Liên hoan Tuyên truyền cổ động Ngày Thương binh liệt sĩ

Tối 3-7, tại Thành cổ Quảng Trị, tỉnh Quảng Trị, đã khai mạc Liên hoan Tuyên truyền lưu động kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh liệt sỹ (27/7/1947-27/7/2017) với chủ đề “Uống nước nhớ nguồn”.
 Tiết mục múa Mãi gọi tên anh của đoàn Đà Nẵng
Tiết mục múa Mãi gọi tên anh của đoàn Đà Nẵng

Dự lễ khai mạc có bà Trịnh Thị Thuỷ, Thứ trưởng Bộ Văn hoá Thể thao & Du lịch; ông Mai Thức, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Trị; đại diện các sở VTTT&DL và các đoàn tuyên truyền cổ động của 35 tỉnh, thành phố.

Các đoàn tham gia liên hoan lần này gồm Bà Rịa- Vũng Tàu, Bắc Cạn, Bình Dương, Bình Thuận, Bình Phước, Bình Định, Cần Thơ, Đà Nẵng, Điện Biên, Gia Lai, TPHCM, Hà Nam, Hà Tĩnh, Hải Dương, Hải Phòng, Hậu Giang, Hòa Bình, Hưng Yên, Kiên Giang, Nghệ An, Ninh Bình, Ninh Thuận, Phú Thọ, Quảng Bình, Quảng Ngãi, Quảng Ninh, Quảng Trị, Sơn La, Tây Ninh, Thái Bình, Thái Nguyên, Thanh Hóa, Thừa Thiên-Huế, Tuyên Quang và Yên Bái.

Liên hoan Tuyên truyền cổ động Ngày Thương binh liệt sĩ ảnh 1 Tiết mục 11 cô gái sông Hương của đoàn TT Huế
Phát biểu tại lễ khai mạc, ông Nguyễn Công Trung - Phó Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở, Bộ VHTT&DL nêu rõ, Liên hoan Tuyên truyền lưu động và triển lãm tranh cổ động kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh liệt sĩ là hoạt động văn hoá lớn, địa bàn rộng đi qua các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Quảng Ngãi và Bình Định. Đợt tuyên truyền nhằm mục đích giáo dục chính trị tư tưởng, lịch sử, truyền thống, lòng tự hào, tự tôn dân tộc và đạo lý uống nước nhớ nguồn của đảng viên và các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ…

Liên hoan diễn ra từ ngày 1 đến 5-7-2017 tại 5 điểm đầu cầu

Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Ngãi, Bình Định và Quảng Trị với nhiều hoạt động phong phú, như: Diễu hành các xe cổ động và biểu diễn văn nghệ phục vụ nhân dân địa phương. Đồng thời trưng bày triển lãm các tác phẩm xuất sắc của của 230 hoạ sĩ chuyên nghiệp và không chuyên toàn quốc tham gia Cuộc thi sáng tác tranh cổ động tuyên truyền kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh liệt sĩ do Cục Văn hoá cơ sở tổ chức. Các tác phẩm được in pano cỡ lớn trên 1.000 m² được triển lãm tại Quảng trường Hồ Chí Minh, Quảng trường Đô Lương (Nghệ An) và Thành cổ Quảng Trị.

Trước đó, 35 đoàn có cuộc hành trình về Quảng Trị với những chặng dừng chân và nhiều hoạt động ý nghĩa. Cụ thể, các đoàn phía Nam và Tây Nguyên đã “hội quân” tại tỉnh Bình Định, tổ chức dâng hoa, viếng hương Nghĩa trang liệt sĩ TP. Quy Nhơn và biểu diễn phục vụ nhân dân. Sau đó di chuyển ra Quảng Ngãi dâng hương liệt sĩ, bác sĩ Đặng Thùy Trâm trước khi ra Quảng Trị.

Tương tự, các đoàn phía Bắc cũng đã “hội quân” tại Nghệ An. Tại đây, các đoàn đã tổ chức diễu hành, biểu dương lực lượng xung quanh TP. Vinh; dâng hoa tại Quảng trường Hồ Chí Minh, báo công với Bác; biểu diễn phục vụ công chúng tại quảng trường và Tượng đài khởi nghĩa Đô Lương.

Sau đó các đoàn tiến về Quảng Bình và tập kết tại Quảng Trị, cùng với các đội tuyên truyền lưu động tại các điểm đầu cầu Quảng Ngãi, Nghệ An, Hà Tĩnh tiến về thành cổ Quảng Trị tổ chức dâng hương tại Nghĩa trang quốc gia Trường Sơn, lưu diễn phục vụ nhân dân trên địa bàn tỉnh Quảng Trị…

Trong đêm khai mạc, người dân khu vực thành cổ Quảng Trị đã được thưởng thức 19 tiết mục văn nghệ của 19 đoàn. Nhiều tiết mục để lại ấn tượng sâu sắc và xúc động như Giữ mãi màu cờ của đoàn TPHCM; Hát dưới cây đào Tô Hiệu của đoàn Sơn La; 11 cô gái sông Hương của đoàn TT Huế; Mãi gọi tên anh của đoàn Đà Nẵng; Thạch Hãn máu và hoa của đoàn Quảng Trị; Sự nghiệp Hồ Chí Minh của đoàn Cao Bằng; Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh của đoàn Bình Phước…

Tin cùng chuyên mục