi này! 
Theo kịch bản BĐKH của Bộ TN-MT, nếu nước biển dâng 1m, có tới 38,29% diện tích đất tự nhiên và 32,16% diện tích đất nông nghiệp ĐBSCL bị ngập. Kết quả ước tính thiệt hại tiềm ẩn do mất đất sản xuất nông nghiệp tại vùng ĐBSCL cho thấy, đến năm 2100 nếu nước biển dâng 1m, vựa lúa ĐBSCL có nguy cơ mất đi 7,6 triệu tấn lúa/năm, tương đương với 40,52% tổng sản lượng lúa của cả vùng. Mặt khác, theo báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống BĐKH ở ĐBSCL năm 2014 của Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, đến năm 2030, nếu không có giải pháp ứng phó quyết liệt, khoảng 45% diện tích của ĐBSCL sẽ bị nhiễm mặn cục bộ, gây thiệt hại khoảng 17 tỷ USD trong nông nghiệp do lũ lụt và ngập úng.

Tin cùng chuyên mục