Lan tỏa tinh thần tốt đẹp của lễ hội

Hôm nay mùng 6 tháng Giêng, nhiều lễ hội lớn ở miền Bắc như lễ hội chùa Hương, hội Gióng - Sóc Sơn (Hà Nội), hội Bái Đính (Ninh Bình)… đã khai hội, chính thức mở ra mùa lễ hội xuân mới.

 Cùng với tâm trạng chộn rộn, háo hức của những người du xuân, đi lễ cầu một năm mới an lành, khỏe mạnh, vạn sự tươi tốt… đây cũng là thời điểm khởi đầu những lo lắng, liệu sẽ có một mùa lễ hội bình an?

Lo lắng là có cơ sở, bởi lẽ nhiều năm qua có bao lễ hội diễn ra ẩu đả, tranh giành, giẫm đạp, thậm chí đã có đổ máu chỉ để cướp lộc cầu may gây bức xúc trong dư luận xã hội. Bao kẻ lợi dụng lễ hội để trục lợi cá nhân, hành nghề mê tín dị đoan, “buôn thần, bán thánh”. Cũng tại các lễ hội, nhiều dịch vụ ăn theo như trông giữ xe, dịch vụ ăn uống, viết sớ tấu, xóc quẻ, bán mâm lễ, khấn hộ... tha hồ chèo kéo, “chặt chém” khách đi lễ. Tình trạng móc túi, cướp giật, cờ bạc, bói toán mê tín dị đoan cũng theo lễ hội mà xuất hiện… Nhiều lễ hội lớn như chùa Hương, Phủ Giầy, Yên Tử... luôn ở trong tình trạng quá tải, tắc nghẽn cục bộ trong những ngày cao điểm khiến du khách hành hương mà giống như bị hành. Không chỉ thế, ở đâu đó vẫn còn những lễ hội dân gian bị cải biên làm biến dạng nghi lễ, lễ hội truyền thống… gây phản cảm khiến bức tranh của lễ hội trở nên loang lổ, xấu xí. Câu hỏi đặt ra là, tại sao “lễ hội xấu xí” như vậy lại có thể tồn tại và được truyền qua bao thế hệ?

Thực chất, lễ hội không phải là một bức tranh xấu xí như vậy. Lễ hội là một loại hình sinh hoạt văn hóa cộng đồng, là sự cộng hưởng các giá trị về mặt lịch sử, phong tục, văn chương, nghệ thuật, là bảo tàng sống về các giá trị tinh thần, dân chủ, nhân văn đã được kết tinh trong suốt chiều dài lịch sử. Lễ hội là biểu hiện của sự thỏa mãn các nhu cầu về tín ngưỡng, tâm linh, về giải trí tinh thần. Ở đó, mỗi thành viên trong cộng đồng được giao lưu, học hỏi, tăng cường tính kết nối, đoàn kết, chống giặc, giữ nước…

Quan trọng hơn nữa, lễ hội nảy sinh chính từ nhu cầu sáng tạo và thụ hưởng văn hóa, góp phần nâng cao đời sống văn hóa của cộng đồng dân cư. Do vậy, hàng ngàn năm qua, lễ hội đã trở thành loại hình văn hóa đặc sắc không thể thiếu trong đời sống tinh thần và tâm linh đối với mỗi người dân Việt Nam. Mỗi độ xuân về, từ đô thị đến nông thôn, từ đồng bằng đến vùng núi cao, lễ hội được tổ chức để đón mừng năm mới, tưởng nhớ tổ tiên, người có công với cộng đồng và cũng là dịp để mọi người vui chơi, giải trí sau một năm lao động, sản xuất.

Phó Chánh Thanh tra Bộ VH-TT-DL, ông Phạm Xuân Phúc, người nhiều năm theo sát công tác tổ chức lễ hội ở các địa phương cũng nhận định rằng, đừng tuyệt đối hóa lễ hội. Lễ hội tổ chức, du khách tham gia rất tự nhiên, đâu có cần giấy mời. Nếu không quản lý mà để lễ hội để tự phát thì không thể nào làm được.
Không chỉ thế, dưới góc nhìn của các nhà kinh tế thì kho tàng lên tới hàng ngàn lễ hội dân gian còn là di sản văn hóa đặc trưng, là sản phẩm du lịch tiềm năng ít quốc gia nào trên thế giới có được, có thể đem lại nguồn thu lớn cho ngân sách quốc gia. Từ nhận định đó, Tổng cục Du lịch đã chọn 20 lễ hội tiêu biểu trong cả nước để thể nghiệm đầu tư nhằm biến sản phẩm văn hóa thành sản phẩm du lịch. Kết quả thật khả quan, đặc biệt có những lễ hội rất thành công như lễ hội Chử Đồng Tử - Tiên Dung ở Hưng Yên, lễ hội Kiếp Bạc (Hải Dương), Quán Thế Âm ở Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng), Bà Chúa Xứ ở An Giang, hội Chăm ở Ninh Thuận, đua ghe ngo ở Sóc Trăng…

Thực tế, công tác quản lý và tổ chức lễ hội trong cả nước năm 2018 cũng ghi nhận nhiều chuyển biến tích cực, từng bước đi vào nền nếp. Phần lớn lễ hội đều được diễn ra trong không khí trang trọng, an toàn, tiết kiệm, hiệu quả với nhiều hoạt động văn hóa, thể thao và các trò chơi dân gian đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt văn hóa tinh thần của nhân dân, góp phần thể hiện giá trị giáo dục truyền thống tốt đẹp của lễ hội; tôn vinh công lao của các bậc tiền nhân, nhân vật lịch sử, những người có nhiều đóng góp trong quá trình hình thành, phát triển đất nước và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam. Song chỉ khi nào lãnh đạo của địa phương và từng người dân hiểu và nhận thức đúng vai trò của lễ hội thì lễ hội mới trở về với giá trị nguyên gốc, là cầu nối giữa quá khứ với hiện tại, làm cho thế hệ trẻ hôm nay hiểu được công lao tổ tiên, thêm tự hào về truyền thống quê hương, đất nước của mình. Và khi đó, giá trị văn hóa, tinh thần tốt đẹp của lễ hội mới thực sự được lan tỏa.

Tin cùng chuyên mục