Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh mở cửa trở lại vào ngày mai, 15-8

Ngày 14-8, sau khi kiểm tra Công trình, khu vực Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và làm việc với Ban Quản lý Lăng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đồng ý tiếp tục mở cửa Lăng đón tiếp, phục vụ nhân dân và du khách đến viếng Bác và tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ từ ngày mai, 15-8.

Nhân dân và du khách đến viếng Bác
Nhân dân và du khách đến viếng Bác

Thực hiện kế hoạch tu bổ định kỳ Công trình Lăng năm 2019, từ ngày 15-6 đến ngày 14-8, đơn vị đã triển khai kế hoạch tu bổ định kỳ. Đây là năm thứ 2 việc tu bổ được triển khai vào mùa Hè (trước đây vào mùa Thu). Từ kết quả năm 2018 và 2019, Ban quản lý Lăng cho rằng, thời gian tu bổ hằng năm vào thời gian trên là hợp lý, khoa học, vừa thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị, chuyên môn, không ảnh hưởng đến việc tổ chức các buổi lễ viếng cấp Nhà nước nhân dịp kỷ niệm các ngày lễ lớn, đáp ứng nhu cầu vào Lăng viếng Bác, tham quan Thủ đô của nhân dân vào thời điểm điều kiện thời tiết thuận lợi trong năm.

Trong 6 tháng đầu năm 2019, Ban quản lý Lăng đã đón tiếp khoảng 1,2 triệu lượt người, phối hợp phục vụ nước uống, bánh mỳ miễn phí cho đồng bào trong nước, khách quốc tế đến viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh dịp 30-4, 1-5, 19-5 với hơn 42.500 suất.

Theo Ban Quản lý Lăng, thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh được giữ gìn ở trạng thái tốt nhất. Hệ thống thiết bị kỹ thuật Công trình Lăng hoạt động an toàn, tin cậy; bảo đảm an ninh, an toàn tuyệt đối Công trình Lăng, Quảng trường Ba Đình, Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ và Khu Di tích K9.

Tại cuộc làm việc, Ban quản lý Lăng kiến nghị xây dựng một bãi đỗ xe ngầm trong khu vực Cụm Di tích Lịch sử-Văn hóa Ba Đình để phục vụ nhân dân, khách quốc tế đến viếng Bác, tham quan khu vực.

Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh mở cửa trở lại vào ngày mai, 15-8 ảnh 1 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: VGP
Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao việc điều chỉnh thời gian tu bổ (những năm trước, tiến hành vào mùa Thu, mùa có thời tiết đẹp nhất, thuận lợi cho người dân đến thăm viếng, nhất là khi học sinh vào năm học mới). Sau 2 tháng khẩn trương triển khai công tác tu bổ, Ban quản lý Lăng đã hoàn thành thực hiện nhiệm vụ, bảo đảm chất lượng, tiến độ, mỹ thuật, kỹ thuật. Cảnh quan kiến trúc, môi trường ngày càng khang trang, sạch đẹp, đáp ứng tốt yêu cầu phục vụ nhân dân và du khách đến thăm viếng. Đã thành lập Hội đồng khoa học y tế cấp Nhà nước kiểm tra, đánh giá trạng thái thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh. Hội đồng kết luận trạng thái thi hài Bác đang được giữ gìn rất tốt.

Thủ tướng nhấn mạnh, mục tiêu chính trị của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đặt ra đối với Ban quản lý Lăng là tiếp tục thực hiện tốt nhất nhiệm vụ giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ban quản lý Lăng cần đẩy mạnh hợp tác nghiên cứu, ứng dụng khoa học kỹ thuật trong nhiệm vụ y tế để ngày càng chủ động hơn trong nhiệm vụ giữ gìn lâu dài thi hài Bác. Tiếp tục làm tốt công tác đón tiếp, tuyên truyền nhằm phát huy tốt nhất ý nghĩa chính trị, văn hóa của công trình Lăng, Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ, Khu di tích K9 trong thời gian tới. Tăng cường công tác bảo đảm an ninh an toàn, không được để xảy ra cháy nổ, mất an ninh trật tự, khủng bố, tụ tập đông người trái phép.

Sáng rõ thêm nhiều giá trị trường tồn của Di chúc Bác Hồ

Cùng ngày, tại Hà Nội, Bảo tàng Hồ Chí Minh phối hợp với Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam và Hội Di sản Văn hóa Việt Nam tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề “Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh - Giá trị lý luận và thực tiễn, 1969-2019”.

Đồng chí Phạm Quang Nghị, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội, nhấn mạnh: Được viết từ năm 1965-1969, bản Di chúc đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh sửa chữa, bổ sung qua các năm. Nội dung vì thế được Người trù tính thấu đáo, vừa cụ thể, vừa bao quát toàn bộ công việc. Từ việc riêng cho đến những việc trọng đại của quốc gia, dân tộc, nhân dân, Di chúc đã thể hiện cao độ tinh thần trách nhiệm và tâm huyết của Người đối với Đảng, với sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và xây dựng đất nước; với thế hệ trẻ, với các tầng lớp nhân dân ta; với phong trào cộng sản và công nhân quốc tế; phản ánh tập trung những tư tưởng, đạo đức, tác phong và tình cảm cao đẹp của Người.

Theo Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Ngọc Hà, Di chúc là sự tổng kết những trăn trở, suy tư cũng như mong mỏi, hy vọng của Người. 50 năm qua, Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh với những giá trị tư tưởng to lớn và đặc sắc đã trở thành Cương lĩnh hành động của toàn Đảng, toàn dân ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nhìn lại quá trình này là một dịp để tiếp tục ghi tạc và tôn vinh công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đây cũng là dịp để chúng ta kiểm nghiệm và khẳng định những giá trị trường tồn của bản Di chúc lịch sử đối với cách mạng Việt Nam.

Những ý kiến đóng góp, tham luận, thảo luận của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu tại hội thảo góp phần quan trọng làm sáng rõ hơn về những giá trị trường tồn của bản Di chúc lịch sử, tác phẩm đặc biệt của Người Anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa kiệt xuất Hồ Chí Minh. Đồng thời, đó cũng là những tư liệu quan trọng để Bảo tàng Hồ Chí Minh và hệ thống chi nhánh trong cả nước tiếp tục nghiên cứu, tổ chức tốt hơn nữa nhiệm vụ phục vụ công chúng, độc giả đến tham quan, nghiên cứu về cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

MAI AN

Tin cùng chuyên mục