Làng lư trăm tuổi giữa lòng thành phố

Giữa lòng đô thị hiện đại, nhộn nhịp vẫn còn đó một xóm lư đồng với tuổi đời hơn 100 năm. Nơi đây, những người thợ vẫn miệt mài, tỉ mỉ từng công đoạn để cho ra đời những sản phẩm phục vụ đời sống tín ngưỡng, tâm linh, như lưu giữ nét văn hóa của ông bà từ ngàn xưa để lại.

Danh tiếng làng lư trăm tuổi

Trên con đường Nguyễn Duy Cung, phường 12, quận Gò Vấp, nhiều người vẫn quen gọi cái tên “làng đúc lư đồng An Hội - Gò Vấp”. Theo lời kể của nhiều nghệ nhân lớn tuổi tại đây, nghề đúc lư đồng có mặt ở thành phố phải trên 200 năm và làng lư đồng An Hội có tuổi đời cũng đã hơn 100 năm.

Khoảng 10 năm về trước, nhiều sản phẩm lư đồng tại đây được các thương lái từ miền Bắc, miền Trung tìm đến rồi xuôi về phục vụ khắp các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và vươn ra một số thị trường trong khu vực như Lào, Campuchia, Thái Lan, Myanmar… Thời điểm đó, có thể ví như thời vàng son của làng đúc lư đồng An Hội. “Chừng chục năm trước, cứ gần tết khoảng 2, 3 tháng là mối lái tới đặt hàng rần rần rồi. Có lúc hụt không đủ đồng nguyên liệu để làm, xưởng này phải chia lại cho xưởng kia để kịp làm giao cho khách, mấy ông thợ phải làm ngày làm đêm, cực nhưng mà vui lắm”, bà Phạm Thị Liên (chủ lò lư Ba Cồ) kể lại.

Làng lư trăm tuổi giữa lòng thành phố ảnh 1 Công đoạn đầu để làm ra bộ lư, đắp đất sét làm khuôn ruột
Lư đồng An Hội có tiếng nhờ vào sự tỉ mỉ, ròng rã hơn 14 công đoạn và mất gần cả tháng trời để có thể cho ra bộ lư đồng hoàn chỉnh. Từ việc làm khuôn ruột rồi đúc khuôn sáp bằng sáp ong và sáp đèn cầy, đều được những người thợ làm thủ công, tỉ mẩn từng chút một. Đây là công đoạn quan trọng, đòi hỏi người thợ phải có tay nghề cao, cẩn thận khi làm vì hình dáng của bộ lư thành phẩm như thế nào hoàn toàn phụ thuộc vào giai đoạn làm khuôn sáp. Để khuôn sáp cứng cáp, chắc chắn phải mất gần cả chục ngày phơi nắng rồi mới nấu chảy đồng để đổ vào. 

Khâu nấu đồng cũng do những người thợ giỏi nghề, có kinh nghiệm đứng ra đảm nhận vì phải canh thời gian rất kỹ, phối hợp cùng thợ móc khuôn từ hầm nung và thợ múc đồng nấu chảy từ chảo đổ vào. Theo kinh nghiệm của ông Quốc Kiển (chủ lò lư Út Kiển), lư có bền màu với thời gian, có vàng đẹp óng ánh hay không thì đây là công đoạn quyết định. Ông Kiển cho hay: “Nấu đồng mà không canh đúng nhiệt độ thì chất đồng ra màu cũng không đẹp, đồng phải nguyên chất chứ pha nhiều tạp chất cũng không ra được màu vàng tươi và không bền màu được”.

Từ những bàn tay thợ lành nghề, tâm huyết trong mỗi bộ lư thành phẩm, mà tiếng tăm lư đồng An Hội được nhiều người chuộng, những bộ lư với chất đồng thứ thiệt màu vàng óng ánh, đường nét hoa văn tao nhã, có hồn. “Mua bộ lư để thờ cúng trong nhà cả mấy chục năm rồi mà có hư hao gì đâu. Đám giỗ, đám cưới hay tới tết chỉ cần đem đi đánh bóng, lau chùi lại là như mới, cái màu vàng không lẫn đi đâu được”, anh Văn Minh (ngụ quận Bình Tân) chia sẻ.

