Lãng phí các trung tâm văn hóa, thể thao - học tập cộng đồng

Được đầu tư xây dựng với số tiền hàng chục tỷ đồng, quy mô rất hoành tráng nhưng 80% các trung tâm văn hóa, thể thao - học tập cộng đồng (TTVH, TT-HTCĐ) tại các phường xã của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu lại đang hoạt động kém hiệu quả, gây lãng phí tài sản công và bức xúc trong nhân dân.

Chưa một lần sử dụng

Toàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có 73/82 xã, phường, thị trấn và 3/10 khu dân cư được đầu tư xây dựng TTVH, TT-HTCĐ nhằm phục vụ các hoạt động học tập, vui chơi giải trí của người dân. Hầu hết các công trình đều được xây dựng bằng vốn ngân sách với số tiền từ vài tỷ đến hàng chục tỷ đồng và có quy mô rất hoành tráng.

Tuy nhiên điều đáng buồn là 80% các TTVH, TT-HTCĐ vắng bóng người dân đến sinh hoạt, dẫn tới tình trạng các phòng chức năng bị xuống cấp, nhiều trang thiết bị mua về nhưng chưa một lần sử dụng.

Điển hình là TTVH, TT-HTCĐ xã Bưng Riềng (huyện Xuyên Mộc) được xây dựng năm 2014 với kinh phí 37 tỷ đồng, gồm các phòng làm việc, thư viện, máy vi tính, hội họa, nhạc, chơi cờ tướng... nhưng thường xuyên đóng cửa vì không có người dân đến sinh hoạt. Hai phòng máy vi tính với 35 bộ máy chưa bao giờ được sử dụng và hiện số máy này đã có nguy cơ lỗi thời.

Lãng phí các trung tâm văn hóa, thể thao - học tập cộng đồng ảnh 1 TTVH, TT-HTCĐ xã Bưng Riềng, huyện Xuyên Mộc khang trang nhưng vắng vẻ
Tại phòng dạy nhạc, 26 cây đàn organ, ghita xếp chồng lên nhau, còn nguyên tem, cho thấy số đàn này cũng chưa một lần được sử dụng. Ở phòng hội họa, các giá vẽ đã được trang bị đầy đủ, xếp gọn ở một góc phòng vì không có học viên.

Còn tại TTVH, TT-HTCĐ xã Cù Bị (huyện Châu Đức) tình hình cũng không mấy khả quan. Được đầu tư xây dựng với số tiền hơn 14 tỷ đồng và đưa vào sử dụng từ năm 2015, nhưng các phòng chức năng của TTVH, TT-HTCĐ này luôn trong tình trạng đóng cửa vì không ai lui tới. Ngay như Vũng Tàu, một thành phố du lịch năng động nhưng TTVH, TT-HTCĐ tại các phường 2,4,8, 11... cũng ít người dân lui tới, mặc dù được đầu tư khá khang trang.

Đánh giá về nguyên nhân các TTVH, TT-HTCĐ hoạt động kém hiệu quả, ông Lương Tấn Bản, Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Đức, cho rằng các chương trình của TTVH, TT-HTCĐ chưa thực sự hấp dẫn, trong khi cuộc sống của người dân hiện tại khá cao, chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh là giải quyết được khá nhiều nhu cầu như ca hát, xem phim, chơi game… Như vậy cần phải tạo “món ăn tinh thần” mà người dân ưa chuộng như các môn thể thao bóng đá, bóng chuyền… để thu hút người dân đến với TTVH, TT-HTCĐ.

Một số ý kiến khác thì cho rằng, để lấp khoảng trống ở các TTVH, TT-HTCĐ cần liên kết với tư nhân để phối hợp tổ chức các hoạt động, tuy nhiên, quy trình khá rườm rà và tiền thu về thì phải nộp ngân sách nên phương án này không mấy mặn mà đối với các TTVH, TT-HTCĐ.

Quy trách nhiệm người đứng đầu?

Theo ông Lương Đích Đức, Phó ban Văn hóa xã hội - HĐND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, vừa qua đoàn giám sát của HĐND tỉnh có đi giám sát tình hình hoạt động của TTVH, TT-HTCĐ tại các địa phương và nhận thấy tỉnh đã đầu tư rất lớn cho mô hình này nhưng mô hình lại hoạt động kém hiệu quả.

Nguyên nhân là do người lãnh đạo trung tâm hầu hết là người lớn tuổi, thiếu trình độ chuyên môn, TTVH, TT-HTCĐ đặt quá xa khu dân cư, các quy định còn nhiều bất cập nên dẫn đến tình trạng cơ sở xây dựng hoành tráng nhưng lại để cỏ mọc um tùm, mất vệ sinh và không thu hút được người dân sinh hoạt.

Ông Nguyễn Hữu Nghị, giảng viên Trường ĐH Văn hóa TPHCM, nguyên Giám đốc Trung tâm Văn hóa TPHCM cho rằng, cần tổ chức nhiều phong trào hay, hấp dẫn thì mới tạo ra cái hồn cho TTVH, TT-HTCĐ.
Cụ thể, cần tìm hiểu nhu cầu người dân muốn gì, cần gì để tập trung phát triển các lĩnh vực đó. Ngoài ra, cần đẩy mạnh xã hội hóa, có chế độ đãi ngộ phù hợp cho nhân sự để TTVH, TT-HTCĐ hoạt động tốt hơn.
Tính toán của Sở Tài chính cho thấy, mỗi năm kinh phí để một TTVH, TT-HTCĐ có 3 người hoạt động là trên dưới 400 triệu đồng (chưa kể ngân sách hỗ trợ thêm). Đây là một số tiền không hề nhỏ, trong khi các đơn vị này chỉ tổ chức vài hoạt động nhỏ lẻ nên ý kiến thiếu kinh phí hoạt động thì cần phải xem xét đánh giá lại.

Qua công tác giám sát hoạt động của TTVH, TT-HTCĐ, HĐND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho rằng, người quản lý TTVH, TT-HTCĐ phải là người trẻ, có chuyên môn. Bên cạnh đó, cần tăng cường đào tạo bồi dưỡng cán bộ và thường xuyên kiểm tra giám sát các hoạt động của TTVH, TT-HTCĐ và tìm mô hình tốt để nhân rộng.

Ông Nguyễn Thanh Tịnh,  Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, chủ trương và việc đầu tư TTVH, TT-HTCĐ là hết sức đúng đắn, tốt đẹp, không nhiều địa phương làm được điều này. Tuy nhiên 80% TTVH, TT-HTCĐ hoạt động kém hiệu quả là con số hết sức đáng chú ý. Không thể đổ lỗi cho người dân không đến sinh hoạt khiến các TTVH, TT-HTCĐ vắng vẻ, mà nên nhìn nhận trách nhiệm thuộc về cơ quan quản lý chưa phát huy được vai trò của các tổ chức đoàn thể đại diện cho người dân.

Vì vậy, trong thời gian tới cần sớm hoàn chỉnh dự thảo về tổ chức hoạt động của TTVH, TT-HTCĐ các cấp, trong đó phát huy vai trò các tổ chức đoàn thể. Quy trách nhiệm cho bí thư xã phường, thị trấn nơi để xảy ra tình trạng TTVH, TT-HTCĐ hoạt động kém hiệu quả và đẩy mạnh các phong trào văn thể mỹ gắn với mỗi địa phương, với mỗi vùng miền.

Tin cùng chuyên mục