Làng đô thị xanh - hình mẫu của quy hoạch phát triển bền vững

Làng đô thị xanh tại TP Đà Lạt (Lâm Đồng) mang hình dáng của một đô thị, song có tất cả đặc điểm của làng với không gian quy hoạch, kiến trúc công trình hạ tầng đô thị hài hòa, đáp ứng nhu cầu sống đa dạng của người dân theo xu hướng xanh, thân thiện với môi trường. Đây là hướng quy hoạch đang được nhiều địa phương hướng tới…
Thôn Đa Lộc, xã Xuân Thọ có nhiều yếu tố thuận lợi để thực hiện đề án thí điểm làng đô thị xanh. Ảnh: ĐOÀN KIÊN
Thôn Đa Lộc, xã Xuân Thọ có nhiều yếu tố thuận lợi để thực hiện đề án thí điểm làng đô thị xanh. Ảnh: ĐOÀN KIÊN

Làng đô thị ngoại ô

Nằm cách trung tâm TP Đà Lạt hơn 10km ven quốc lộ 20, hướng từ Đà Lạt đi thị trấn D’Ran (huyện Đơn Dương), thôn Đa Lộc, xã Xuân Thọ (TP Đà Lạt) được UBND tỉnh Lâm Đồng chọn là địa điểm xây dựng mô hình thí điểm “Làng đô thị xanh” (Green Village). Theo Bộ Xây dựng, đây là mô hình quy hoạch đô thị thí điểm đầu tiên trong cả nước, được thực hiện theo hướng phát triển xanh, bền vững và người dân tại chỗ sẽ được hưởng lợi đầu tiên của việc thực hiện quy hoạch. Theo đó, người dân ở đây sẽ được cải thiện điều kiện sản xuất, nâng cao đời sống nhưng vẫn không ảnh hưởng đến mô hình phát triển của đô thị hiện đại, giàu bản sắc. Mục tiêu chung xây dựng thí điểm làng đô thị xanh là tạo ra cơ sở để nhân rộng mô hình này trên địa bàn TP Đà Lạt và các đô thị vệ tinh theo định hướng quy hoạch chung xây dựng TP Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 704/QĐ-TTg ngày 12-5-2014. 

Đưa chúng tôi đi tham quan làng đô thị xanh trong tương lai, ông Ngô Văn Dũng, Chủ tịch UBND xã Xuân Thọ, giới thiệu: “Khu vực thôn Đa Lộc có địa hình tương đối bằng phẳng, cư dân sinh sống và sản xuất ổn định từ hàng chục năm nay. Trục đường chính chạy dọc thôn theo hình xương cá, tạo cảnh quan rất đẹp. Toàn bộ diện tích quy hoạch dự án làng đô thị đều là đất sản xuất nông nghiệp. Vùng đất Đa Lộc màu mỡ, có độ dốc vừa phải, thích hợp trồng các loại rau, hoa… Việc trồng trọt đã được người dân làm theo hướng nông nghiệp công nghệ cao nên phù hợp với các mô hình kết hợp sản xuất nông nghiệp xen giữa phát triển đô thị. Dự án triển khai được kỳ vọng sẽ cải thiện và nâng cao chất lượng sống của người dân, phát triển hạ tầng kỹ thuật đồng bộ và xây dựng hình ảnh nông thôn mới trong lòng đô thị, kết hợp phát triển các loại hình du lịch canh nông, homestay”.  