Trăn trở giữ nghề truyền thống

Đến làng lư đồng An Hội những ngày này, dù chỉ còn gần 2 tháng nữa là tới Tết Nguyên đán, nhưng cũng không có gì quá nhộn nhịp hay hối hả, những người thợ vẫn làm công việc thường trực như mọi ngày. Làng lư đã hơn 100 tuổi, vẫn giữ nguyên những công đoạn là đúc lư thủ công, tỉ mỉ nhưng chỉ còn vỏn vẹn 5 gia đình theo nghề.
Hơn 50 năm gắn bó với công việc đúc lư đồng, ông Trần Văn Thắng (Hai Thắng) tuổi đã ngoài 70 nhưng vẫn thường trực ở xưởng đúc lư mỗi ngày để truyền lại kinh nghiệm cho lớp thợ trẻ. “Ngày trước từ đầu tới cuối xóm cũng ngót nghét hơn chục xưởng đúc lư, nhộn nhịp lắm chứ. Bây giờ cả khu chỉ còn đúng 5 xưởng, nhiều gia đình bỏ nghề chuyển qua buôn bán thứ khác, chứ làm lư bây giờ đâu còn thịnh như xưa”, ông Hai Thắng cho hay.

Làng lư trăm tuổi giữa lòng thành phố ảnh 2 Mài giũa, chạm khắc hoa văn trên lư thành phẩm. Ảnh: LÊ VĨNH
 Theo những người thợ trong xóm, có nhiều lý do để làng lư 100 tuổi này ngày càng thưa vắng, như giá nguyên liệu tăng, chính quyền địa phương thường xuyên kiểm tra vì nguy cơ ô nhiễm môi trường bởi những xưởng đúc đồng làm lư nằm trong khu dân cư, khiến khách hàng e ngại. Và hơn cả là cuộc sống “đất chật người đông” của đô thị với những không gian sống nhỏ, tiện ích dường như không có nhiều chỗ cho vị trí thờ cúng bài bản, đầy đủ bộ lư, chân đèn… Bởi vậy, nhu cầu của thị trường không còn nhiều như trước.

“Đồng nguyên liệu để làm nhiều khi hút hàng giá tăng cao, tiền nhân công, tiền thợ nữa, phải làm thủ công từng công đoạn nên chủ yếu lấy công làm lời. Lò lư nào còn trụ được thì cũng tận dụng hết nhân công trong nhà, chứ mướn thợ bên ngoài nhiều quá thì đâu còn lời nữa, mà lớp trẻ bây giờ mấy ai còn chịu theo nghề làm lư”, ông Hai Thắng chia sẻ.

Lư đồng An Hội phổ biến với 2 loại lư: lư Bắc dáng tròn hoặc bầu dẹp; lư Nam dáng vuông, các họa tiết, chạm trổ trên lư truyền thống như rồng - phụng, trúc - mai, song long, Phúc - Lộc - Thọ… Giá mỗi bộ lư đồng bán ra thị trường tùy thuộc vào nhiều thứ: kích cỡ lớn - nhỏ, lớp đồng dày - mỏng, hoa văn và các chi tiết phụ họa… Có khi giá một bộ lư đặt làm riêng, chạm trổ đặc biệt lên đến vài chục triệu đồng là chuyện thường. Nhưng những bộ lư có giá 2 - 6 triệu đồng/ bộ, vừa phải được nhiều người lựa chọn hơn. 

Chị Thu Xương (47 tuổi, con gái ông Hai Thắng) cho biết: “Giá đồng có lên thì cũng ráng giữ giá lư bán ra, chứ lên giá thêm nữa thì khó mà có khách. Xưởng lư ở nhà trung bình mỗi tháng cũng chỉ làm khoảng 100 bộ lư trở lại, nên không dám tính chuyện mở rộng hay thay đổi thêm, còn giữ được cái nghề truyền thống của gia đình ngày nào thì mừng ngày đó”.

Một thách thức nữa cho nghề đúc lư đồng thủ công, truyền thống là sự cạnh tranh với những bộ lư đồng được sản xuất công nghiệp. Những lò lư còn bám trụ được cũng đem lại không ít trăn trở của lớp thợ già tâm huyết với nghề truyền thống. “Ngày trước, tui cũng truyền nghề lại hết thảy 5 anh em trong nhà, mà bây giờ chỉ còn 2 đứa theo nghề. Mấy đứa nhỏ cũng chọn công việc khác, ít đứa nào chịu theo cái nghề cực nhọc này, giữ lại lò lư cũng vì cái nghề truyền thống của gia đình, sợ nó mai một rồi không còn ai nhớ nữa”, ông Hai Thắng tâm sự.

Cũng không dám hy vọng nhiều hay đoán trước được điều gì, nhưng 5 lò lư đồng còn lại của làng lư trăm tuổi như minh chứng về sức sống của một làng nghề thủ công truyền thống, dù có gặp khó vẫn cố gắng trụ lại với nghề. Những bộ lư đồng sẽ tiếp tục có mặt trên bàn thờ gia tiên, để nhắc nhớ người ta về một đạo lý luôn biết tới nguồn cội, thờ phụng tổ tiên ông bà.

Tin cùng chuyên mục