Lặng lẽ Nghĩa trang Liệt sĩ thị xã Quảng Trị

Qua quá trình xây dựng nhà cửa, công trình, người dân đã phát hiện hơn 600 hài cốt liệt sĩ chưa biết tên và đã được địa phương an táng ở Nghĩa trang Liệt sĩ (NTLS) thị xã Quảng Trị cách Thành cổ khoảng 3km.   
Tưởng niệm các liệt sĩ dưới mưa
Tưởng niệm các liệt sĩ dưới mưa
Khi thăm di tích Thành cổ Quảng Trị, nhiều khách còn nghĩ rằng hàng ngàn liệt sĩ hy sinh trong cuộc chiến ác liệt 81 ngày đêm năm 1972 mà hài cốt chưa tìm thấy vẫn đang nằm dưới lòng sông Thạch Hãn và di tích Thành cổ như là các “nghĩa trang mở” nên chỉ tập trung nhang khói những nơi này. Trong khi đó, qua quá trình xây dựng nhà cửa, công trình, người dân đã phát hiện hơn 600 hài cốt liệt sĩ chưa biết tên và đã được địa phương an táng ở NTLS thị xã Quảng Trị cách Thành cổ khoảng 3km.   
Tri ân
Những ngày này, Quảng Trị là điểm đến thiêng liêng của rất nhiều cựu chiến binh. Trong số những người tìm về Quảng Trị có các cựu chiến binh trong đơn vị Trung đoàn 64, Sư đoàn 320 của ông Trần Quang Đức. Ngoài việc mỗi năm vào tháng 7, họ đều về thắp hương tưởng nhớ đồng đội, thì còn chung tay đóng góp tiền mua đất để xây cất nghĩa trang và Nhà bia tưởng niệm ở thôn Ngang, xã Hải Ba, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị và làm đường xung quanh. Công trình đã kịp hoàn thành trước dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ và 45 năm Trận chiến Thành cổ năm nay. Ông Trần Quang Đức tâm niệm: “Mình bây giờ còn sống đây là may mắn hơn đồng đội rồi”. 
Chúng tôi cũng may mắn gặp được ông Nguyễn Quang Vinh, một cựu binh Thành cổ vừa trở về từ CHLB Đức. 45 năm trước, vào đêm 13-9-1972 ông cùng đồng đội đã vượt sông vào tăng cường đợt cuối cho chiến dịch Thành cổ. Giọng xúc động, ông kể: “Đơn vị của tôi chủ yếu là lính mới Hà Nội, được bổ sung cho Trung đoàn 48, Sư 320B đang tử thủ ở thành cổ, khi chưa sang đến nơi thì nhiều người đã hy sinh trên dòng sông này vì bị pháo kích…”. Đây là lần đầu tiên ông trở lại bến sông, trên tay là cuốn hồi ký do ông viết, vừa mới xuất bản có tên Quảng Trị 1972 hồi ức của một người lính in màu đỏ thể hiện màu của mảnh đất nhuốm máu 45 năm trước. Ông mang theo để “ra mắt” các đồng đội nằm lại đâu đó dưới bến sông…
Hiện nay, Thành cổ Quảng Trị đã được phục chế các đoạn tường thành, làm lại bốn cổng chính, ở trung tâm được xây một đài tưởng niệm ghi dấu ấn cuộc chiến đấu 81 ngày đêm oanh liệt của bộ đội ta. Phía Tây Thành cổ, song song con đường từ cửa Hữu dẫn ra bờ sông Thạch Hãn là một công viên, quảng trường rộng lớn, nối liền quần thể di tích, gồm các hạng mục chính như tháp chuông, nhà tưởng niệm liệt sĩ, nhà thả hoa đăng hai bên bờ sông. Tháp chuông Thành cổ Quảng Trị, có quả chuông đồng với chiều cao 3,9m, đường kính 2,15m, trọng lượng gần 9 tấn, được treo trên tháp cao gần 10m. Chuông được đánh vào các ngày lễ, ngày rằm... vọng tưởng linh hồn các anh hùng liệt sĩ. Góc Tây Nam Thành cổ được xây dựng một bảo tàng, trưng bày những di vật và tái hiện lịch sử về Thành cổ từ khi xây dựng đến ngày thống nhất đất nước, đặc biệt vẫn còn lưu giữ những bức thư vĩnh biệt gia đình của các chiến sĩ trong thời gian xảy ra trận đánh. Tại bảo tàng còn lưu giữ nhiều bức ảnh, trong đó bức ảnh đang vác súng với nụ cười rất tươi của chiến sĩ Lê Xuân Chinh quê Thái Bình đang chiến đấu tại Thành Cổ. Hiện nay bác Chinh và gia đình đang sinh sống tại Điện Biên. Bác kể: “Khi chụp bức ảnh ấy tôi phải cười thật tươi vì sợ ngày mai không kịp cười nữa...”. 
Nao lòng
Theo sự hướng dẫn của Hội Cựu chiến binh thị xã Quảng Trị, chúng tôi tìm gặp ông Nguyễn Thanh Bình (65 tuổi), một trong số ít những cựu binh Thành cổ đang sinh sống tại thị xã. Năm 1972, ông Bình là lính trinh sát thuộc tiểu đoàn K808 (thường gọi K8, thuộc Tỉnh đội Quảng Trị) dọc ngang các công sự của trận địa trong thị xã, nhờ đó hồi ức ông kể khá rành mạch, theo ông thì nó đã in dấu trong đầu “như một cuốn sách lịch sử”. 
