Lễ hội truyền thống và văn minh

Báo SGGP ngày 20-2 có bài Chấn chỉnh hoạt động lễ hội phản cảm, cho biết Bộ Văn hóa - Thể Thao - Du lịch đang siết chặt thanh tra, kiểm tra, xử lý các sai phạm để đưa hoạt động lễ hội vào nề nếp. Các biện pháp đó là cần thiết.
Lễ hội truyền thống và văn minh
Trong tháng Giêng, trên cả nước có rất nhiều lễ hội được tổ chức. Với sự tích cực vào cuộc của bộ chức năng và chính quyền các địa phương, nghi thức tế lễ tại các lễ hội ở nhiều nơi đã theo định hướng nhân văn, vận động người dân từng bước loại bỏ hủ tục, tổ chức lễ hội văn minh. 
Nhưng lực cản vẫn chưa hết, có người vẫn bảo thủ, cho rằng không cướp phết, cướp lộc, không chém lợn, đâm trâu, không có cảnh chen lấn giành giật tranh cướp là không vui, sẽ làm mai một giá trị truyền thống và bản sắc văn hóa dân tộc.
Thực ra, trong bất kỳ tập tục nào, truyền thống và bản sắc văn hóa dân tộc cũng phải phù hợp với luật pháp hiện hành, đạo đức và văn minh. Quan niệm của những người không muốn xóa bỏ các tập tục đã lỗi thời, lạc hậu, muốn tổ chức lễ hội “nguyên bản”, từ xưa như thế nào thì nay cũng phải vậy, là quan niệm không thể tồn tại trong một xã hội tiến bộ. 
Văn hóa là “gạn đục khơi trong”, tức là phải có sự lựa chọn, giữ và phát huy mỹ tục, bỏ hủ tục. Từ hàng ngàn năm trước, việc dùng máu và sinh mạng con người để tế lễ thần linh đã trở thành tập tục từ các nền văn minh lớn trên thế giới, và Việt Nam không là ngoại lệ.
Với sự phát triển văn hóa, việc tế lễ dùng máu người, sinh mạng con người dần dần thay thế bằng máu động vật, sinh mạng động vật; rồi việc tế lễ bằng thịt sống được thay thế bằng thịt chín là một hình thức văn minh tiến bộ hơn.
Lễ hội là truyền thống, bản sắc của dân tộc, nhưng cách tế lễ không thể phục vụ việc mua vui cho con người bằng hình thức giết chóc mang tính bạo lực, dã man hay tranh cướp, giẫm đạp lên nhau. Giữ truyền thống nhưng cũng phải phù hợp với tiến trình văn minh của nhân loại.
Giá trị truyền thống và bản sắc văn hóa dân tộc là bất biến, nhưng những hành vi thể hiện phải vạn biến, phải phù hợp theo từng thời kỳ tiến bộ, văn minh của nhân loại.
Ngày xưa, lễ hội chùa Hương, lễ hội làng Gióng, lễ hội Hiền Quang và một số lễ hội khác phải di chuyển linh vật từ nơi này đến nơi khác, để xảy ra tình trạng tranh cướp, làm xấu đi tinh thần lễ hội, thì nay ban tổ chức để linh vật yên vị, người tham gia lễ hội chỉ cần đến nhìn phết, nhìn lộc, nhìn hoa tre, lễ hội trở nên trang nghiêm hơn, tinh thần lễ hội có ý nghĩa nhiều hơn, tại sao không?

Tin cùng chuyên mục