Hiện thôn Đa Lộc có khoảng 680 nhân khẩu, sau khi dự án hoàn thành, dự kiến “làng đô thị xanh” sẽ có quy mô dân số khoảng 6.000 - 10.000 người. Ông Phan Văn Trung, Trưởng phòng Kiến trúc quy hoạch, Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng, cho biết hiện nay đề án đang được bổ sung một số nội dung cho phù hợp với tình hình thực tế để trình UBND tỉnh Lâm Đồng phê duyệt. Quy mô quy hoạch là 180ha (quy hoạch chi tiết khu dân cư tập trung khoảng 54ha và phạm vi nghiên cứu quy hoạch là 40ha) nằm trọn trên địa bàn thôn Đa Lộc (xã Xuân Thọ), phía Bắc giáp trung tâm xã Xuân Thọ, phía Đông và Nam giáp thôn Đa Thọ, phía Tây giáp thôn Lộc Quý (xã Xuân Thọ). Quy hoạch đặt mục tiêu xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội phát triển đồng bộ; trong đó, mật độ đất giao thông/đất quy hoạch là 10,5ha. Nâng cấp công suất và hoàn chỉnh mạng lưới cấp điện hiện có, đảm bảo phục vụ sinh hoạt và sản xuất theo quy mô của làng đô thị xanh; ưu tiên sử dụng năng lượng mặt trời và năng lượng thân thiện với môi trường. Ngoài ra, hệ thống thoát nước, vệ sinh môi trường, công viên, cây xanh, hạ tầng thủy lợi... cũng được cải tạo, nâng cấp.

Được biết, tính từ thời điểm phê duyệt đề án (tháng 9-2017), thời gian thực hiện và hoàn thành dự kiến 54 tháng. Trong đó, giai đoạn 1 gồm lập, phê duyệt quy hoạch, dự án đầu tư xây dựng… dự kiến 30 tháng; giai đoạn 2 gồm các hạng mục đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội. Tổng mức kinh phí dự kiến thực hiện 943,4 tỷ đồng với chi phí lập đề án và lập quy hoạch 1,6 tỷ đồng; chi phí tư vấn, quản lý dự án và chi phí khác 91,02 tỷ đồng; chi phí đầu tư xây dựng 606,78 tỷ đồng và chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng 244 tỷ đồng. Kinh phí được lấy từ các nguồn như ngân sách Nhà nước, vốn ODA, viện trợ quốc tế, nhà đầu tư, đóng góp của người dân… 

Đảm bảo tính bền vững

Ông Ngô Văn Dũng cho biết, hiện địa phương có nhiệm vụ chính là tuyên truyền để người dân hiểu rõ, hiểu đúng về lợi ích dự án làng đô thị xanh sẽ mang lại; đồng thời đảm bảo các yếu tố như không để phá vỡ quy hoạch, không để xảy ra tình trạng đầu cơ, đẩy giá đất trong khu vực vượt qua con số thực. Về cơ bản, nhân dân địa phương đã được tuyên truyền và có thái độ ủng hộ cao khi nắm những thông tin liên quan. Đang chăm sóc vườn hoa của gia đình, ông Trần Công Quế (thôn Đa Lộc, xã Xuân Thọ) chia sẻ: “Làng đô thị xanh không thu hồi đất sản xuất của chúng tôi mà còn được đầu tư hạ tầng nên người dân sẽ ủng hộ hết sức, nhất là đầu tư hồ thủy lợi để đảm bảo có nguồn nước tưới tiêu ổn định”.

Dù vậy, nhiều hộ dân tại thôn Đa Lộc, xã Xuân Thọ vẫn còn băn khoăn việc thực hiện quy hoạch làng đô thị xanh sẽ có tác động tới đời sống sinh hoạt, sản xuất của họ như thế nào? Nhiều ý kiến của người dân cho rằng, Nhà nước cần quan tâm đầu tư đồng bộ hệ thống giao thông, giúp người dân tiêu thụ nông sản vì hiện có hơn 80% người dân sống tại đây phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp.

Về vấn đề này, theo ông Đoàn Văn Việt, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, quá trình thực hiện đề án sẽ nghiên cứu bố trí khu vực sản xuất của nhân dân phù hợp với phát triển nông nghiệp công nghệ cao, gắn với các công nghệ chế biến sau thu hoạch, giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm. Nghiên cứu, sản xuất gắn với mô hình du lịch canh nông; sản xuất hàng hóa theo hướng thích hợp, gắn kết các hộ gia đình trong làng theo mô hình hợp tác xã kiểu mới hoặc hình thức kinh tế tập thể hiện đại...

Tin cùng chuyên mục