Ông Bình vào Thành cổ ngày 21-6-1972 trước khi chiến dịch bảo vệ 81 ngày đêm/tuần. Cuộc chiến đấu 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ, ác liệt đâu phải chỉ trong Thành cổ mà còn ở quanh thị xã, theo nhiều hướng khác nhau. Ta và địch giành giật nhau từng tấc đất. 10 giờ đêm ngày 15-9, nhận được lệnh rút lui khỏi thị xã, chỉ để lại Tiểu đoàn 8 và đại vệ binh của Trung đoàn 48, Sư 320B yểm trợ, sau đó chỉ còn lại Đại đội 2 của Trung đoàn 48 tử thủ: “Khi rút ra, tôi có đi kiểm tra dọc sông Thạch Hãn và thấy anh em bị thương, hy sinh nằm lại khá nhiều, không mang đi kịp…”. 
Chứng kiến sự hy sinh của đồng đội, nên từ năm 1992, sau ngày nghỉ công tác, ông Bình đã dành nhiều tâm huyết, thời gian để đi tìm hài cốt đồng đội. Đến nay đã cất bốc được hơn 100 hài cốt liệt sĩ, chưa kể đi tìm, xác minh hàng trăm trường hợp khác. Trong số đó, ông đã giúp đưa về quê 34 trường hợp, còn lại đang chôn cất ở NTLS thị xã. Dòng sông Thạch Hãn nhuốm đầy máu đã trở thành nấm mộ tập thể với khoảng 1.000 người và còn rất nhiều hài cốt liệt sĩ nằm lại trong diện tích vài cây số vuông của thị xã. Từ sau ngày giải phóng đến nay, người dân Quảng Trị khi xây lại nhà hay làm đường sá đều có thể bắt gặp hài cốt liệt sĩ và phần lớn đã được đem về an táng ở NTLS của thị xã.      
NTLS thị xã Quảng Trị nằm trên một đồi cao thuộc phường 1, phía Nam thị xã với diện tích 12.000m², được xây dựng từ năm 1990 để làm nơi chôn cất các hài cốt liệt sĩ được tìm thấy trong quá trình xây dựng nhà cửa, công trình đường sá, trường học. Năm 2012, nghĩa trang được trùng tu lớn với tổng kinh phí 50 tỷ đồng. Nơi đây chôn cất hơn 600 liệt sĩ, gồm 6 mộ tập thể với 31 hài cốt và 595 mộ cá nhân (578 mộ có hài cốt, số còn lại được thân nhân đưa về quê mai táng). Mộ tập thể lớn nhất có tới 9 bộ hài cốt. Trong số 6 ngôi mộ tập thể liệt sĩ chưa biết tên tại NTLS của thị xã thì nhà ông Nguyễn Văn Bang ở sát chợ Quảng Trị có tới 22 bộ hài cốt được tìm thấy. Đúng như những gì ông Nguyễn Thanh Bình cho biết, NTLS của thị xã cũng phản ánh một phần tính chất khốc liệt của cuộc chiến 81 ngày đêm. Từ sau năm 1989, khi thị xã Quảng Trị được tái lập với tốc độ xây dựng tăng cao thì số hài cốt tìm thấy ngày càng nhiều, ở khắp mọi nơi, được quy tập, an táng vào NTLS. Điều đó lý giải tại sao tại NTLS thị xã có đến 564 ngôi mộ khuyết tên, chiếm tỷ lệ 95%, một con số còn cao hơn NTLS quốc gia Đường 9, cách đó 15km. 
Chính vì thông tin về NTLS thị xã chưa lan tỏa nên thân nhân của các liệt sĩ khi về Quảng Trị hoàn toàn không hay biết rằng, có thể hài cốt của người thân đang được chôn cất tại đây. Đó cũng là lý do của sự đối lập đến nao lòng, trong khi Khu di tích Thành cổ khách đến dâng hương nườm nượp, thì NTLS của thị xã lại vắng vẻ vô cùng. Nhân viên quản trang Văn Quốc Toản nói: “Ở đây có 2 anh em, công việc chính hàng ngày là cắt cỏ, dọn vệ sinh các khu mộ, khi có ai đến viếng thì phục vụ, nhưng đoàn đến rất ít, cao điểm như dịp 30-4 hay 27-7 cũng chỉ có hơn 10 đoàn, còn lại vắng hoe”. Hai đầu đường rẽ vào nghĩa trang trên quốc lộ 1 không hề có một tấm bảng chỉ dẫn nên khách càng ít biết thông tin!.
Đầu tháng 7-2017, tại Thành cổ Quảng Trị đã khai mạc Liên hoan tuyên truyền lưu động kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ với chủ đề Uống nước nhớ nguồn của 35 đoàn tuyên truyền cổ động của 35 tỉnh, TP; đồng thời trưng bày triển lãm các tác phẩm xuất sắc của 230 họa sĩ chuyên nghiệp và không chuyên toàn quốc tham gia cuộc thi sáng tác tranh cổ động tuyên truyền kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ do Cục Văn hóa cơ sở tổ chức. Sau đó, các đoàn cùng đến dâng hương tại Nghĩa trang quốc gia Trường Sơn. Đợt tuyên truyền nhằm mục đích giáo dục chính trị tư tưởng, lịch sử, truyền thống, lòng tự hào, tự tôn dân tộc và đạo lý uống nước nhớ nguồn của đảng viên và các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ…

Tin cùng chuyên mục