Lắng nghe để thay đổi

Tại hội nghị “Hà Nội 2018 - Hợp tác đầu tư và phát triển”, UBND TP Hà Nội đã trao quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đầu tư cho 71 dự án với tổng số vốn khoảng 17 tỷ USD. Việc nhiều nhà đầu tư muốn rót vốn vào Hà Nội là sự ghi nhận những nỗ lực mạnh mẽ của thủ đô trong việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Hà Nội tăng hạng liên tục (năm 2016 tăng 10 bậc; năm 2017 tăng 1 bậc, xếp thứ 13/63 tỉnh, thành phố); chỉ số cải cách hành chính (năm 2016 tăng 6 bậc; năm 2017 tăng 1 bậc, xếp thứ 2/63 tỉnh thành). Đến nay, trên địa bàn đã có trên 250.000 doanh nghiệp với vốn đầu tư đăng ký hơn 400.0000 tỷ đồng. Trong 6 tháng, với tổng số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) 5,915 tỷ USD, lần đầu tiên sau 30 năm, Hà Nội đã tạm vượt lên đứng thứ nhất cả nước.

Từ ngày 1-8 tới, Hà Nội sẽ hỗ trợ toàn bộ chi phí và các dịch vụ tiện ích trong quy trình thủ tục thành lập doanh nghiệp. Muốn thành lập doanh nghiệp, người dân chỉ cần thực hiện kê khai hồ sơ qua mạng; toàn bộ thủ tục sẽ được giải quyết và chuyển kết quả qua chuyển phát nhanh đến tận nhà. Quyết tâm này nếu thực hiện tốt có thể thay đổi được suy nghĩ bấy lâu nay rằng “Hà Nội không vội được đâu”. Những cam kết của chính quyền Hà Nội khẳng định thông điệp không ngừng tạo lập môi trường đầu tư theo hướng thông thoáng, minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư kinh doanh, làm ăn lâu dài tại thủ đô.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng nhìn nhận con số 17 tỷ USD đạt được tại hội nghị đầu tư 2018 là một cố gắng rất lớn của Hà Nội. Thời gian qua, kinh tế thủ đô phát triển tương đối toàn diện, tăng trưởng khá cao. Hà Nội đã khác, sắp hết câu hay nói, “Hà Nội không vội được đâu” và sẽ thành câu “Hà Nội, không vội không xong”.

Theo Thủ tướng, một chính quyền năng động, quyết đoán đã thể hiện rõ ở Hà Nội. Thủ tướng cũng cho rằng chưa bàn tới những thách thức như tăng trưởng dưới tiềm năng, chất lượng tăng trưởng, năng lực cạnh tranh, năng suất lao động…, những vấn đề trực diện cần phải giải quyết để có một môi trường kinh doanh tốt nhiều khi thể hiện rất giản dị như thành lập doanh nghiệp nhanh chóng, nộp thuế phải thật dễ dàng, thuận lợi.

Những gợi mở của Thủ tướng không chỉ có ý nghĩa với riêng Hà Nội mà còn đúng với các tỉnh, thành cả nước, nhất là những đầu tàu, vùng trọng điểm như TPHCM, Cần Thơ, Đà Nẵng, Hải Phòng. Cải thiện môi trường kinh doanh; kiến tạo môi trường sáng tạo, minh bạch và hiện đại hóa bộ máy quản lý hành chính; lắng nghe doanh nghiệp nhiều hơn, chủ động tháo gỡ khó khăn… là yêu cầu chung đối với tất cả các địa phương. Ngoài ra, những quyết tâm thay đổi đó làm sao phải được truyền lửa từ trên xuống đến dưới, để cả hệ thống phải “nóng” đồng bộ, không để tình trạng “trên nóng dưới lạnh” hay “trên trải thảm dưới rải đinh”… Phải làm sao để toàn bộ thủ tục hành chính về thành lập doanh nghiệp, người dân cơ bản không phải đến trụ sở cơ quan nhà nước như cách Singapore đã làm; xóa bỏ khoảng cách giữa giấy tờ và hiện thực bởi thời gian không chờ đợi ai.

Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Chính phủ, Thủ tướng rất nỗ lực “hành động, kiến tạo” để tạo nên thể chế thu hút mạnh mẽ hơn trong đầu tư, tạo điều kiện phát triển đất nước. Trong đó, vai trò đầu tàu về kinh tế của TPHCM, Hà Nội hay của những đô thị trọng điểm khác phải được thể hiện rõ hơn, bởi sự phát triển của Hà Nội, TPHCM sẽ thúc đẩy sự phát triển của các địa phương lân cận. Và trước hết, để đảm nhận được vai trò đó, các đầu tàu phải hội đủ các điều kiện về dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp. Trong đó, cải cách thủ tục hành chính nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, đồng hành cùng doanh nghiệp là yêu cầu cấp thiết đối với các đầu tàu. Bên cạnh đó, là thực hiện tốt việc kết nối, tạo cơ hội tốt nhất cho nhà đầu tư, thúc đẩy sự lan tỏa phát triển các lĩnh vực kinh tế - xã hội trên địa bàn với các địa phương trong vùng và cả nước.

Tin cùng chuyên mục