Lên sóng tìm... người yêu

Đã qua rồi cái thời, xem truyền hình chỉ có âm nhạc, hài, thi thố tài năng… Những chủ đề tưởng chừng là chuyện riêng tư như tán tỉnh, hẹn hò nay cũng được công khai trên truyền hình. 
Lên sóng tìm... người yêu ảnh 1 Thêm một chương trình truyền hình về hẹn hò mới lên sóng
Đánh trúng tâm lý khán giả
Cách đây 8 năm (năm 2009), chương trình truyền hình thực tế đầu tiên về hẹn hò cho các cặp đôi lên sóng có tên Love Bus - Hành trình kết nối trái tim. Trải qua 7 mùa phát sóng (dừng lại vào năm 2016 để chuyển đổi mô hình mới), Love Bus đã thu hút 202 thành viên với đầy ắp những câu chuyện tình yêu thú vị. Sau Love Bus, một phiên bản mang tính kế thừa là Love house - Ngôi nhà chung đã ra đời. Các bạn trẻ tham gia chương trình cùng sống chung trong một ngôi nhà, cùng sinh hoạt và tìm hiểu đối tượng… Chương trình này chuẩn bị bước sang mùa thứ 4.   
Đầu tháng 10 vừa qua, thêm một chương trình mới với tên gọi Lucky Me - Yêu là chọn lên sóng. So với các chương trình truyền hình cùng chủ đề, Yêu là chọn đặc biệt hơn là, trước khi đồng ý tham gia, người chơi được tìm hiểu các thông tin của nhân vật chính rồi mới quyết định tham gia hay không. Thêm một chương trình mới nữa cũng vừa ra mắt là Vì yêu mà đến, cũng khá thu hút khán giả bởi đối tượng tham gia có 8 người nổi tiếng.  
Được chú ý nhất trong số các chương trình truyền hình về hẹn hò có lẽ là Bạn muốn hẹn hò. Chương trình đã trải qua hơn 300 tập phát sóng (bắt đầu từ năm 2013), đánh trúng tâm lý khán giả khi giúp các bạn trẻ tại Việt Nam bận rộn công việc, những người đang cô đơn có cơ hội hẹn hò, kết bạn và tìm được “một nửa” thông qua cách thể hiện khá tươi vui, trẻ trung. 
Ngày 21-10 tới đây, khán giả cũng sẽ có thêm một “món ăn” mới mang tên Yêu là cưới - là nơi để các cặp đôi cùng tâm sự, chia sẻ và giải tỏa những tâm tư, khúc mắc trong thời gian yêu và chuẩn bị kết hôn.  
Có phù hợp với văn hóa truyền thống? 
Truyền hình thực tế hay các gameshow, talkshow về hẹn hò và tình yêu từ lâu đã trở thành xu hướng phổ biến tại nhiều quốc gia trên thế giới.
Theo bà Vũ Thị Bích Liên, Giám đốc Tổ hợp truyền thông và giải trí Mega GS, khi thị trường có những dấu hiệu đi xuống, lượng khán giả xem truyền hình truyền thống sụt giảm, kinh tế ngày càng khó khăn, buộc lòng các ê kíp phải nghĩ ra những món ăn tinh thần mới, chi phí sản xuất hợp lý.
Còn bà Dương Thị Vân Anh, Giám đốc Truyền thông MCV, cho biết: “Ngay từ đầu chúng tôi đã lựa chọn các chương trình truyền hình về hẹn hò bởi nhận thấy đó là những chương trình hướng đến tính nhân văn, chạm được vào trái tim, mang lại những cảm xúc tích cực cho mọi người”.  
Một bằng chứng chứng minh sức hút của các chương trình này, đó là Bạn muốn hẹn hò luôn có lượng người xem cao. Sau gần 4 năm lên sóng chương trình đã làm mai thành công cho hơn 450 cặp đôi, trong đó 33 cặp đã thành hôn, 8 cặp cưới chéo (các cặp đôi không được làm mai trực tiếp nhưng họ biết nhau thông qua chương trình, từ đó tìm hiểu và tiến tới hôn nhân). Có một cặp đôi còn quyết định kết hôn chỉ sau 2 tuần tham gia gameshow. Love Bus cũng ghi nhận 96 lời tỏ tình, 54 cặp đôi kết nối thành công và hiện đã có 2 cặp làm đám cưới, 1 cặp làm đám hỏi.  
Tuy nhiên, cũng như nhiều chương trình truyền hình về hẹn hò khác trên thế giới, phản ứng từ khán giả là điều không thể tránh khỏi. Bà Bích Liên cho rằng, để sản xuất các chương trình này một cách chỉn chu là điều không dễ, bởi nó liên quan đến yếu tố văn hóa, đặc biệt với người Việt hẹn hò là chuyện tế nhị. Bạn muốn hẹn hò dù rất thành công nhưng cũng vấp phải những ý kiến trái chiều.
Trong một kỳ phát sóng, có một người chơi quyết định không nhấn nút hẹn hò chỉ vì “không muốn yêu xa” dù thừa nhận cũng có tình cảm với cô gái, đã nhận không ít chỉ trích từ dư luận. Trong khi đó, Vì yêu mà đến với nhân vật chính là những người đã nổi tiếng trong showbiz, nhiều khán giả e ngại, sẽ khó có sự mai mối thành công và cho rằng, đây chỉ là cuộc chơi giữa người hâm mộ và thần tượng. 
Hiện nay, một số nhà sản xuất cũng manh nha tiến vào mảnh đất mới này. Ý kiến từ các nhà sản xuất cho rằng, đó là xu hướng tất yếu được tạo nên bởi những nhu cầu có thật trong xã hội. Khán giả sẽ có thêm những lựa chọn mới, tuy nhiên việc thực hiện như thế nào, có phù hợp với văn hóa Việt hay không, là điều đáng phải suy ngẫm.

Tin cùng chuyên mục