Lấp giếng khoan, bảo vệ nước ngầm

Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn TNHH MTV (Sawaco) và UBND quận Bình Thạnh (TPHCM) vừa ký kết chương trình phối hợp tuyên truyền giảm khai thác nước dưới đất và bắt đầu hoạt động trám lấp giếng ngầm ở quận này. Đây là bước khởi đầu Sawaco trám lấp giếng ngầm theo kế hoạch giảm khai thác nước dưới đất và trám lấp giếng ngầm trên địa bàn thành phố.
Nhân viên Sawaco trám lấp giếng khoan tại nhà bà Trần Thị Ngọc Huyên
Người dân hưởng ứng 

Đưa nước sạch đến từng hộ dân là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của  TPHCM trong những năm qua. Bằng nhiều nỗ lực, từ cuối tháng 1-2017, 100% hộ dân trên địa bàn thành phố đã được cung cấp nước sạch. Ngành cấp nước đã triển khai nhiều giải pháp như xây dựng và mở rộng mạng lưới đường ống, lắp đặt đồng hồ tổng, trạm cấp nước, bồn chứa, đường ống nhánh, lắp đặt đồng hồ đến từng hộ dân nhằm đảm bảo nguồn cung. Dù được cung cấp nước sạch, nhưng trong 1,46 triệu đồng hồ nước trên toàn địa bàn thành phố hiện nay có khoảng 124.500 đồng hồ có chỉ số tiêu thụ là 0m3. Đây là những trường hợp chỉ gắn đồng hồ mà không dùng nước máy. Nguyên nhân do người dân vẫn quen dùng nước giếng khoan.

Theo thống kê, hiện trên địa bàn TPHCM có khoảng 100.000 giếng khoan khai thác nước ngầm, với tổng lượng khai thác hơn 700.000m3/ngày. Theo kế hoạch của UBND TPHCM, từ nay đến năm 2025, giảm lưu lượng khai thác nước dưới đất trên địa bàn thành phố còn 100.000m3/ngày đêm; đồng thời thực hiện trám lấp các giếng hư hỏng, giếng không sử dụng, giếng không có giấy phép khai thác đúng kỹ thuật nhằm bảo vệ nguồn nước. Thực hiện kế hoạch trên, UBND quận Bình Thạnh và Sawaco đã tổ chức tuyên truyền, vận động người dân, các tổ chức biết tác hại của việc khai thác, sử dụng nước dưới đất. Đồng thời đã trám lắp giếng khoan tại một số hộ dân ở phường 11 quận Bình Thạnh.

Là hộ dân đầu tiên lấp giếng khoan, bà Trần Thị Ngọc Huyên cho biết, từ mấy chục năm qua gia đình bà sử dụng nước giếng khoan để sinh hoạt. Từ ăn uống đến tắm giặt đều dùng nguồn nước ấy.

“Sau khi bơm nước lên, chúng tôi lọc qua rồi mới dùng. Nhưng do trước đây không có nước máy, gia đình tôi phải xài nước giếng khoan, chứ độ ngọt và mát thì không bằng nước máy”, bà Huyên chia sẻ.

Đến khi có nước máy, gia đình bà Huyên vẫn dùng nước giếng khoan để tắm giặt vì tiết kiệm chi phí. Tuy nhiên, sau những đợt tuyên truyền của chính quyền về tác hại của việc sử dụng nước giếng khoan, hơn 2 năm trước, gia đình bà Huyên đã ngưng xài nước giếng khoan nhưng chưa lấp giếng. Được sự đồng ý của gia đình bà Huyên, trong đợt ra quân vận động và cùng người dân lấp giếng khoan mới đây, nhân viên Sawaco đã lấp, trám và xây sửa lại khu vực đào giếng của gia đình bà Huyên.

Trước sự kiện này, ông Hồ Phương, Phó Chủ tịch UBND quận Bình Thạnh, kêu gọi các tổ chức và người dân trên địa bàn hưởng ứng việc trám lấp giếng khoan để góp phần bảo vệ môi trường, cũng như đảm bảo sức khỏe cho bản thân và gia đình. Theo ông Phương, trên địa bàn quận còn 273 hộ dân và 33 tổ chức sử dụng nước giếng ngầm, với tổng lưu lượng khai thác khoảng 366m3/ngày.

Hệ lụy từ khai thác nước ngầm tràn lan

Các chuyên gia về môi trường, địa chất đã cảnh báo về nguy cơ lún sụt, ngập nước và nhiều hệ quả về môi trường nếu khai thác quá mức nguồn nước ngầm. Ngoài ra, việc sử dụng nước giếng khoan chưa qua xử lý sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người dùng. Thông thường nước giếng khi mới bơm lên trong, không mùi, nhưng để trong không khí một thời gian sẽ xuất hiện các phản ứng oxy làm nước có màu. Nhiều mẫu nước giếng trên địa bàn thành phố khi được xét nghiệm cũng không đạt chất lượng. Theo các chuyên gia, dùng nước giếng khoan chưa qua xử lý có thể khiến người sử dụng có nguy cơ mắc các bệnh về đường ruột, gây tiêu chảy, thận, nhiễm khuẩn huyết, tích tụ lâu ngày có thể gây ung thư.

Tại cuộc họp về chống ngập gần đây, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan thông tin tình trạng lún nền đất ở thành phố trung bình là 40mm/năm, có những nơi nặng lên đến 67mm/năm.

Do đó, việc tuyên truyền vận động để người dân không sử dụng nước giếng khoan là vừa bảo vệ chính sức khỏe của họ; đồng thời còn chung tay bảo vệ nguồn nước ngầm. Theo ông Nguyễn Văn Đắng, Giám đốc Công ty cổ phần Cấp nước Gia Định, để thực hiện mục tiêu giảm khai thác nước ngầm tràn lan đòi hỏi sự tham gia, đồng hành của người dân. Cần tăng cường tuyên truyền, giáo dục người dân trong việc bảo vệ nguồn nước ngầm để nâng cao ý thức không khoan, đào giếng bừa bãi. Song song đó là việc trám lấp các giếng đang sử dụng hoặc ngưng sử dụng. “Việc tuyên truyền để người dân hiểu và làm là quan trọng nhất”, ông Đắng bày tỏ.

Ông Bùi Thanh Giang, Phó Tổng giám đốc Sawaco, cũng khẳng định đơn vị đã triển khai nhiều giải pháp để giúp người dân thay đổi nhận thức và khuyến khích người dân sử dụng nước sạch thay cho nước ngầm. Đó là việc đảm bảo cung cấp nước liên tục, chất lượng; giảm giá để khuyến khích các hộ dân đã gắn đồng hồ nhưng chưa dùng nước máy; bán giá sỉ cho các khu công nghiệp, khu chế xuất; vận động người dân hạn chế khai thác nước ngầm…

Ngoài ra, thực hiện lộ trình giảm khai thác nước ngầm theo kế hoạch của UBND TP, Sawaco sẽ giảm khai thác nước ngầm còn 70.000m3/ngày vào năm 2020 và đến năm 2025 còn 30.000m3/ngày (hiện đang khai thác 130.000m3/ngày). Các công trình khai thác nước ngầm sẽ được đưa sang chế độ dự phòng, đồng thời chú trọng đến việc sử dụng nguồn nước mặt đảm bảo nhu cầu nước sạch của TPHCM.

Tin cùng chuyên mục