Lan tỏa tinh thần chia sẻ


Những vật dụng ít hoặc không còn nhu cầu sử dụng, thay vì bỏ đi, nhiều người trẻ chọn cách chia sẻ lại cho những ai có nhu cầu thông qua việc kết nối cùng nhau trên mạng xã hội. Nhiều người cho rằng đây không chỉ là cách giúp đỡ nhau mà còn tạo lối “sống xanh” và không lãng phí trong cuộc sống.
Một số buổi họp mặt, sinh hoạt để mọi người có thể cho - nhận trực tiếp
Một số buổi họp mặt, sinh hoạt để mọi người có thể cho - nhận trực tiếp

Vài năm trở lại đây, khái niệm freeshop (cửa hàng miễn phí) đã không còn xa lạ với những người trẻ, đặc biệt là từ mạng xã hội. Nhiều hội nhóm freeshop được lập ra để kết nối những người cùng nhu cầu cho và nhận với nhau. Mọi người có thể chia sẻ trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua những dịch vụ giao - nhận. 

Theo định kỳ, các nhóm freeshop thường tổ chức buổi họp mặt, tùy vào số lượng người tham dự mà địa điểm có thể khác nhau như quán cà phê, công viên… Bên cạnh việc chia sẻ đồ đạc, vật dụng, nhiều bạn trẻ còn chia sẻ những kinh nghiệm sống, kỹ năng mềm, hay những mẹo vặt cuộc sống như trồng hoa, trồng rau, may vá… thu hút đông đảo thành viên tham dự.

Quần áo, sách, bàn ghế, dụng cụ làm bếp, làm vườn, đồ chơi trẻ em… là những vật dụng được các thành viên chia sẻ phổ biến nhất, mỗi ngày có hàng chục tài khoản đăng tin chia sẻ đồ dùng. Và những ai muốn xin vật dụng hay đồ dùng gì cũng có thể đăng thông tin lại. Vừa tặng một xe nôi em bé và tủ đựng giày dép, anh Thanh Bình (30 tuổi, ngụ quận 8) chia sẻ: “Lâu lâu dọn nhà cho đỡ chật, mấy đứa nhỏ lớn rồi nên không dùng xe nôi nữa nhưng còn sử dụng tốt, bỏ đi thì phí, cứ đăng lên nhóm cho bạn nào cần thì mình tặng lại”. 

Thường chia sẻ các thiết bị máy tính, dây nối linh kiện trên các nhóm freeshop, anh Hồ Tâm (28 tuổi, nhân viên IT, ngụ quận 7), cho hay: “Thay vì bỏ đi cũng thành rác, mình có dư hoặc không dùng nữa thì chia sẻ với những ai cần, cũng xem như một cách hạn chế rác thải ra môi trường. Sản phẩm còn dùng được chưa đến mức thành phế phẩm cũng nên tận dụng”.

Từ việc cho đi và nhận lại, giữa những người lạ bắt đầu kết nối và có thêm bạn bè cùng sở thích. Chia sẻ hạt cườm, chỉ và dụng cụ thêu, chị Nguyên Hà (quận Bình Thạnh) bắt đầu có thêm những người bạn cùng sở thích nữ công gia chánh. Chị Hà kể: “Mấy đứa nhỏ trong nhà thích quần áo có gắn thêm bông hoa hay con thú trong mấy phim hoạt hình, nên tôi mua về trang trí cho con. Mua sỉ số nhiều rồi dùng không hết, nên đăng cái tin tặng lại bớt cho mấy chị em nào cần. Tặng qua rồi tặng lại, tôi cho đi một số dụng cụ may, thêu và cũng nhận được thùng xốp, hạt giống trồng rau, trồng hoa từ vài người bạn khác. Dần dần có nhiều người cũng cùng sở thích nên chúng tôi lập thành nhóm chia sẻ mấy mẹo vặt gia đình, nữ công gia chánh rồi làm vườn… Thỉnh thoảng rảnh rỗi, mấy bà mẹ trẻ hẹn hò cà phê tám chuyện với nhau”.

Thành lập từ năm 2013, Freecycle Việt Nam là một nhóm hoạt động khá sôi nổi trên mạng xã hội, hiện nay số lượng đã hơn 40.000 thành viên từ nhiều tỉnh thành khác nhau trong cả nước. Là thành viên sáng lập nhóm ngay từ những ngày đầu, anh Phạm Trung Kiên (tốt nghiệp thạc sĩ Đại học Melbourne, sống tại Hà Nội), chia sẻ: “Ban đầu nhóm cũng có ý định mở gian hàng miễn phí ở một địa điểm nào đó, nhưng mô hình đó hiện nay đã có nhiều. Và mạng xã hội đang rất phổ biến, nên tạo nhóm từ mạng xã hội sẽ thuận tiện với mọi người hơn. Mọi hoạt động cho - nhận trong nhóm đều không vì mục đích vụ lợi nên ai có gì dư thì chia sẻ và ai cần thì nhận. 

Nhóm cũng đặt ra các quy định rõ ràng về việc cho - nhận để tránh trường hợp một người nhận quá nhiều, người khác cần thì không có gì. Và người cho cũng phải cung cấp đầy đủ thông tin và hình ảnh về món đồ mình muốn cho, nhóm là nơi chia sẻ đồ dùng cùng nhau, chứ không phải nhận các phế phẩm, không còn dùng được. Nhưng hơn hết vẫn là đề cao tinh thần tự chia sẻ giữa mọi người. Nhiều người có điều kiện sẵn sàng chia sẻ đồ dùng giá trị như xe máy cũ, giường, tủ… Hy vọng có thể làm lan tỏa tinh thần chia sẻ giữa người với người trong cuộc sống”.

Tin cùng chuyên mục