Làm rõ tính pháp lý nguồn gốc đất dự án

Dự án An Sinh - Asa Light (phường 4, quận 8, TPHCM) đã bị UBND TPHCM yêu cầu tạm dừng thi công để làm rõ tính pháp lý nguồn gốc đất dự án. Qua đường dây nóng Báo SGGP, một số khách hàng mua căn hộ tại dự án này nêu thắc mắc: Đất dự án này có nguồn gốc đất và ảnh hưởng đến quyền lợi khách hàng hay không?

Hiện nay, không riêng dự án An Sinh - Asa Light mà có nhiều dự án nhà ở bị tạm dừng theo yêu cầu của UBND TPHCM để làm rõ tính pháp lý nguồn gốc đất dự án. Để làm rõ vấn đề pháp lý mà bạn đọc quan tâm, phóng viên Báo SGGP đã liên hệ trao đổi với Đoàn Luật sư TPHCM và được luật sư Trần Đình Dũng cho biết như sau:

Làm rõ tính pháp lý nguồn gốc đất dự án ảnh 1 Dự án An Sinh - Asa Light tại phường 4, quận 8, TPHCM
Trong Luật Đất đai 2013 không có quy định nào về đất công. Trên thực tế, đất công được hiểu là đất do nhà nước quản lý, được sử dụng vào mục đích công cộng (như làm đường sá, trường học, sân bay, bến cảng…) hay đất 5% do chính quyền địa phương quản lý. Trong trường hợp này, đất công được hiểu là đất thuộc quyền sử dụng của nhà nước, không cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân. Nguồn gốc đất công có thể do nhà nước giao; đất thu hồi từ đơn vị, cá nhân vi phạm Luật Đất đai; đất xác lập quyền sử dụng trên cơ sở khai hoang, phục hóa, chuyển từ đất bưng biền sang đất nông nghiệp, phi nông nghiệp...  

Theo UBND quận 8, dự án An Sinh - Asa Light do Công ty TNHH MTV Công ích quận 8 và Công ty TNHH Sản xuất thương mại dịch vụ Thái Bảo làm chủ đầu tư, có diện tích 15.000m2, được thực hiện từ năm 2007. Khu đất có nguồn gốc do Công ty TNHH MTV Công ích quận 8 thực hiện đền bù mà có, chứ không phải do nhà nước giao. Công ty này là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, vì thế mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh đều chịu sự quản lý của nhà nước. Nhà nước phải chịu trách nhiệm về tính pháp lý, về nợ nần khi doanh nghiệp làm ăn thua lỗ. Do vậy, khu đất làm dự án dù do Công ty TNHH MTV Công ích quận 8 thực hiện đền bù bằng vốn tự có hay vốn vay ngân hàng thì quyền về tài sản phát sinh do hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp đều là tài sản nhà nước. Khu đất dự án do doanh nghiệp nhà nước đền bù mà có từ vốn ngân sách hay vay mượn cũng là đất công. Việc tạm dừng một số dự án để làm rõ tính pháp lý nguồn gốc đất dự án là cần thiết, nhằm tránh thiệt hại cho nhà nước. 

Quyền lợi của công dân hay nhà nước đều được pháp luật bảo vệ như nhau, không phân biệt. Ở đây, nhằm bảo vệ quyền lợi của nhà nước không bị xâm phạm, tránh thất thoát tài sản khi thực hiện dự án nên phải tạm dừng để xem xét lại tính pháp lý, nguồn gốc đất. Nếu là đất công, phải được đấu giá công khai hoặc định giá đúng khi đưa vào liên doanh, liên kết. Vì thế, UBND TPHCM yêu cầu tạm dừng dự án là cần thiết. Tuy nhiên, điều này làm chậm tiến độ dự án, ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của người mua căn hộ. Để giảm phiền hà, thiệt hại cho người dân mà vẫn bảo đảm quyền lợi của nhà nước, các đơn vị được giao nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra nguồn gốc đất dự án cần sớm có kết luận nguồn gốc đất dự án là đất công hay không, để chủ đầu tư được tiếp tục triển khai, sớm giao căn hộ cho khách hàng.

Tin cùng chuyên mục