Làm nghề nguy hiểm, nghỉ hưu ra sao?

Người lao động khi nghỉ việc có đủ 20 năm đóng BHXH trở lên được hưởng lương hưu (với mức thấp hơn so với người đủ điều kiện hưởng lương hưu) nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên, và có đủ 15 năm trở lên làm nghề hoặc công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm...
- Tôi 52 tuổi, là công nhân nhà máy giấy, có 24 năm làm việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm (loại V), thường tiếp xúc hóa chất. Tôi bị suy giảm khả năng lao động 63%, vậy tôi được nghỉ hưu chưa? Mức hưởng và thủ tục? (NGUYỄN VĂN VẠN, quận Thủ Đức, TPHCM)
- Bà NGUYỄN THỊ THU, Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội (BHXH) TPHCM: Điều 55 Luật BHXH quy định, người lao động khi nghỉ việc có đủ 20 năm đóng BHXH trở lên được hưởng lương hưu (với mức thấp hơn so với người đủ điều kiện hưởng lương hưu) nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên, và có đủ 15 năm trở lên làm nghề hoặc công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm. 
Đối chiếu quy định trên, ông sinh năm 1966, nếu có 24 năm làm nghề đặc biệt độc hại và suy giảm khả năng lao động 63% thì đủ điều kiện nghỉ hưu. Do tôi không có thông tin về việc đóng BHXH của ông nên không thể trả lời chính xác cách tính lương hưu của ông được.
Về thủ tục giải quyết chế độ hưu trí, gồm: sổ BHXH; biên bản giám định mức suy giảm khả năng lao động; quyết định nghỉ việc hưởng chế độ hưu trí theo mẫu số 12-HSB (nếu đang làm việc); đơn đề nghị theo mẫu số 14-HSB (nếu đã nghỉ việc).
Làm nghề nguy hiểm, nghỉ hưu ra sao? ảnh 1 Công nhân đang dùng máy bơm cao áp phun nước để làm sạch bề mặt tàu.
- Tôi sinh ngày 22-12-1965, công tác 24 năm, là công nhân Công ty cổ phần Thuốc sát trùng Việt Nam. Biên bản giám định y khoa ngày 25-11-2017 xác định tôi suy giảm khả năng lao động 67%. Tôi đủ điều kiện nghỉ hưu trước tuổi không? (BÙI NGỌC SƠN, quận Thủ Đức, TPHCM)
- Người lao động khi nghỉ việc có đủ 20 năm đóng BHXH trở lên được hưởng lương hưu với mức thấp hơn so với người đủ điều kiện hưởng lương hưu, nếu thuộc một trong các trường hợp sau: a) Từ năm 2016, nam đủ 51 tuổi, nữ đủ 46 tuổi và bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên.
Sau đó mỗi năm tăng thêm một tuổi cho đến năm 2020 trở đi, nam đủ 55 tuổi và nữ đủ 50 tuổi thì mới đủ điều kiện; b) Nam đủ 50 tuổi, nữ đủ 45 tuổi và bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên; c) Bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên và có đủ 15 năm trở lên làm nghề hoặc công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.
Đối chiếu quy định trên thì ông chưa đủ điều kiện nghỉ hưu trước tuổi, mà phải chờ đủ 55 tuổi.
- Tôi sinh ngày 22-3-1959, nam giới, làm việc trong cơ quan nhà nước từ tháng 7-1978 đến nay. Tôi dự định nghỉ việc từ ngày 22-3-2018 thì sau 40 năm làm việc, tôi được hưởng các chế độ gì? Nếu ngày 1-7-2018 tôi mới nghỉ việc thì được hưởng ra sao? (h_nghia…@icloud.com)
- Nếu ông nghỉ việc trong năm 2018 thì sẽ được hưởng các chế độ ngắn hạn là trợ cấp thôi việc (do người sử dụng lao động trả); trợ cấp thất nghiệp (do cơ quan BHXH và Trung tâm Dịch vụ việc làm TPHCM trả); và đặc biệt là chế độ dài hạn - lương hưu. 
Cụ thể, trợ cấp thôi việc tương ứng với thời gian làm việc tại đơn vị từ tháng 7-1978 đến 12-2008; mỗi năm làm việc được trợ cấp một nửa tháng tiền lương. Đồng thời, ông được nhận trợ cấp thất nghiệp cho giai đoạn 2008-2018.
Thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp được tính theo số tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp, cứ đóng đủ 12 tháng đến đủ 36 tháng thì được hưởng 3 tháng trợ cấp thất nghiệp, sau đó, cứ đóng đủ thêm 12 tháng thì được hưởng thêm 1 tháng trợ cấp thất nghiệp nhưng tối đa không quá 12 tháng. Về trợ cấp thất nghiệp, ông liên hệ Trung tâm Dịch vụ việc làm TPHCM để được phục vụ. 
Về chế độ hưu trí, ông được hưởng khi đủ 60 tuổi (vào năm 2019). Ông có 40 năm đóng BHXH. Mức hưu trí của ông đạt mức tối đa là 75%, tương ứng với 32 năm đóng BHXH.
Như vậy, ông còn “thừa” 8 năm đóng BHXH; số năm dư ra sẽ được tính hưởng trợ cấp một lần (tức là ông vừa được hưởng lương hưu, vừa được hưởng trợ cấp một lần), mỗi năm bằng 0,5 tháng mức lương bình quân tiền lương tháng đóng BHXH. 
Trường hợp nếu ông muốn nghỉ hưu vào năm 2018 (ở tuổi 59), ông cần phải giám định y khoa, liên hệ trực tiếp tại Hội đồng giám định y khoa TPHCM (số 105 Bùi Hữu Nghĩa, quận 5).
Sau khi giám định, nếu ông suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên thì được giải quyết hưu trí. Tuy nhiên, xin lưu ý là mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi, người lao động bị trừ 2% tỷ lệ lương hưu.
-------------------------
Bạn đọc gửi câu hỏi theo địa chỉ: Ban Chính trị - Xã hội, Báo SGGP, số 432 Nguyễn Thị Minh Khai, phường 5, quận 3, TPHCM; hoặc điện thoại 0914 446618, email: duongloan@sggp.org.vn

Tin cùng chuyên mục