Lan tỏa tình yêu sách ở Đủng Đỉnh Đọc


Trong khi khá nhiều thư viện không thu hút được người đọc thì một thư viện nhỏ có cái tên dễ thương Đủng Đỉnh Đọc (tại 57/21 Trần Nhân Tôn, phường 9, quận 5, TPHCM) trở thành một điểm đến thú vị. Ở đó, không chỉ là một không gian của sách mà còn ngập tràn tiếng cười trẻ thơ.
Một buổi đọc sách cho trẻ em tại Đủng Đỉnh Đọc
Một buổi đọc sách cho trẻ em tại Đủng Đỉnh Đọc

Thư viện độc đáo

Đủng Đỉnh Đọc là thư viện miễn phí do một nhóm bạn trẻ tự góp kinh phí lập nên với mong muốn tạo không gian đọc sách thú vị, linh hoạt cho mọi người, đặc biệt là trẻ em. Thư viện do 2 bạn Lê Thu Phương Quỳnh và Lê Kim An Nhiên đồng sáng lập. Nhóm còn có một số bạn đóng vai trò hỗ trợ tài chính như Lê Thị Thùy Trâm, Tô Vân Anh, Đàm Ngọc Thy. Hiện tại thư viện có 2 thành viên nữa là Phạm Hữu Bạch Tùng và Vũ Trọng Nguyên.

 Thư viện Đủng Đỉnh Đọc hiện có khoảng 800 đầu sách, mang dấu ấn của người chọn sách khá rõ và đều là những sách hiếm, độc đáo. Ban đầu, từ năm 2017, các bạn lập trang Facebook dungdinhdoc, là nơi chuyên review các sách hay. Đến tháng 7-2018, Phương Quỳnh và An Nhiên mời kiến trúc sư thiết kế một không gian đọc sách, bố trí theo không gian mở. Sách được xếp ngay ngắn, theo đề mục rõ ràng để người đọc dễ dàng chọn. Ngoài các kệ sách, giữa thư viện có các hộp gỗ di động, dễ sắp xếp lại bố cục. Không gian này vừa để đọc sách vừa có thể tổ chức các sự kiện, để giữ mọi người ở thư viện lâu hơn.

Thư viện được bố trí theo các trình độ đọc khác nhau, 80% sách ở thư viện là sách tranh ngoại văn. Trình độ đọc được căn cứ vào độ khó của văn bản, nhằm mục đích giúp trẻ tìm được sách phù hợp, vì cùng một độ tuổi, hai đứa trẻ có thể có trình độ đọc khác nhau. Sách sẽ theo các bước phát triển, đi từ từ vựng, câu, đoạn, chương cho đến sách chữ. Phương Quỳnh cho biết: “Ở thư viện, chúng mình chia thành 5 level: hạt, mầm, chồi, lá, hoa - tương đương với các bước phát triển. Ngoài ra, bên cạnh sách thiếu nhi còn có một số sách khác trong bộ sưu tập dành cho phụ huynh. Phần lớn các sách này về triết học, nghệ thuật và văn học. Trong năm đầu, lượng độc giả chủ yếu đến từ các bé hàng xóm và dân cư xung quanh. Sau đó, chúng mình thấy cách vận hành như vậy sẽ làm cho thư viện mang tính bị động. Mọi người chưa có thói quen đọc nhiều, nên việc làm ra một thư viện đẹp, có nhiều sách cũng chưa đủ sức lôi cuốn được nhiều người đến đọc. Vì vậy, chúng mình chuyển sang mô hình mới, thiên về việc tổ chức các hoạt động lôi cuốn cộng đồng đến với thư viện, duy trì các hoạt động này liên tục, giúp mọi người hình thành thói quen. Khi đi theo quy trình này, lượng khách đọc và tham gia hoạt động của thư viện vào các ngày cuối tuần khá đông. Trung bình một hoạt động có từ 10 - 20 người tham gia”.

Ươm mầm văn hóa đọc

Để tạo một không gian chia sẻ niềm vui đọc sách với mọi người, các thành viên trong nhóm đã tự nguyện trích một phần tiền lương để duy trì hoạt động của thư viện. Thư viện mở cửa từ 1 giờ 30 đến 18 giờ 30 các chiều từ thứ ba đến chủ nhật, mỗi tháng thư viện còn tổ chức 1 - 2 sự kiện đọc sách cho thiếu nhi. Trước đây, An Nhiên và Phương Quỳnh cùng làm việc thư viện, ở bộ phận phát triển sản phẩm sách cho trẻ em. Phương Quỳnh có điều kiện được đi công tác và du lịch nhiều nơi trên thế giới và lần nào cũng mua rất nhiều sách nước ngoài tham khảo. Khi An Nhiên đi du học và Phương Quỳnh chuyển sang làm công việc mới, hai bạn quyết định dùng bộ sưu tập sách của mình để mở thư viện, chia sẻ những cuốn sách thú vị đến mọi người.

“Trẻ em ở các nước khác có điều kiện để đọc những cuốn sách đẹp và hay, vậy thì trẻ em Việt Nam cũng xứng đáng được hưởng điều đó. Chúng mình muốn hướng đến việc phát triển một thư viện phi truyền thống. Thư viện truyền thống là nơi người ta chỉ đến để đọc sách, mượn - trả sách. Còn hiện nay trên thế giới, ở các nước phát triển, thư viện là một nơi tập trung các sinh hoạt văn hóa và tri thức của cộng đồng. Ngoài việc đọc, người ta đến thư viện để họp nhóm, chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc nuôi dạy con, cách đọc sách cho con, thanh thiếu niên đến học về âm nhạc, làm bài tập, vẽ và tư vấn các vấn đề ở trường học… Ở Việt Nam nói chung, thư viện là nơi không có nhiều người vào và thường nghĩ đến là một nơi im phăng phắc, sách xếp gọn gàng, ai cũng cắm cúi đọc. Vì vậy, khi thành lập Đủng Đỉnh Đọc, tụi mình muốn đây không chỉ là một thư viện miễn phí, mà còn là nơi đưa việc đọc sách từ một hoạt động rất tĩnh thành hoạt động sôi nổi, phù hợp với trẻ em”.

Là người làm trong lĩnh vực phát triển thói quen đọc và làm sách thiếu nhi 8 năm nay, Phương Quỳnh nhận thức trẻ em vẫn là đối tượng hàng đầu để thay đổi tình hình văn hóa đọc: “Việc của thư viện hiện đại là biến những gì trong sách thành các hoạt động phù hợp, lôi cuốn để các em được tiếp xúc sớm với sách, truyện, cùng các trò chơi. Lâu dần, các em sẽ có ấn tượng về việc đọc là niềm vui và dần hình thành thói quen. Thông qua các hoạt động này cũng giúp phụ huynh hiểu hơn về cách đọc và chơi cùng con”.

Chị Võ Phạm Mai Phương (ở phường Tân Hưng, quận 7), phụ huynh của 2 bé Kin (6 tuổi) và Jin (3 tuổi), thường đưa con đến thư viện Đủng Đỉnh Đọc, cho biết: “Tôi và các con rất thích nơi này. Đây là một không gian rất thú vị cho trẻ con. Mặc dù ở nhà tôi vẫn đọc sách cho các con nghe mỗi ngày nhưng ở đây, tụi nhỏ được nghe cùng bạn, được đặt câu hỏi và trả lời thể hiện trước nhiều người. Ngoài ra, các hoạt động kèm theo như viết thư cho ba mẹ, làm thủ công… sau khi đọc sách cũng khiến tụi nhỏ rất hào hứng, vui cười”.

Tin cùng chuyên mục